- "Ăn cỗ cưới mà chẳng khác gì cơm giá cao. Bình thường cả tháng tiền ăn của sinh viên chỉ có mấy trăm, mà một lần như thế này hết gần tháng tiền ăn rồi. Đúng là được một bữa no sau đó lại trường kì mì tôm với nước lọc. Cho nên, đi ăn cưới mà chẳng vui sướng gì, trong đầu hàng trăm câu hỏi đặt ra không biết vay tiền ai để đợi đầu tháng sau bố mẹ gửi tiền cho đây?"

“Nhà nhà cưới, người người cưới”

Thời gian này được xem là mùa đẹp nhất trong năm, mùa nên duyên của những đôi lứa yêu nhau. Mọi người vẫn hay đùa là do “thiên thời địa lợi nhân hòa” nên nhà nhà, người người có con đến tuổi “cập kê” đều đua nhau cưới hỏi.


Cứ ra đến đường là gặp đám cưới. Nhiều khi trên một đoạn đường vừa nhỏ, vừa ngắn mà có đến 4 cái rạp đám cưới làm gần nhau khiến cho người đi đường cũng khốn khổ để lách qua.

Với lối suy nghĩ nặng về hình thức của nhiều người cho rằng: đám cưới càng to, có nhiều khách mời thì mới được xem là "đám cưới thành công" đã khiến cho không ít những vị khách phải “lao đao” khốn khổ vì tiền mừng. 

Minh Cường (CĐ Công nghiệp) nói: “Sắp tới bạn mình ở quê tổ chức đám cưới, nó mời tất cả bạn bè về coi như họp lớp luôn vì từ ngày rời ghế cấp III đến giờ cả lớp chưa có cơ hội ngồi cùng nhau”.

Thời gian này được xem là mùa đẹp nhất trong năm, mùa nên duyên của những đôi lứa yêu nha - Ảnh minh họa: nguồn Internet
Còn một số người lại nghĩ: đám cưới là kiểu "trả nợ" lẫn nhau, nếu bây giờ mình không mời bạn bè thì sau bạn bè cưới kiểu gì mình cũng không thoát được. Vì vậy, trong những trường hợp như thế này, chủ nhân bao giờ cũng cố gắng hết sức... nhớ ra số bạn bè để sau này không “trách” được ai, dù biết rõ người được nhận thiệp mời đang ở vị trí “chông chênh” thế nào.

Hay như cái kiểu đám cưới là để "thử lòng" bạn bè của T.Hải (Ninh Bình) là một ví dụ điển hình: “Mình chơi với nhiều người lắm, chúng nó bây giờ toàn học trường này, trường kia cả chỉ có mình là đường học hành ngắn, đứa nào cũng bảo thương, an ủi suốt nhưng biết ai là thật, ai là giả để mà đối xử lại. Nên sắp tới mình sẽ phát thiệp cưới rộng rãi nếu ai tốt với mình thì dù ở xa đến mấy cũng về, còn nếu không biết ngay”.

Như vậy, ngoài những lí do rất đời thường thì chủ nhân của ngày đại sự còn hàng trăm nghìn lí do khác để mời bạn bè về góp vui. Cho nên, đã đến mùa cưới thì không ai có thể tránh được việc “chạy xô” đi ăn đám, vì “nhà nhà cưới, người người cưới”.

Sinh viên lao đao vì tiền mừng

Quả thực, đám cưới là sự kết tinh của hạnh phúc, của tình yêu, cả đời người cũng chỉ có một lần duy nhất nên người trong cuộc bao giờ cũng hồ hởi, khuôn mặt rạng ngời niềm vui. Nhưng niềm vui, hạnh phúc ấy cũng không làm dịu đi “nỗi buồn” của tất cả những ai trong một ngày được nhận một vài lá thiệp hồng.


Nhất là đối với sinh viên – những người còn ăn bám bố mẹ, bình thường tiền chi tiêu lúc nào cũng đã phải cân nhắc, giờ lại thêm tiền mừng đám cưới thì thật sự là... "quá sức chịu đựng". Cho nên, xung quanh vấn đề tiền mừng cưới của sinh viên cũng có rất nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười.

Trong mùa cưới, tình trạng các bạn sinh viên “đã nghèo nay còn túng”, phải chịu đựng lâu dài cảnh “lao đao” sau khi bỏ phong bì mừng ngày vui của bạn bè - Ảnh minh họa: nguồn Internet
Trọng Hiếu (sv năm cuối ĐH Giao thông vận tải) tỏ ra kinh nghiệm đầy mình khi nói đến vấn đề tiền mừng đám cưới cho bạn: “Mình thi đại học đến năm thứ 3 mới đậu nên được liệt vào diện lão làng của lớp, ở quê mấy đứa bạn bằng tuổi chúng nó không học lên mà đi làm luôn giờ đã chuẩn bị lập gia đình hết rồi. Bình thường đứa nào cũng bận rộn với một cuộc sống riêng ít khi liên lạc, nay thấy alô là phải chuẩn bị tinh thần trước, kiểu gì cũng được mời về ăn bánh kẹo. Không hiểu bạn bè ở đâu ra mà lắm thế? Có những đứa nói tên còn nhớ mang máng, chứ mặt mũi thì quên từ đời nảo đời nào rồi thế mà chúng vẫn... không tha cho. Giờ cứ nghe thấy đứa này cưới, đứa kia chuẩn bị là mình sợ đến mức muốn... nhập viện luôn”.

Tất cả mọi người khi nhận được thông báo, thiếp mời đám cưới của bạn bè đều tự an ủi bằng điệp khúc: có nhớ đến mình thì chúng nó mới mời, giờ mình đi đám cưới bạn sau nó đi lại mình như thế là... hòa. Nhưng kì thực không ai có thể yên lòng nếu tiền ăn hàng tháng cứ bị cắt xén dần vào những khoản "không đầu không cuối" thế này.

Diệu Thảo (Hà Giang) nói: “Tuần trước mình vừa về quê đám cưới con bạn thân, từ ngày còn đi học hai đã hứa với nhau dù sau này đứa nào cưới đứa kia cũng phải có mặt. Nên mình đã phải vượt 245km để về góp vui cho sự kiện cả đời chỉ có một lần của nó. Tiền mừng bạn thì ít mà tiền đi lại gấp 2, 3 lần, trung bình mỗi lần cả đi lẫn về hết gần 400 nghìn.


Ăn cỗ cưới mà chẳng khác gì cơm giá cao. Bình thường cả tháng tiền ăn của sinh viên chỉ có mấy trăm, mà một lần như thế này hết gần tháng tiền ăn rồi. Đúng là được một bữa no sau đó lại trường kì mì tôm với nước lọc. Cho nên, đi ăn cưới mà chẳng vui sướng gì, trong đầu hàng trăm câu hỏi đặt ra không biết vay tiền ai để đợi đầu tháng sau bố mẹ gửi tiền cho đây? Cầu trời từ giờ đến lúc hết tháng đừng nhận được thiệp mời của ai nữa!”.

Không khác với hai trường hợp trên, Mạnh Hùng (sv năm thư 4, ĐH Xây dựng) cũng không ít lần rơi vào tình trạng "dở sống dở chết" chỉ vì về quê đám cưới bạn: “Mình cứ như người nổi tiếng ấy, trong một ngày mà phải di chuyển đến 4, 5 nơi để ăn cưới liền, khổ nhất là các đám đều tổ chức ở những địa điểm xa nhau, chỉ việc căn thời gian đến cho đúng giờ đã là cả một "nghệ thuật" rồi.


Vừa ngồi xuống bàn chưa kịp ăn miếng gì lại phải lo đến đám tiếp theo không chúng nó lại bảo mình quý đứa này, khinh đứa kia. Nhiều đám không đến được cũng phải gửi tiền mừng chứ có thoát được đâu. Tính ra tiền một tháng bố mẹ chu cấp cho không đủ để đi đám cưới bạn. Nhưng xin thêm thì không nỡ vì thương bố mẹ, nên giải pháp cuối cùng mình hay áp dụng nhất là vay tạm tiền bạn, sau đó đi làm thêm trả dần”.

Riêng với Ngọc Anh (ĐH Thương mại) còn có kỉ niệm đáng nhớ hơn trong lần về Thái Bình đám cưới anh trai đứa bạn cùng phòng: “Vì rơi vào giai đoạn cuối tháng nên lúc lên đường chỉ còn khoảng 300 nghìn, sau khi tính toán xong tất cả mọi thứ cần phải chi tiêu cho chuyến đi mình vẫn ung dung nghĩ là sẽ đủ. Nhưng tối hôm đang ở đám cưới nhà bạn thì bố mẹ gọi về có việc gấp. Trên đường về gặp phải xe khách rởm, đi được nửa chặng bị bán khách. Lúc lên xe lần hai thiếu 10 nghìn họ không cho đi, phải năn nỉ rất lâu mới được. Giờ nghĩ lại vẫn còn hú hồn, nếu bị bỏ rơi dọc đường không biết mình sẽ xoay sở thế nào nữa”.

Cứ như "đến hẹn lại lên", năm nào vào thời gian này mùa cưới cũng trở nên sôi động nhất có thể. Và việc mời càng đông bạn bè đến dự đám cưới dường như đã trở thành một nét “văn hóa” quen thuộc của người Việt Nam mà trong ngày một ngày hai không thể thay đổi được. Đây cũng chính là lí do khiến cho tình trạng các bạn sinh viên “đã nghèo nay còn túng”, phải chịu đựng lâu dài cảnh “lao đao” sau khi bỏ phong bì mừng ngày vui của bạn bè.

Tiểu Phương