Việc xếp loại nguy cơ theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 128-CP, đòi hỏi năng lực khám chữa bệnh của các cơ sở y tế phải đủ khả năng để có thể xếp loại nguy cơ dịch cho mỗi địa bàn dân cư. Bên cạnh đó, cũng cần có hướng dẫn cụ thể về chuyên môn để các địa phương cả nước lên kế hoạch triển khai thực hiện tùy đặc điểm và tình hình địa phương.
Bởi vậy, ngay sau khi Nghị quyết 128 của Chính phủ được ban hành thì Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128 (Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021), trong đó đã hướng dẫn các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch và các biện pháp chuyên môn y tế để thực hiện.
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, nếu các ca F0 tăng lên 2, 3 con số thì y tế xã phường phải có 2 năng lực cần thiết. Thứ nhất là năng lực giám sát dịch, để làm sao có thể kiềm chế được số ca tăng lên. Thứ hai là năng lực về điều trị, chăm sóc; nhất là điều trị tại địa phương, điều trị tại nhà những trường hợp không có triệu chứng hoặc những trường hợp có triệu chứng nhẹ.

Muốn làm như thế, cần có mô hình trạm y tế lưu động để thu dung, cách ly những trường hợp không đủ điều kiện cách ly ở nhà. Còn chủ yếu là cách ly, điều trị ở nhà; vì ta đã có vắc xin và thuốc kháng virus. Bên cạnh đó, người bệnh cần được tiếp cận với các điều trị chuẩn: được tư vấn tâm lý giúp người bệnh yên tâm; chú trọng dinh dưỡng đầy đủ; tập luyện; thuốc. Thuốc kháng virus cần được tiếp cận càng sớm càng tốt trong những trường hợp có nguy cơ. Đối với những trường hợp cảm cúm thông thường có thể dùng thuốc giảm sốt, giảm ho, vitamin. Các thuốc phòng khác phải theo chỉ định của bác sĩ. Y tế xã, phường cần đáp ứng các yêu cầu đó.
Như vậy, trạm y tế lưu động (dùng để thu dung các trường hợp có thể phải điều trị tập trung một thời gian) và tổ Covid cộng đồng là 2 điều xã phường cần phải làm.
Hiện nay Bệnh viện Phổi TƯ đang hỗ trợ cho phường Vĩnh Phúc có trạm y tế lưu động và tổ Covid cộng đồng. Đây là hình mẫu để các phường có thể làm theo. Có nhiều phường khác ở Hà Nội đã thực hiện điều này.
Về quy trình hoạt động là mối liên kết tổng thể. Một là liên kết chung với các bệnh viện để thu dung những trường hợp chuyển nặng, kể cả những bệnh viện để hỗ trợ trạm y tế lưu động về mặt kỹ thuật. Thứ hai là kết nối với điều trị Covid-19 tại nhà. Trung tâm của trạm y tế lưu động là thu dung và tập trung những nguồn lực cho các trường hợp vẫn điều trị Covid-19 tại nhà được nhưng không có điều kiện để điều trị tại nhà. Chúng ta cũng không khuyến khích trạm y tế lưu động sẽ thu dung nhiều bệnh nhân, nhưng mà sẽ là một chỗ để trợ giúp nếu như F0 không có điều kiện chữa trị tại nhà (do không có điều kiện về cách ly).
Đây là đơn vị y tế. Để nói về quy trình hoạt động cần nói về làm thế nào để có cơ chế tài chính để hỗ trợ cho các cán bộ làm việc ở đây.
Trạm y tế lưu động và tổ Covid cộng đồng phải là một khối thống nhất. Khối thống nhất đó được kết nối với các bệnh viện thu dung Covid-19 và những bệnh viện trợ giúp, kết nối với mạng lưới bác sĩ đồng hành hoặc mạng lưới trợ giúp của các bác sĩ tư vấn theo từ xa.
“Chúng tôi đang xây dựng mô hình chuẩn ở phường Vĩnh Phúc. Tôi muốn nhấn mạnh, ở mô hình này, bác sĩ, thầy thuốc chỉ là nòng cốt thôi, còn gấp 5 lần số đó là các thành phần trợ giúp. Ví dụ, ở trạm y tế lưu động phường Vĩnh Phúc, 1 người là bác sĩ; còn 4 người khác là: đoàn viên thanh niên, thành viên Hội Phụ nữ, tổ dân phố, cựu chiến binh, thậm chí huy động các trường hợp là F0 đã được điều trị khỏi để tham gia hỗ trợ”, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam chia sẻ.
Hồ Giáp