
Nổi tiếng với bo mạch chủ
Jonney Shih đang là cổ đông lớn nhất đồng thời là Chủ tịch của Asustek (gọi tắt là Asus) , công ty đạt doanh thu khoảng 21 tỷ USD mỗi năm đã giới thiệu chiếc netbook đầu tiên, mở đầu cho cuộc cách mạng ngành công nghiệp máy tính cá nhân đang trì trệ.
Asus được thành lập năm 1989 bởi 4 cựu nhân viên của Acer. Sau khi Acer - một trong những công ty đầu tiên biến Đài Loan trở thành trung tâm sản xuất máy tính của thế giới - phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Đài Bắc, 4 nhân viên Acer quyết định bán cổ phần của mình để lấy vốn kinh doanh riêng. Họ đã thuyết phục Shih - lúc đó đang điều hành bộ phận Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của Acer - cùng tham gia thành lập một công ty chuyên thiết kế và sản xuất bo mạch chủ máy tính.
Jonney Shih vẫn chưa muốn rời bỏ Acer vì lòng trung thành với người thầy Stan Shih, nhà đồng sáng lập kiêm chủ tịch của Acer. Tuy nhiên, ông vẫn động viên các bạn mình thành lập công ty, đồng thời góp vốn vào công ty đó. Năm 1994, sau 3 năm giữ vị trí Chủ tịch quản lý kinh doanh của Acer, Shih chuyển sang làm việc tại Asus ở cương vị Tổng Giám đốc điều hành.
Thông thường, sau khi một hãng sản xuất chip ra vi xử lý mới, các nhà thiết kế bo mạch chủ sẽ tích hợp vi xử lý đó vào một bảng mạch tiêu chuẩn có thể hoạt động trong máy tính. Công ty nào ra mắt bo mạch chủ đầu tiên sẽ có lợi thế hơn các đối thủ khác. Khi còn làm việc tại Acer, Jonney Shih đã nổi tiếng nhờ thiết kế ra các bảng mạch chủ “sát thủ”. Năm 1985, khi hãng sản xuất chip Intel ra mắt bộ vi xử lý 386, Shih và một nhóm kỹ sư đã tham gia Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES) tổ chức tại Las Vegas để tranh tài. Ông nhớ lại: “Vào chuyến đi đó, chúng tôi không mấy khi nhắm mắt ngủ được”.
Trong khi Dell là hãng cung cấp bo mạch chủ có hiệu suất cao nhất nhưng lại không phù hợp để sản xuất hàng loạt thì bo mạch chủ của Shih lại thích hợp cho sản xuất đại trà và đã đánh bại các sản phẩm mạnh nhất của IBM và Compaq (vào thời điểm đó, nhiều nhà sản xuất máy tính tự thiết kế và lắp ráp bo mạch chủ, đồng thời bán cho các hãng khác). Rất nhiều đơn đặt hàng được gửi tới Asus và cái tên Jonney Shih trở nên nổi tiếng khắp làng công nghiệp PC.
Sau khi chuyển sang làm việc cho Asus, Shih tiếp tục thành công với vi xử lý 486 của Intel. Các nhà sản xuất như Hewlett-Packard, Sony và Dell nhận ra rằng bo mạch chủ của Asus giúp máy tính của họ chạy nhanh hơn. Vào giữa những năm 1990, Asus bán được nhiều bo mạch chủ hơn bất kỳ hãng nào, doanh thu và lợi nhuận từng bước tăng lên.
Nhưng đến năm 2001, các công ty khác như ECS và Foxconn bắt đầu cạnh tranh giá với Asus trong ngành kinh doanh bo mạch chủ. Asus đã tụt xuống hàng thứ hai về khối lượng sản xuất, doanh thu hàng năm giảm nghiêm trọng từ 500 triệu USD (năm 2001) xuống còn 300 triệu USD (năm 2002). Để đối phó, Shih đã ra chiến lược có tên gọi “Sư tử khổng lồ”.
Ông nói: “Bạn cần là một chú sư tử, một chú sư tử có vị thế trong rừng già. Chúng tôi quyết tâm giữ vững hiệu suất, chất lượng và cải tiến đối với bo mạch chủ của hãng. Nhưng tôi nhận ra rằng đồng thời phải có thị phần lớn, tức là phải trở thành một con sư tử khổng lồ”. Shih đã thành lập công ty con ASRock để cạnh tranh ở thị trường giá rẻ, tận dụng nguồn nhân lực và trang thiết bị sản xuất của Asus. Trong vòng 2 năm, Asus đã trở lại vị trí dẫn đầu về doanh thu trên thị trường bo mạch chủ, với sản lượng vượt qua tổng số các đối thủ đứng hàng thứ hai, ba và thứ tư gộp lại.

Người đứng sau cơn sốt netbook
Cùng thời gian đó, Asus là đối tác sản xuất theo hợp đồng cho Dell, HP và Sony các mặt hàng như máy tính notebook, thiết bị nghe nhạc MP3, bộ điều khiển trò chơi điện tử, thiết bị mạng… Năm 1997, không muốn Asus tiếp tục chỉ là một nhà sản xuất hợp đồng không tên tuổi, Shih quyết định sản xuất laptop. Máy tính của Asus thu hút người tiêu dùng nhờ khả năng hoạt động, độ bền và phong cách chứ không phải nhờ giá rẻ. Asus đã đứng đầu về số lượng notebook bán ra tại Đài Loan.
Tuy nhiên, tham vọng của Shih không chỉ có như vậy. Ông muốn tạo ra một loại thiết bị của nền công nghệ số, có thể kết nối không dây, thực hiện được những chức năng cơ bản của máy tính, dễ sử dụng, nhỏ gọn và trên hết là vừa túi tiền để tiếp cận hàng tỉ người tiêu dùng. Lúc đó, Intel đang nghiên cứu một loại chip có tên gọi là Atom, có thể giúp Shih thực hiện tham vọng của mình.
Ông Sean Maloney, Phó Chủ tịch Điều hành của Intel, kể lại: “Chúng tôi đang nghiên cứu tạo ra một loại chip giá rẻ, tiết kiệm năng lượng gọi là Atom. Và Jonney muốn có nó”. Trong 3 tháng liền, Shih và Jerry Shen, Trưởng bộ phận bo mạch chủ của Asus (hiện là CEO của Asus), đã thống nhất đưa các đặc tính Wi-Fi, touchpad và ổ cứng SSD vào máy tính siêu nhỏ này, đồng thời loại bỏ các chức năng như hệ điều hành Microsoft Windows và bàn phím cỡ lớn. Khi xuất hiện lần đầu tiên tại Đài Loan vào tháng 10/2007, hàng ngàn máy netbook EeePC đã bán hết trong vòng 30 phút. Sau đó không lâu, hầu như tất cả các công ty sản xuất máy tính lớn, bao gồm cả Dell, Hewlett-Packard và Toshiba, đều sản xuất máy netbook.
Kể lại sự ra đời của netbook, tạp chí Fortune đã viết: “Nhiều đối thủ đã cười nhạo Jonney Shih vì chiếc laptop cỡ nhỏ có tên gọi netbook của ông. Để rồi sau khi hàng triệu chiếc netbook xuất xưởng, chính Shih mới là người cuối cùng cất tiếng cười”.
Biết chấp nhận nghịch cảnh
Chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh trên một ngọn đồi sau chùa Hsing Tian Kong ở phía bắc Đài Bắc, Đài Loan, Jonney Shih ngồi bình thản, mặc kệ mồ hôi tuôn rơi dưới cái nắng gay gắt để tập trung vào một ván cờ. Shih nói: “Theo đạo Phật, con người cần học cách chấp nhận tất cả mọi thứ. Sau đó, người ta có thể tĩnh tâm lại và suy nghĩ một cách rõ ràng.” Tuy nhiên, một doanh nhân như Shih khác các phật tử ở chỗ ông thường suy nghĩ những vấn đề kỹ thuật và kinh doanh trong lúc thiền, còn các phật tử thì không. Shih nói: “Người ta thường nghĩ rằng đạo Phật thụ động và hướng về sự giải thoát. Nhưng không phải như vậy, đạo Phật hướng con người đương đầu với các biến cố đang xảy ra trước mắt bằng một cái đầu tỉnh táo và linh hoạt. Thách thức rất đa dạng, có thể là thời tiết khắc nghiệt hoặc một cuộc thi khó khăn, nhưng quan trọng là bạn phải biết chấp nhận và làm những gì tốt nhất theo khả năng của mình vào lúc đó”.
Theo Fortune
Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 28 ra ngày 5/3/2012.