Liên quan đến việc thu phí sử dụng đường bộ, mới đây Hiệp hội Vận tải Thành phố Hà Nội đã có văn bản gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đề nghị các cơ quan xem xét một số vấn đề liên quan đến việc thu, quản lý, sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ.
Theo Hiệp Hội Vận tải TP. Hà Nội, Chính phủ không thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện và để đảm bảo công bằng nên thu phí qua xăng dầu hoặc các trạm thu phí như thông lệ Quốc tế bởi vướng mắc hiện nay là các ngành nghề không sử dụng đường bộ.
![]() |
Nếu thu qua xăng dầu thì có thể công bằng với phương tiện giao thông, còn người đánh cá, nông nghiệp sử dụng xăng dầu lại có bất cập |
Ông Bùi Danh Liên cho biết: “Việc thu phí trên đầu phương tiện cũng làm phát sinh sự thiếu công bằng với xe sử dụng đường bộ nhiều và xe sử dụng đường bộ ít”.
Ông Liên dẫn chứng, xe ôtô được sử dụng trong trường lái, xe ôtô bị tai nạn mất thời gian sửa chữa hoặc tạm giữ 3, 4 tháng cũng phải gánh chịu phí sử dụng đường bộ tương tự như những xe chạy nhiều.
“Các phương tiện không sử dụng đường bộ thì phải hoàn lại để không chịu sự thiệt thòi. Điều này, Bộ Tài chính phải có trách nhiệm xem xét làm thế nào tạo sự công bằng giữa các phương tiện”, ông Liên kiến nghị.
Về vấn đề này, trước đó trả lời báo giới, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng: Đúng là khi một xe vận tải lăn bánh đều một tháng trên 2.000km thì mức phí có khi sẽ thấp hơn với xe chỉ chạy vài trăm km/tháng. Nhưng mức phí thu qua đầu phương tiện được tính toán trên cơ sở trung bình.
“Nếu thu qua xăng dầu thì có thể công bằng với phương tiện giao thông, còn người đánh cá, nông nghiệp sử dụng xăng dầu lại có bất cập. Tôi cho rằng có cái mình chưa thể giải quyết hết được. Các nước hiện đại như Nhật Bản cũng thu theo đầu phương tiện và trọng lượng xe”, ông Đông cho biết.
Nên nộp quỹ vào Ngân sách Nhà nước để thống nhất quản lý
Cũng trong văn bản đề nghị các cơ quan xem xét các vấn đề liên quan đến việc thu, quản lý, sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ, Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng đưa ra 5 kiến nghị trong đó Quỹ Bảo trì đường bộ nên nộp vào ngân sách, Nhà nước thống nhất quản lý và phân bổ theo Luật Ngân sách.
Giải thích phí sử dụng nên nộp vào Ngân sách Nhà nước để thống nhất quản lý tài chính, ông Liên cho biết: Nhà nước quản lý ngân sách, tài chính, mọi nguồn thu đều do Nhà nước quản lý vì thế không nên cho các ngành thu riêng để tránh đặc quyền của các đơn vị đồng thời tránh quỹ phân tán.
“Quản lý và sử dụng phí sử dụng phương tiện phải thật chặt chẽ để đồng tiền của dân được quay trở lại phục vụ dân. Nhà nước cần có biện pháp đề phòng tham ô, lãng phí” - ông Liên khẳng định.
Bên cạnh đó, theo đề xuất của Hiệp hội Vận tải Hà Nội, không nên thành lập các Hội đồng quản lý quỹ từ Trung ương đến địa phương.
Lý giải cho vấn đề trên, Hiệp hội này cho rằng, các đơn vị, tổ chức quản lý nếu thành lập sẽ tăng thêm khoảng 400 định viên có tư cách pháp nhân, có tài khoản riêng. Các bộ máy này sẽ kéo theo các chi phí văn phòng, hành chính, phương tiện đi lại, tiền lương, tiền thù lao làm tiêu hao đồng tiền của nhân dân đóng góp và không minh bạch.
Để khắc phục thực tế này, Hiệp hội Vận tải Hà Nội kiến nghị, Bộ Tài chính nên làm cơ quan chủ quản thu, phương án thu, quản lý và hạch toán riêng, cân đối và phân bổ lại cho Bộ GTVT và các địa phương.
Ngoài ra, Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng kiến nghị, cơ quan Nhà nước không nên để Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện.
Bởi vì, theo thống kê, cả nước hiện có hơn 100 trạm kiểm định (bao gồm cả các trạm xã hội hóa). Vì thế, thống nhất quản lý tài chính của quỹ là việc làm hết sức khó khăn.
Trước đó, sau khi Bộ Tài chính đề xuất Dự thảo thông tư về phí sử dụng đường bộ đang được lấy ý kiến góp ý về mức thu với ôtô, xe máy, xe đạp điện bắt đầu từ ngày 1/1/2013, đại diện các Hiệp hội Vận tải cho rằng, các Bộ, ngành nên cân nhắc, xem xét hoãn thu phí bởi mức thu hàng năm là khá lớn, nếu phải nộp qua các kỳ đăng kiểm mỗi năm sẽ gây khó khăn cho chủ xe, nhất là đối với những doanh nghiệp vận tải.
Gia Văn