Khoa học công nghệ – cánh tay nối dài cho sản phẩm vùng cao

Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động “Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử – Nâng tầm sản phẩm vùng Trung du và miền núi phía Bắc” do Cục TMĐT & KTS, Bộ Công Thương chủ trì ngày 24/5, chuỗi phiên livestream do TikTok và Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Việt Nam phối hợp triển khai với chủ đề “Tự hào hàng Việt tỉnh Lai Châu” đã chính thức đưa sản vật bản địa lên môi trường số, với sự đồng hành của các nhà sáng tạo nội dung, doanh nghiệp công nghệ và chính quyền địa phương.

livestream ban hang.jpg
Livestream bán hàng trực tuyến, người dân vùng cao có thể tham gia thị trường quốc gia, thậm chí toàn cầu.

Không cần showroom, không cần hội chợ đông đúc, các hộ kinh doanh nhỏ, như chị Phìn Thị Chiển ở huyện Mường Tè, chỉ cần một thiết bị điện thoại, một cú livestream cùng các TikToker là có thể tiếp cận ngay với hàng nghìn người tiêu dùng ở Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng… Trong vòng 30 phút lên sóng, chị đã chốt gần 200kg thịt sấy, ba chỉ gác bếp và các sản phẩm OCOP khác, thu về doanh thu gần 100 triệu đồng. Tổng thể toàn phiên thu hút 783.000 lượt xem, gần 300 triệu đồng doanh thu và hàng trăm đơn hàng đổ về vùng cao chỉ sau vài giờ lên sóng.

Việc ứng dụng công nghệ truyền thông số kết hợp TMĐT để phá vỡ giới hạn địa lý, hạ tầng và tập quán kinh doanh truyền thống đã phá vỡ điểm nghẽn trước đây. Thay vì bị bó hẹp trong các phiên chợ địa phương, người dân vùng cao có thể tham gia thị trường quốc gia, thậm chí toàn cầu.

Công nghệ là chìa khóa xoá khoảng cách vùng miền

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, các đô thị lớn hiện đã hình thành hệ sinh thái thương mại điện tử phát triển khá toàn diện, trong khi các tỉnh miền núi vẫn gặp khó khăn do thiếu hạ tầng logistics, kỹ năng số chưa đồng đều và khả năng tiếp cận thị trường yếu.

Trong bối cảnh đó, khoa học công nghệ, đặc biệt là nền tảng số và trí tuệ nhân tạo, đang mở ra lối đi tắt cho phát triển kinh tế nông thôn và miền núi. Với chỉ một chiếc điện thoại thông minh, một tài khoản TikTok và sự huấn luyện bài bản, người dân vùng cao hoàn toàn có thể bán hàng, xây dựng thương hiệu, tương tác với khách hàng và tiếp cận thị trường toàn quốc.

Đây cũng là lý do vì sao Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp Việt Nam (SYS Việt Nam) – đơn vị trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam – đã lựa chọn tham gia cùng IDEA và TikTok Việt Nam triển khai hoạt động tại Lai Châu như một điểm nhấn trong Đề án “Nâng cao năng lực kinh doanh số cho 20 triệu thanh niên Việt Nam”.

Cách mạng số đang “đến tận cửa”

“Bình dân học vụ số – Cùng nhau học AI” là một chương trình được SYS Việt Nam đang triển khai tại cộng đồng. Thông qua việc tổ chức các lớp học trực tuyến hàng tuần qua Zoom để phổ cập kiến thức về trí tuệ nhân tạo, ứng dụng công nghệ vào sản xuất – kinh doanh cho người dân vùng sâu vùng xa, chương trình đã tạo ra cách tiếp cận thông minh thông qua các thiết bị phổ biến và phương pháp đào tạo dễ tiếp cận.

Kết quả của chiến dịch livestream “Tự hào hàng Việt tỉnh Lai Châu” không chỉ dừng lại ở các con số ấn tượng về lượt xem hay doanh thu, mà còn chứng minh một nguyên lý phát triển bền vững trong thời đại số: Địa phương nào biết áp dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn – địa phương đó sẽ bứt phá.

Đây là mô hình cần được nhân rộng, không chỉ với nông nghiệp vùng cao, mà còn với các ngành nghề truyền thống, sản phẩm làng nghề, dịch vụ du lịch bản địa… Điều quan trọng là cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ba lực lượng: chính sách công – công nghệ tư – cộng đồng ứng dụng, để tạo ra hệ sinh thái chuyển đổi số linh hoạt, phù hợp với từng vùng.

Chuyển đổi số không phải là cuộc đua thiết bị, mà là hành trình phổ cập tri thức công nghệ, đưa khoa học đến gần người dân, để mọi địa phương, dù miền núi hay đồng bằng, đều có thể phát triển một cách công bằng và bền vững.