Ai cũng biết chương trình học chuyên khá nặng và thường xuyên tập trung cho môn chuyên có thể khiến bạn bị học lệch. Vậy nên, trước khi quyết định gắn bó 3 năm cấp 3 với môn nào đó, hãy tự hỏi mình rằng “Mình có yêu nó không?”

Phải yêu thật sự!

Có khá nhiều bạn học chuyên nhưng lại có thái độ không thích thú lắm với môn học của mình. Điều này thể hiện rõ ở các môn chuyên “yếu thế” như: Sinh, Địa, Sử... một teen chuyên Sinh chia sẻ rằng: “Ngày trước tớ đi học đội tuyển Sinh vì trượt đội tuyển Toán, xong sẵn kiến thức về Sinh, tớ thử thi vào chuyên Sinh xem thế nào. Thế mà đỗ luôn, không học thì phí, nên gắn bó tới bây giờ luôn.”

H (Chuyên Sử) thì lại có nguyên cớ khác: “Nhà tớ ở vùng núi, bố mẹ muốn gửi lên Hà Nội cho có điều kiện học tập, mà trường Công lập đâu nhận học sinh ngoại tỉnh, học phí trường tư thì quá đắt. Thế nên tớ mới thi vào Chuyên, môi trường học tập tốt hơn trường thường nữa chứ”. Không có khả năng đặc biệt ở môn học nào, H quyết định thi vào chuyên Sử, là môn kém “hút teen” nên cơ hội đỗ cao.

Lớp chuyên Địa của Đ có không ít người đỗ vào hệ 2 của chuyên Toán, Hóa nhưng với tâm lý “nhất định phải vào hệ 1, chuyên gì thì cũng được thầy cô trường chuyên dạy, môn khác mình đi học thêm trung tâm là ổn rồi”. Với tâm lý học hành tạm bợ như thế, đến giờ môn chuyên, đáng lẽ phải là những tiết học hào hứng nhất thì không ít bạn học uể oải.

Gắn mác trường chuyên – “giải quyết khâu oai”


Học chuyên gì không quan trọng, miễn được đi học ở trường chuyên. Tâm lí mê “trường chuyên lớp chọn” thể hiện từ khi nộp đơn xét tuyển vào trường, dù lệ phí có khi tới một trăm nghìn/bộ hồ sơ, nhiều teen vẫn nộp tới 5, 6 bộ với suy nghĩ “lọt sàng xuống nia”, không đỗ chuyên cao thì ta vào học chuyên thấp hơn, miễn là vẫn được ngồi học ở trường chuyên.

M (Đống Đa) thẳng thắn: “Tớ không học giỏi Văn, Tiếng Anh cũng chẳng khá khẩm lắm, thế nên tớ phải thi chuyên Toán thôi, không thì biết thi chuyên gì đây?”. Nhưng với sức học cà tịch cà tàng, không có gì nổi bật, M không bao giờ học nổi chuyên Toán.


Cái mác “trường chuyên” thật oách khiến teen đang lao mình chạy theo nó, không quan tâm rằng thật sự nó có phù hợp với mình hay không? Bạn bè xung quanh đều thi chuyên, mình chẳng lẽ lại chịu kém cạnh hơn, “thi cho vui” có sao đâu!
Hãy suy nghĩ  thật kỹ để không bị hối tiếc mãi 3 năm nhé. (Ảnh minh họa)
Khi tình yêu thành gánh nặng

Khi không thiết tha gì với môn chuyên, bạn vẫn phải học với tần suất cao cùng với cả lớp. Dù bạn không hề muốn nhưng áp lực là vô cùng lớn, khi phải chạy sô học thêm bù đắp cho môn học mình thích lại phải chăm chút cho điểm chác môn chuyên không quá tệ.

K học chuyên Sinh nhưng lại không muốn làm bác sĩ và muốn thi khối A. Vậy là K vừa phải cày môn Sinh trên lớp, vừa phải phấn đấu cho giấc mơ đại học. Lớp chuyên Sinh của K chỉ có 1/3 là thích theo nghiệp khối B còn lại không ít bạn thích khối A thậm chí có khả năng ở khối D, nhưng lại tiếc công 3 năm dùi mài kinh sử, thế là quyết thi thêm khối B “cho đỡ tiếc”. Vậy là thời gian biểu căng như dây đàn, học bù đầu tối ngày. Để theo đuổi nhiều mục tiêu thật không dễ dàng!

Học chuyên cần có sự đam mê rất lớn, bạn có thể ngồi hàng giờ vì một bài Toán, có thể bỏ cả ngày trong phòng thí nghiệm mà vẫn thấy thoải mái, phấn chấn vì đó chính là tình yêu, là cuộc sống của bạn. Đừng bắt tình yêu của mình phải đổi hướng chỉ vì vài lý do. Hãy sống và làm việc theo đúng ước mơ và nguyện vọng của mình để thực sự thành công teen nhé!

Theo Kenh14