- Kế hoạch thành lập công ty mua bán nợ quốc gia nhằm xử lý hơn 100.000 tỷ nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Tuy nhiên, điều này không phải là mới trên thế giới, đặc biệt là tại châu Á.

Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á những năm 1997-1998 có thể nói là thời điểm đánh dấu sự bùng nổ của các loại hình công ty xử lý khoản vay không hiệu quả và mua bán nợ quốc gia. Đó là những IBRA của Indonesia, RCC của Nhật Bản, KAMCO của Hàn Quốc hay TAMC của Thái Lan. Trung Quốc, một quốc gia có mô hình kinh tế tương đối gần với chúng ta cũng đã có những mô hình riêng của mình nhằm giải quyết các khoản nợ khổng lồ.

Cơ chế quản lý của các AMC tại Trung Quốc

Sau 10 năm phát triển liên tục với tăng trưởng GDP thực tế vào khoảng 8%/năm, dòng chảy thương mại tăng 12%/năm, Trung Quốc đã thực sự trở thành một con rồng châu Á. Tuy nhiên, hệ thống tài chính của nước này chưa phát triển tương xứng với nhiều yếu kém tồn tại nhiều năm trời trong ngành ngân hàng, với tổng giá trị cho vay nợ chiếm 150% GDP, trong đó có tới 40% là các khoản vay không hiệu quả.

Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ trong khu vực đã đe dọa nghiêm trọng hệ thống ngân hàng nước này. Nhiệm vụ cấp bách đặt ra là phải tái cấu trúc hệ thống ngân hàng với trọng tâm của đợt cải cách và cũng là biện pháp chống đỡ với khủng hoảng là phải giải quyết các khoản vay không hiệu quả, mua lại các khoản nợ xấu. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã giúp nước này hạ quyết tâm làm sạch những khoản nợ khó đòi này khỏi hệ thống ngân hàng.

Hệ thống ngân hàng Trung Quốc do 4 ngân hàng thương mại nhà nước gồm Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng xây dựng và Ngân hàng Công nghiệp và Thương mại thống lĩnh, chiếm khoảng 70% tổng giá trị tài sản của hệ thống. Cả 4 ngân hàng này đều nằm dưới sự kiểm soát của Quốc vụ viện và theo quyết định của Bắc Kinh 4 ngân hàng này đã thành lập ra 4 công ty quản lý tài sản (AMC) tương ứng gồm: Orient, Great Wall, Cinda và Huarong. Các AMC này có nhiệm vụ phải xử lý 1.4 nghìn tỷ NDT (170 tỷ USD) tài sản xấu của 4 ngân hàng trên, chiếm khoảng 20% giá trị các khoản vay của 4 đại gia hay 18% GDP của Trung Quốc vào năm 1998. 

Trung Quốc, một quốc gia có mô hình kinh tế tương đối gần với chúng ta cũng đã có những mô hình riêng của mình nhằm giải quyết các khoản nợ khổng lồ.

Nhiệm vụ hàng đầu của 4 AMC kể trên là quản lý và kinh doanh các khoản nợ xấu hòng tối đa hóa giá trị tài sản mua lại. Bằng cách chuyển đổi nợ sang cổ phiếu, các AMC này tham gia tích cực vào quá trình tái cấu trúc khoảng 500 doanh nghiệp nhà nước với các khoản nợ lớn khó có khả năng thanh toán. Trung Quốc hy vọng trong vòng 3 năm các doanh nghiệp này sẽ khôi phục sản xuất và có lời.

Các AMC của Trung Quốc là một dạng sản phẩm trung gian của các tập đoàn nhà nước và các công cụ tái cấu trúc trong trung hạn. Bắc Kinh xem bốn AMC đó như là giải pháp hàng đầu cho việc tái cơ cấu và nâng cao sức mạnh của hệ thống ngân hàng.

Về mặt lý thuyết các AMC do Bộ Tài chính quản lý và bộ này cung cấp cho 4 công ty khoản tiền 40 tỷ NDT phục vụ cho hoạt động của chúng, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBoC, Ủy ban chứng khoán Trung Quốc cùng tham gia giám sát quá trình hoạt động của các công ty đặc thù này (đến tháng 4.2003, Ủy ban điều phối ngân hàng Trung Quốc được thành lập để giám sát trực tiếp các AMC). Ngoài trái phiếu chính phủ, Bắc Kinh còn hỗ trợ tài chính cho các AMC thông qua: các khoản vay đặc biệt từ PBoC (khoảng 560 tỷ NDT), tiền từ các thể chế tài chính khác và phát hành trái phiếu của AMC (840 tỷ NDT). Một điểm đáng chú ý là các trái phiếu của AMC không được Bộ Tài chính đứng ra bảo đảm. Các AMC được nhận khá nhiều chính sách ưu đãi từ chính phủ, chẳng hạn họ không phải chịu thuế GTGT, thuế doanh nghiệp, bất động sản, lệ phí chứng từ…

Qua cơ cấu tổ chức của AMC có thể rút ra một số điểm đáng chú ý. Một là, PboC can thiệp khá sâu vào quá trình cung cấp nguồn tài chính cho các AMC, với tổng số lần cung cấp vốn cơ bản là 10 đợt. Trái phiếu do AMC phát hành mặc dù không được chính phủ bảo đảm nhưng lại nhận được sự trợ giúp ngầm của Bắc Kinh. Hai là, vai trò của PboC và MoF không rõ ràng trong việc bảo đảm cho các thất thoát của AMC trong quá trình giải quyết nợ xấu, phải chăng là sự mập mờ có chủ đích của Bắc Kinh (?) nhưng Ngân hàng trung ương Trung Quốc có trách nhiệm luôn sẵn sàng cung cấp tài chính bổ sung cho AMC. Ba là, do không nhận được sự bảo đảm từ chính phủ, trái phiếu AMC không gây rủi ro đối với nguồn vốn cổ phần của 4 ngân hàng lớn.

Những thành công bước đầu

Ban đầu, các AMC cũng gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giải quyết nợ. Đầu tiên đó là hoạt động thiếu hiệu quả của hệ thống luật pháp Trung Quốc, việc chậm chễ thông qua một bộ luật phá sản mới và hiệu quả hơn đã gây ra một số khó khăn về pháp lý cho các AMC. Khó khăn tiếp theo đến từ các yếu tố xã hội, nhà đầu tư mua lại doanh nghiệp nhà nước vì mục đích lợi nhuận có thể từ bỏ các hoạt động cốt lõi trước đó của doanh nghiệp hoặc đẩy doanh nghiệp đến tình trạng phá sản. Điều này khiến Bắc Kinh lo ngại bởi nó có thể gây ra sự hoảng loạn trong xã hội, nhất là khi tỷ lệ thất nghiệp tăng quá nhanh trong thời gian ngắn.

Về mặt kỹ thuật, trong một số trường hợp, các ngân hàng không cung cấp đủ sổ sách và ghi chép về từng hồ sơ vay, gây khó khăn cho các AMC tập hợp, thu hồi khoản vay. Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc là một ví dụ, các khoản vay của ngân hàng này đa số cung cấp cho những hộ nông dân trong khắp cả nước. Hậu quả là Great Wall, công ty AMC phụ trách xử lý nợ xấu của Ngân hàng Nông nghiệp, phải giải quyết khoản nợ trị giá 345 tỷ NDT của rải rác gần… 2 triệu con nợ.

Sau 4 năm đi vào hoạt động, đến tháng 12.2002, mới chỉ có khoảng 300 tỷ NDT trên tổng giá trị 1.4 nghìn tỷ NDT nợ xấu được giải quyết. Một trong những nguyên nhân chủ yếu giải thích cho thành tích khiêm tốn này là sự chậm chễ trong việc chuyển đổi từ nợ sang cổ phiếu trong 2 năm đầu tiên. Tuy vậy, xét về hiệu quả hoạt động của các AMC, với 100 tỷ NTD, chiếm 33% giá trị sổ sách của các khoản nợ xấu, được giải quyết là một con số tương đối đáng khích lệ với Trung Quốc.

Tỷ lệ khôi phục nợ thành tiền mặt là 22%, tức khoảng 68 tỷ NDT, 33 tỷ còn lại nằm trong giá trị các loại tài sản hữu hình. Phương pháp chính mà các AMC giải quyết nợ là tập hợp chúng lại, sau đó lên danh mục đầu tư, bán đấu giá, chuyển đổi thành cổ phiếu hoặc đưa chúng ra khỏi Trung Quốc bằng cách liên kết, liên doanh với nước ngoài (Ngân hàng Đức là một đối tác) hay với các công ty chứng khoán trong nước.

Một phương pháp giải quyết nợ mà các AMC áp dụng khá thành công là đấu giá nợ trên thị trường quốc tế. Công ty Huarong đã thực hiện thành công các thương vụ như vậy nhờ sức hút tiềm năng của thị trường Trung Quốc đối với giới đầu tư quốc tế. Morgan Stanley, Goldman Sachs hay Công ty tài chính quốc tế IFC (một bộ phận của Nhóm ngân hàng thế giới) là những đối tác nước ngoài đáng chú ý đã bỏ ra từ 10-30 triệu USD để mua lại các khoản nợ của Huarong tại các phiên đấu giá.

A Vũ (Theo Tạp chí Kinh tế châu Á)