Có người từng nói: “Cái đặc
biệt nhất của Tết, mà không phải dịp lễ hội nào cũng có, chính là không khí Tết,
len lỏi thấm vào tâm hồn con người mỗi độ xuân về. Lòng người không Tết, thì vật
chất kia chỉ là vô hồn!”
Tết chẳng đến trong lòng con trẻ
Hôm nay, vào giờ nghỉ trưa ở văn phòng, chị Lan đồng nghiệp gửi cho tôi
đường link trên mạng về một bé gái với những câu trả lời ngô nghê về Tết. Cuối
clip còn có một bài thơ với những câu từ xúc động: “Ngày nhỏ cứ mong năm chóng
hết… Để đòi áo Tết mẹ may cho…”
Cả tôi và chị Lan đều thở dài: “Sao mà giống mấy đứa nhà mình ghê cơ! Tết đã vất
vả, rủ chúng đi chúc Tết mặt cứ chù ụ một đống vì không được ở nhà đọc Doremon.”
Cuộc sống thành thị quả thật có quá nhiều gánh nặng phải lo, cơm áo gạo tiền,
các mối quan hệ đối đãi, mỏi mệt chạy theo bỗng chốc 365 ngày vụt qua lúc nào
không hay.
![]() |
|
Nhớ lại trước đây, tôi đã có những năm tháng tuổi thơ chuẩn bị đón Tết cùng gia đình, với những kỷ niệm khó quên, lưu giữ mãi trong ký ức. Mà cái ký ức nguyên sơ trong trẻo ấy, cũng đâu có gì ghê gớm, một nồi bánh chưng nghi ngút khói, những buổi lăng xăng cùng mẹ đi chợ Tết…
Ôi, sao mà nhớ thiết tha, nghĩ đến thôi, đã thấy lòng ấm lại như mùa xuân đã về trước ngõ. Thế mà giờ đây, con tôi lại không được tận hưởng những giây phút hạnh phúc quý báu ấy. Vì mải cuốn theo nhịp sống bận rộn của công việc mưu sinh, tôi vô tình làm mất đi cơ hội đón Tết đúng nghĩa của con trẻ. Tết nào cũng chỉ có thể cho con bánh mứt, kẹo ngọt, cứ nghĩ thế là đủ, mà vô tình quên mất chỉ cho các bé cái cảm giác “Tết đến trong lòng” thật ra là như thế nào cũng vô cùng quan trọng.
Khái niệm mơ hồ về Tết cổ truyền
Trẻ con ngày nay, mười đứa như một, hoàn toàn không hiểu rõ giá trị của ngày Tết cổ truyền ở Việt Nam. Thậm chí có em còn thích Noel hơn Tết vì được quà của ông già Noel chui từ ống khói. Còn Tết, chỉ là một khái niệm mơ hồ trôi qua.
Đọc sâu hơn vào các lời bình luận về clip, mới thấy rất nhiều phụ huynh “đồng cảnh ngộ” với mình. Một chị bày tỏ cảm giác thời gian cứ dần trôi mà nhận thức của các bé về Tết thì dường như vẫn chưa phát triển nhiều.
“Đúng là nhanh thật, vèo cái con đã lớn rồi mà thời gian dành cho con quá ít. Nghĩ mà thương cho bọn trẻ nhỉ, bọn trẻ ở quê thì hào hứng Tết lắm còn bọn trẻ con nhà mình thì chả biết Tết là gì, ăn uống và quần áo đầy đủ quá rồi chẳng thiết tha gì nữa!”
Đồng cảm với chị, một phụ huynh khác bình luận thêm: “Công nhận là mấy ngày nghỉ tết có lẽ là dịp bố mẹ có thời gian ở bên con nhiều nhất đấy. Tranh thủ dịp này phải dạy cho bé thêm nhiều thứ thôi mọi người nhỉ. Ở thành phố giờ ngày nào cũng được ăn ngon mặc đẹp, rồi đi chơi khắp nơi, nên con chả có khái niệm gì về tết cả, chán!”
Gieo những giá trị tâm hồn
Mà trong cái guồng quay ấy, tôi cũng là bà mẹ đã quên mất rằng việc được tham gia chuẩn bị Tết đã từng là niềm hạnh phúc rộn rã trong những năm tháng tuổi thơ của mình như thế nào. Bọn trẻ giờ đây thích những giá trị vật chất hơn tinh thần, khi nhận ra điều này tôi thấy lòng mình chùng xuống. Vì dạy con tri thức không khó bằng gieo vào nó những giá trị trong tâm hồn, ở những cảm nhận, nghĩ suy...
![]() |
|
Tết rộn ràng là những ngày chuẩn bị, tôi chỉ mong sao cho con mình sẽ hiểu hơn giá trị ngày Tết qua những hành động thiết thực là cùng với mọi người trong nhà chuẩn bị dọn dẹp, trang trí nhà cửa, mua sắm đồ Tết… Thiết nghĩ, việc giúp trẻ nâng cao nhận thức về ngày lễ cổ truyền lớn nhất trong năm cũng là hành động cần phải thực hiện ngay mà người lớn chúng ta phải xung phong dẫn đường cho trẻ.
Đường dẫn của video clip mà chị Lan đã gởi tôi: youtube.com/watch?v=AbupfpApSuA&feature=channel_video_title
-
Thanh Khê