Một cửa hàng phân phối Internet card ở phố Lý Nam Đế vắng khách

Internet quay số sắp hết thời

Như một quy luật tất yếu, Internet băng rộng (ADSL) càng phát triển mạnh mẽ, dịch vụ truy cập Internet quay số (dial-up) càng yên ắng. Số người dùng giảm, doanh thu giảm, cả “chủ” và “khách” không còn mấy mặn mà.

Yếu thế trước ADSL

Nếu như hai năm trước (2005), dịch vụ truy cập Internet qua dial-up được tất cả các ISP như FPT, Công ty cổ phần Bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT), VDC và Viettel cung cấp dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó thuận tiện nhất là phát hành thẻ trả trước (Internet card), thì đến thời điểm này, các loại thẻ của Viettel, FPT ít thấy trên thị trường. Các cửa hàng bán thẻ Internet trả trước chỉ còn thẻ của NetNam, VDC, SPT… với thị phần chia đều cho cả ba ISP này. Thay vào đó là số lượng khách hàng tăng vọt của dịch vụ ADSL.

Thực tế, các ISP cung cấp dịch vụ Internet qua dial-up hiện nay chỉ là sự tận dụng mạng lưới đã có sẵn, chứ không hề đầu tư, hay mở rộng, phát triển thêm. Thay vì phát triển Internet qua dial-up, các ISP phát triển ADSL. Theo lý giải của các ISP thì cung cấp Internet qua dial-up hiện nay không có lợi nhuận. “Chúng tôi phải tính toán làm sao để thu đủ bù chi chứ không trông chờ lợi nhuận ở loại hình dịch vụ này. Kinh doanh là tận dụng cơ sở hạ tầng có sẵn chứ không đầu tư mới nữa, mà đầu tư sẽ không thu lại được vốn…” – đại diện của SPT cho chúng tôi biết.

VDC với ưu thế cung cấp dịch vụ Internet quay số tại 64 tỉnh thành trên toàn quốc theo hình thức thuê bao 260, gọi VNN1269 và thẻ trả trước VNN 1260-P nhờ vào hạ tầng viễn thông trải rộng khắp cả nước số lượng khách hàng cũng giảm và doanh thu cũng có chiều hướng đi xuống. Trong đợt khuyến mãi nhân dịp Tết Đinh Hợi vừa qua, VDC3 với địa bàn lớn ở miền Trung nhưng chỉ có doanh thu 400-500 triệu đồng, thấp hơn nhiều lần so với mong đợi.

Nhân viên phòng kinh doanh của NetNam cho biết, để cung cấp dịch vụ Internet qua dial-up, NetNam phát hành các mệnh giá Internet card từ 50.000 đồng đến 500.000 đồng. Vài năm trước, thường bán được từ 10.000 thẻ – 20.000 thẻ/tháng. Hiện nay chỉ bán được 5.000 thẻ/tháng. Con số này cho thấy khách hàng dùng dịch vụ này ngày càng giảm.

Theo lý giải của các ISP thì ADSL khắc phục được tất cả những điểm yếu của Internet qua dial-up như tốc độ, đường truyền, thời gian sử dụng… nên không có gì đáng ngạc nhiên khi dịch vụ này bị ADSL “tiếm ngôi”.

Tồn tại hay không tồn tại?

Năm 2001, các ISP như FPT, Netnam, VDC… đồng loạt tung ra những loại thẻ Internet card để truy nhập Internet qua dial-up cực kỳ tiện lợi cho khách hàng, đa dạng về mệnh giá và hình thức sử dụng. Các chiến dịch quảng bá rầm rộ như “Nghỉ hè trên nét”, “Truy cập miễn phí 12 giờ mỗi ngày”, “Khám phá Internet…” thu hút được đông đảo khách hàng. Tại thời điểm đó, Trưởng phòng marketing của FPT Internet Phạm Đức Thành khẳng định, hầu hết các sinh viên của các trường ĐH đều sử dụng Internet card của FPT cung cấp, (150 trường ĐH, Cao đẳng, PTTH, THCS tại HN và một số tỉnh lân cận với tỷ lệ hơn 60% khách hàng thuộc các trường ĐH, CĐ, hơn 20% khách hàng là các trường PTTH, THCS sử dụng Internet card). Chỉ sau một tháng triển khai dịch vụ “Nghỉ hè trên nét” của FPT đã có 1.500 khách hàng mua thẻ sử dụng.

Công ty cổ phần Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT) cũng tương tự như vậy. Anh Nguyễn Thanh Long, phụ trách phân phối Internet card của SPT cho biết, doanh số những năm trước bán ra lên đến 2 - 3 tỷ/năm, nhưng hiện nay, con số này đã giảm xuống 10 lần, chỉ còn khoảng 200-300 triệu mỗi năm. Doanh số này lại tiếp tục giảm hàng năm. Hiện 95% khách hàng trước đây tại các thành phố lớn như TP.HCM, HN, Đà Nẵng đã bỏ Internet card sang dùng ADSL. Thời Internet card phát triển mạnh, SPT có 40 chi nhánh, đại lý phân phối thẻ tại các tỉnh, thành trong cả nước với số lượng thẻ bán ra gấp 10 lần hiện nay.

Liệu dịch vụ Internet qua dial-up có còn tồn tại? Các nhà cung cấp dịch vụ  lý giải rằng, dịch vụ này sẽ không bị “xoá sổ” như nhiều người lo lắng, cho dù số lượng khách hàng sử dụng không nhiều và chủ yếu ở tại các vùng sâu, vùng xa, nơi mà ADSL chưa thể vươn tới được. “Ở nước ta, địa hình phức tạp, đồi núi nhiều, ADSL không thể vươn xa hết được. Chính vì vậy mà dịch vụ này vẫn còn đất. Mặt khác, dịch vụ truy cập Internet qua dial-up chi phí đầu cuối thấp, nên vẫn phù hợp với khách hàng ở những vùng này, cho dù họ phải trả cả cước phí Internet và cước viễn thông…” – Một đại diện của SPT cho biết.

Trọng Hoàng