(VEF.VN) - Nếu Việt Nam không có ngành công nghiệp ôtô mạnh thì đến 2020 khi thị trường ôtô bùng nổ, chúng ta lại "dâng" cho các DN nước ngoài và hàng năm sẽ phải chi ra khoảng 12 tỷ USD để nhập khẩu xe, đáp ứng nhu cầu trong nước, tạo nên thâm hụt lớn về cán cân thương mại.

Sau khi Diễn đàn kinh tế Việt Nam ( VEF.VN) báo VietNamNet đăng bài viết: "Công nghiệp ôtô sẽ không còn ưu đãi thuế", thông tin về ý kiến góp ý cho Dự thảo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030, các chuyên gia và DN đã có những phản hồi về góp ý này.

Ngành CN ưu tiên hay ngành CN quan trọng?

Đóng góp ý kiến cho Dự thảo, Bộ Tài chính cho rằng cần đặt mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2020 thực tế hơn, tránh hình thức. Theo cơ quan này, chỉ nên xác định ngành CN ôtô là một ngành được ưu tiên phát triển chứ không phải là ngành CN quan trọng như Dự thảo đưa ra. Lý do là sau một thời gian dài bảo hộ cao nhưng ngành CN ôtô phát triển không như mong đợi, các DN không đầu tư nội địa hóa và đang có sự chuyển dịch sang lắp ráp đơn giản, nhập khẩu kinh doanh thương mại.

Theo ông Ngô Văn Trụ, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương), trong Chiến lược phát triển công nghiệp ôtô giai đoạn 2010 tầm nhìn đến 2020 do Chính phủ phê duyệt, công nghiệp ôtô đã được coi là ngành công nghiệp rất quan trọng đối với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và xây dựng tiềm lực an ninh, quốc phòng của đất nước.

Trong Quyết định số55/2007/QĐ-TTg, ngày 23/4/2007phê duyệt danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên, ngành công nghiệp mũi nhọn giai đoạn 2007-2010, tầm nhìn đến 2020, do Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng ký khi đó cũng đã khẳng định rõ vai trò và tầm quan trọng của ngành công nghiệp ôtô.

Một nền công nghiệp ôtô èo uột sẽ là miếng bánh béo bở cho các quốc gia khác (ảnh TC Thuế)
Theo đó, cả nước chỉ có 3 ngành công nghiệp mũi nhọn là cơ khí chế tạo (ôtô, đóng tàu, thiết bị toàn bộ, máy nông nghiệp, cơ điện tử); thiết bị điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin; sản phẩm từ công nghệ mới (năng lượng mới, năng lượng tái tạo, công nghiệp phần mềm, nội dung số). Sau đó là 7 ngành công nghiệp ưu tiên gồm dệt may, da giày, nhựa, chế biến nông lâm thủy sản, khai thác chế biến bauxit nhôm, thép, hóa chất. Các ngành công nghiệp mũi nhọn được hưởng những ưu đãi cao hơn ngành công nghiệp ưu tiên.

Vì sao lại coi công nghiệp ôtô là quan trọng? Theo các chuyên gia, công nghiệp ôtô vốn được coi là xương sống của ngành công nghiệp. Bởi công nghiệp ôtô hàm chứa rất nhiều những công nghệ cơ bản như chế tạo máy, luyện kim, đúc, khuôn mẫu, vật liệu và điện tử... Những công nghệ này hoàn toàn có thể áp dụng sang các lĩnh vực sản xuất khác và công nghiệp ôtô phát triển sẽ thúc đẩy những ngành công nghiệp như điện tử, luyện kim, hoá chất, nhựa... cùng phát triển theo.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp ôtô phát triển sẽ tạo ra hàng triệu việc làm với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp. Theo tính toán với quy mô thị trường khoảng 500.000 xe/năm thì công nghiệp ôtô sẽ tạo ra khoảng hơn 1 triệu việc làm với sự tham gia của hàng nghìn doanh nghiệp.

Công nghiệp ôtô là nguồn động lực cho phát triển các ngành công nghiệp khác. Một chiếc xe du lịch hiện đại có từ 20.000-30.000 chi tiết, và tính trên toàn thế giới thì ngành công nghiệp ôtô tiêu thụ 77% cao su thiên nhiên, 50% cao su tổng hợp, 67% chì, 40% máy công cụ, 25% thuỷ tinh, 64% gang rèn, 205 vật liệu bán dẫn. Các linh kiện điện tử đã chiếm tới hơn 30% trong giá trị chiếc xe, cao hơn cả giá trị của thép trong ô tô. Thực tế cho thấy sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô sẽ thúc đẩy và lôi kéo sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp khác.

Tại những quốc gia có ngành công nghiệp ôtô phát triển như CHLB Đức, giá trị công nghiệp ôtô mang lại chiếm 30% tổng giá trị toàn ngành công nghiệp và là ngành công nghiệp quan trọng số 1 của nước này. Tại Nhật Bản, Mỹ ngành công nghiệp ôtô cũng ngành quan trọng bởi những thế mạnh lâu dài của nó và đem lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội, đồng thời có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển các ngành công nghiệp khác.

Nếu chỉ coi là ngành công nghiệp ưu tiên phát triển, cũng giống như dệt may, da giày... theo ông Trụ, như vậy đã đánh giá sai vai trò và tầm quan trọng mà công nghiệp ôtô mang lại cho nền kinh tế. Từ đó, dẫn đến có những chính sách không phù hợp dành cho ngành công nghiệp này.

DN ôtô chỉ muốn lắp ráp giản đơn?

Việc Bộ Tài chính cho rằng suốt một thời gian dài các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô đã được hưởng nhiều chính sách ưu đãi thuế, ông Trụ cho rằng cũng không hoàn toàn đúng. Bắt đầu từ 1991, Việt Nam có 2 liên doanh lắp ráp ôtô là Liên doanh ôtô Việt Nam (VMC) và Mekong;  khi đó thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô là 5%, thuế nhập khẩu bộ linh kiện từ 15%-20%. Đến năm 2003,  thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô tăng lên 24%, năm 2004 lên 40%, năm 2005 lên 60% và năm 2008 là 83%, thuế nhập khẩu bộ linh kiện cũng được nâng lên 25%.

Như vậy, ưu đãi về thuế cho các DN ôtô chỉ khoảng hơn 10 năm là chưa đủ. Để phát triển ngành CN ôtô, Nhật Bản mất 50 năm và nhanh như Hàn Quốc cũng hơn 30 năm với các ưu đãi cực lớn mới được như ngày hôm nay. Chúng ta mới ưu đãi về thuế hơn 10 năm, trong khi thời điểm đó thu nhập GDP bình quân/người Việt Nam còn thấp, chỉ từ 500 USD/người/năm (năm1991) đến 800 USD/người/năm (2005). Theo tính toán thị trường ô tô bùng nổ khi thu nhập GDP bình quân 3.000 USD/người/năm trở lên.

Thời điểm đó thị trường ôtô Việt Nam có quy mô nhỏ, khoảng 10.000 xe (năm 1991) và 70.000 xe (năm 2005), như vậy không thể nói DN không tận dụng thời cơ được ưu đãi về thuế để phát triển công nghiệp ôtô, tăng nội địa hoá.

Quy mô thị trường quyết định đầu tư của DN. Thị trường quá nhỏ, trong khi các chính sách về phát triển CN hỗ trợ chưa có gì khó có thể khuyến khích ngành CN ôtô đẩy mạnh nội địa hoá sản phẩm.

Nói về vấn đề các DN không đẩy mạnh nội địa hóa ôtô và đang có sự chuyển dịch sang lắp ráp đơn giản, nhập khẩu kinh doanh thương mại, ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Công ty CP Ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki) cho rằng, đánh giá của Bộ Tài chính khác với quan điểm của các DN.

"Chúng tôi rất muốn nâng cao tỷ lệ nội địa hoá với ôtô. Rất muốn mua linh kiện trong nước, bởi như vậy sẽ không phải dùng đến ngoại tệ, khoảng cách vận chuyển gần, có nhiều lợi thế hơn nhập khẩu. Nhưng muốn mua mà không thể mua được. Lốp xe mua trong nước, nhà cung cấp không đáp ứng kịp dù đã có cam kết và số lượng cũng không lớn. Tìm mua đệm ghế xe thì các DN nhà xưởng nhỏ muốn đáp ứng phải mở rộng, tăng công suất nhưng giá thuê mặt bằng cao không có hỗ trợ, vốn ít không DN nào muốn đầu tư. Đấy là những linh kiện giản đơn chưa nói đến nhưng chi tiết phức tạp như giảm sóc, phanh, hộp số ... không có DN nào ở Việt Nam đáp ứng được", ông Huyên nói.

Muốn tăng tỷ lệ nội địa hoá thì phải sản xuất linh kiện. DN lắp ráp ôtô không thể một mình làm ra chiếc xe hoàn chỉnh, phải có nhiều DN tham gia. Các DN này phải có công nghệ, phải có đội ngũ công nhân có tay nghề cao. Nhìn vào DN Việt Nam không thấy. Muốn có công nghệ cần được chuyển giao, muốn công nhân có tay nghề phải đào tạo Các DN vừa và nhỏ Việt Nam vốn ít, lại không có chính sách hỗ trợ ưu đãi của Nhà nước thì không thể làm được.

Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng Chính phủ ban hành các chính sách hạn chế tiêu dùng ôtô như thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ cao, khiến cho quy mô thị trường chậm mở rộng, trong khi chính sách để phát triển CN hỗ trợ mới được ban hành tháng 2/2011 thì thời gian qua khó đòi hỏi ngành ôtô tăng tỷ lệ nội địa hoá.

Không có cơ chế đặc thù nên chấp nhận thất bại

Nói về đề xuất ưu đãi về thuế trong quy hoạch như giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế Giá trị gia tăng (VAT), lệ phí trước bạ; nhà sản xuất được miễn thuế thu nhập DN 4 năm, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo; miễn thuế nhập khẩu máy móc vật tư, tạo tài sản cố định; hưởng thuế nhập khẩu 0% đối với linh kiện, phụ tùng, nguyên vật liệu trong nước chưa sản xuất được đến năm 2018... ông Phạm Văn Liêm, Phó viện trưởng Viện chiến lược, chính sách Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, đề xuất ưu đãi về thuế trong quy hoạch là chỉ dành cho những DN làm dòng xe chiến lược. Những DN này bỏ ra hàng tỷ USD đầu tư sản xuất xe và linh kiện cũng cần có những cơ chế đặc thù.

Chúng ta đã từng ưu đãi cho các dự án của Intel hay SamSung rất lớn về thuế cũng như hạ tầng thì dự án đầu tư vào CN ôtô cũng cần có ưu đãi như vậy. Nếu không có ưu đãi đủ mạnh sẽ rất khó thu hút đầu tư, trong khi thời gian không còn nhiều. Nếu không, nên chấp nhận thất bại ngay từ bây giờ và chấp nhận Việt Nam sẽ không thể có ngành CN ôtô mạnh.

Với quan điểm của Bộ Tài chính nêu trên, ông Trụ khẳng định Việt Nam không bao giờ có được ngành CN ôtô.

Không có ngành CN ô tô sẽ như thế nào? Ông Trụ nhìn nhận, thời điểm 2020, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn ôtô hoá nền kinh tế, nhu cầu ôtô trong nước sẽ tăng mạnh. Khi đó, quy hoạch đồng bộ về hạ tầng giao thông cả nước cơ bản hoàn thành, hệ thống đường cao tốc sẽ kết nối các trung tâm kinh tế lớn; các thành phố lớn đều được xây dựng đồng bộ cơ bản hiện đại. Thời điểm đó, thu nhập bình quân của người dân nhiều thành phố sẽ đạt mức từ 3.000-5.000 USD/năm, với mức thu nhập này nhu cầu ôtô sẽ tăng mạnh và thị trường ôtô sẽ bùng nổ.

Ước tính vào năm 2020, nhu cầu về ôtô các loại cả nước sẽ từ 400.000-600.000 xe/năm và đến 2030 sẽ từ 1-1,8 triệu xe/năm, trong đó chiếm trên 60% là xe con; xe tải, xe khách, xe chuyên dụng... chỉ chiếm khoảng 36%. Đây thực sự là thị trường có tiềm năng. Nếu Việt Nam không có ngành công nghiệp ôtô mạnh thì đến 2020 khi thị trường ôtô bùng nổ, chúng ta lại "dâng" cho các DN nước ngoài và hàng năm sẽ phải chi ra khoảng 12 tỷ USD để nhập khẩu xe, đáp ứng nhu cầu trong nước, tạo nên thâm hụt lớn về cán cân thương mại.

Trần Thủy