
Từ 8h ngày 16/7, Bộ GD-ĐT sẽ công bố điểm thi tốt nghiệp THPT. Cũng kể từ thời điểm này đến 17h ngày 28/7, thí sinh sẽ đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học, không giới hạn số lần.
Sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, các trường đại học bắt đầu công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn). Với khối ngành sư phạm và khoa học sức khỏe, điểm sàn sẽ được thông báo trước 17h ngày 23/7.

Thí sinh nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến từ ngày 29/7 đến 17h ngày 5/8. Sau đó, Bộ và các trường đại học xử lý nguyện vọng xét tuyển (lọc ảo) từ ngày 16/8 đến 17h ngày 20/8.
Sau khi có điểm chuẩn, thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trên hệ thống, chậm nhất đến 17h30 ngày 30/8.
Bộ yêu cầu các trường không được tổ chức nhập học trước ngày 22/8. Các đợt xét tuyển bổ sung bắt đầu từ ngày 1/9 đến hết năm.
Trong năm ngoái, điểm sàn xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT của các đại học trên cả nước dao động từ 14 đến 24,5 điểm, cao nhất ở các ngành Sư phạm, Y khoa, Răng Hàm Mặt. Trong đó, Trường Đại học Sài Gòn dẫn đầu về mức điểm sàn trong cả nước năm 2024. Ngành Sư phạm Toán học của trường này xét thí sinh đạt từ 24,5 điểm trở lên.
Nhiều trường xét tuyển ở mức 24 điểm trở lên với một số ngành như Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TPHCM, Trường Đại học Luật TPHCM, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, Trường Đại học Y Hà Nội... Còn lại, phần lớn trường đưa ra điểm sàn trong khoảng 15 - 23.
>>>Tra cứu điểm chuẩn các trường đại học năm 2025 sớm trên VietNamNet<<<