
Video: Lực lượng bảo vệ Đại nội Huế khống chế, bắt giữ đối tượng Tâm. Nguồn: UBND TP Huế
Chiều 25/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Huế cho biết đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối tượng Hồ Văn Phương Tâm (SN 1983, trú quận Tân Bình, TPHCM).

Tâm bị tạm giữ để điều tra, làm rõ hành vi "Cố ý làm hư hỏng tài sản" xảy ra tại Điện Thái Hoà của Đại nội Huế (thuộc phường Đông Ba, quận Phú Xuân).

Theo kết quả điều tra ban đầu, năm 1990, Hồ Văn Phương Tâm theo gia đình chuyển vào TPHCM. Tuy nhiên, Tâm không sống chung với gia đình mà thuê trọ ở riêng, thường xuyên thay đổi chỗ ở.
Khoảng giữa tháng 5/2025, Tâm về Huế, xin đến sống tại nhà cô ruột ở đường Nguyễn Phúc Nguyên (phường Hương Long) nhưng không được nên sống lang thang.
Khoảng 11h55 ngày 24/5, Tâm mua vé vào cổng của Đại nội Huế để tham quan.
Sau đó, Tâm đi vào khu vực Điện Thái Hoà, leo qua hàng rào bảo vệ trong điện rồi ngồi lên ngai vua triều Nguyễn. Đồng thời, đối tượng dùng tay bẻ phần tựa tay bên trái của ngai và đập phá làm phần tựa gãy ra thành nhiều mảnh vỡ.
Đến 12h10, lực lượng bảo vệ Đại nội phát hiện, khống chế, bắt giữ đối tượng và trình báo Công an phường Đông Ba lập biên bản, bắt người phạm tội quả tang.

Ngay khi tiếp nhận tin báo, Công an TP Huế đã chỉ đạo Cơ quan CSĐT huy động lực lượng, phối hợp Viện KSND quận Phú Xuân và các lực lượng liên quan tiến hành khám nghiệm hiện trường, ghi lời khai đối tượng, nhân chứng, người liên quan và tiến hành các hoạt động điều tra.
Tuy nhiên, sau khi xảy ra vụ việc, cơ quan chức năng chưa thể ghi lời khai do đối tượng có biểu hiện tâm thần, nói nhảm, không thể trả lời các câu hỏi của điều tra viên.
Đối tượng Tâm sau đó được đưa đi giám định tâm thần và test nhanh ma tuý, cho kết quả âm tính.
Ngai vàng vua triều Nguyễn là biểu trưng cao nhất về quyền lực thời quân chủ. Đây là chiếc ngai cuối cùng trong lịch sử các triều đại ở Việt Nam còn được bảo tồn nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Ngai vua triều Nguyễn được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong điện Thái Hòa, nơi nhà vua thiết đại triều mỗi tháng 2 lần vào ngày mùng 1 và 15 âm lịch, cũng là nơi tổ chức các nghi lễ quan trọng của triều đình, như lễ đăng quang của nhà vua, lễ sinh nhật, lễ tiếp kiến các sứ thần,...
Ngai được làm bằng gỗ, sơn son thếp vàng. Phía trên ngai là bửu tán thếp vàng, chạm trổ hình rồng hết sức sinh động. Bên dưới là bệ ngai vàng với ba tầng bằng gỗ sơn son thếp vàng.
Ngai vàng triều Nguyễn được công nhận là Bảo vật Quốc gia Việt Nam năm 2015, hiện đặt tại điện Thái Hòa phục vụ du khách du lịch đến chiêm ngưỡng, tham quan.
