Tại Mỹ có khoảng 200 trung tâm, cơ sở dạy tiếng Việt đã được mở. Tại Thái Lan, 39 lớp học tiếng Việt được tổ chức. Campuchia với 33 điểm trường, lớp; Lào với 13 trường, trung tâm dạy tiếng Việt...
Daniel Nguyễn Hoài Tiến sinh ra và lớn lên tại quận Cam, California (Mỹ) trong một gia đình gốc Việt nhưng hồi nhỏ anh không biết tiếng Việt. Bước ngoặt đến với Daniel khi anh tham gia khóa học tiếng Việt tại Đại học California, San Diego.
Học tiếng Việt để tìm hiểu gốc gác, Tổ quốc ruột thịt của mình, từ đó, anh mở rộng các dự án kinh doanh, cộng đồng gắn với bà con dân tộc thiểu số và đã tạo được thành công.

Huỳnh Samuel An, một người gốc Việt sinh ra tại Thụy Sĩ, lại chọn trở về Việt Nam để theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật. Samuel chia sẻ, tiếng Việt luôn là phần quan trọng trong cuộc sống của anh.
Theo Huỳnh Samuel An, tuy sinh ra và lớn lên ở Thụy Sĩ nhưng ba mẹ là người gốc Việt nên anh nói tiếng Việt 100% trong mái ấm của mình. Anh hăng say trải nghiệm và tìm hiểu về Việt Nam, cội nguồn của mình, nơi bố mẹ mình đã lớn lên. Khi hiểu ba mẹ, anh cũng hiểu về bản thân mình hơn.
Sinh sống ở Thủ đô Brussels (Bỉ), chị Đào Hồng Hải hiện đang kinh doanh nhà hàng. Năm 2024, “Tủ sách Việt” do dự án "Tủ sách Việt trong nhà hàng Việt" thuộc kênh Việt Happiness Station phối hợp với Tổng hội Người Việt Nam tại Bỉ thực hiện được mở trong chính nhà hàng của chị.
Tủ sách có đủ các thể loại sách tiếng Việt, trong đó có bộ sách “Chào tiếng Việt” do tác giả Nguyễn Thụy Anh và Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam thực hiện. Nhiều người nước ngoài đến nhà hàng trong thời gian chờ đợi có thể đọc sách, xem tranh… Đó là cách tuyên truyền, giới thiệu tiếng Việt, văn hóa Việt đến người dân nước sở tại.
Tại Liên bang Nga, việc truyền bá giảng dạy ngôn ngữ tiếng Việt đã được tiến hành rộng khắp trên tất cả các thành phố nơi có người Việt Nam sinh sống.
Với mục tiêu nâng cao ý thức cộng đồng người Việt đối với việc gìn giữ, tôn vinh vẻ đẹp và giá trị tiếng Việt và lan tỏa tiếng Việt đến với người nước ngoài, Hội Người Việt Nam tại Liên bang Nga đã có nhiều cách làm thiết thực. Đó là tạo sân chơi liên quan đến tiếng Việt và văn hoá Việt cho trẻ em gốc Việt ở Liên bang Nga và trẻ em Nga; hỗ trợ các trường đại học có khoa, bộ môn nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt phát triển; hỗ trợ thành lập các trung tâm văn hóa và dạy tiếng Việt trong các trường đại học, viện nghiên cứu, trường phổ thông của Nga.
Bạn Diệu Linh mang 2 dòng máu Việt – Nga chia sẻ: “Em luôn tự hào vì dòng máu Việt Nam của mình. Bố em là người Nga nhưng ông rất yêu Việt Nam và hay kể cho em nghe về văn hóa Việt, động viên em học tiếng Việt thật thông thạo. Mẹ em là người dạy em viết chữ, đọc sách tiếng Việt. Khi về Việt Nam, nghe tiếng Việt thân thương, em rất xúc động, có cảm giác gần gũi và thân quen”.
Thái Lan cũng là đất nước có đông kiều bào ta sinh sống. Quan hệ Việt Nam - Thái Lan đang phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược tăng cường. Việc học tiếng Việt tại Thái Lan góp phần quan trọng thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Cuối năm 2024, dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, Trường Đại học Srinakharinwirot đã tổ chức “Cuộc thi nói tiếng Việt bậc đại học tại Thái Lan” nhằm cổ vũ và lan tỏa tiếng Việt trên đất nước Chùa Vàng.
Với vốn tiếng Việt khá phong phú và khả năng biểu đạt truyền cảm, 15 thí sinh lọt vào vòng chung kết cuộc thi đã hóa thân thành những hướng dẫn viên du lịch tiếng Việt thực thụ, đưa khán giả tới những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, chùa chiền, bảo tàng, công viên, các khu chợ sôi động ở khắp các vùng miền trên đất nước Thái Lan.
Bà Thái Hồng Anh, kiều bào Thái Lan chia sẻ: “Việc dạy và học tiếng Việt ở Thái Lan được cộng đồng người Việt duy trì từ rất lâu. Ở đâu có người Việt là ở đó có lớp dạy tiếng Việt. Hiện nay, với mối quan hệ ngoại giao ngày càng tốt đẹp giữa hai nước, tiếng Việt càng nâng cao được vị thế. Chúng tôi rất tự hào vì điều đó”.