Cuộc đụng độ Trung Quốc – Philippines quanh bãi cạn Scarborough có vẻ giống như một câu cách ngôn “cơn bão trong tách trà”. Tuy nhiên, gốc rễ của nó sâu xa và căn bản hơn nhiều, bao gồm cả sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và cả nỗ lực thiết lập các tiền lệ chính trị - pháp lý trong khi gián tiếp liên quan tới cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung.

Cuộc đối đầu ấy trở thành một phép thử cho sự đoàn kết đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), với kết cấu của liên minh Mỹ - Philippines và với sức mạnh chính trị của Mỹ trong khu vực. Mặc dù bãi cạn Scarborough không phải là một phần của quần đảo Trường Sa đang tranh chấp, nhưng kết quả của vụ việc này có thể là điềm báo trước cho những cuộc chiến ngoại giao hàng hải và pháp lý trong tương lai.

Chủ nghĩa dân tộc và sự quả quyết của tầng lớp lãnh đạo đang dẫn dắt vấn đề hướng về phía trước ở cả hai nước. Thế giới blog của Trung Quốc và cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc của người Philippines trên toàn cầu là những đám khói bốc lên từ đống lửa chủ nghĩa dân tộc đang cháy âm ỉ. Hơn thế nữa, cuộc cách mạng công nghệ thông tin đã tạo điều kiện để những người hiểu biết công nghệ tham gia, huy động và dẫn dắt trong việc bày tỏ thái độ. Và những ngọn lửa tiếp tục được thổi bùng lên.

Tiếp cận nguồn tài nguyên đóng một vai trò quan trọng, nhất là những khu vực được cho là giàu tài nguyên năng lượng cũng là vùng xảy ra tranh chấp hay tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc với Philippines hoặc với một số nước Đông Nam Á khác ở Biển Đông. Nhưng tiếp cận nguồn tài nguyên không phải là nguyên nhân "khởi thủy" của cuộc tranh chấp này. Vấn đề thực sự là những tiền lệ chính trị đã được thiết lập.

Một số nước tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đông (Brunei, Malaysia và Việt Nam) cũng như ở biển Hoa Đông (Nhật Bản) đang dõi theo sát sao diễn biến xảy ra. Họ hy vọng sẽ thu thập được những bài học đáng giá về việc nên hành xử thế nào với tuyên bố chủ quyền và những hành xử quả quyết mới của Trung Quốc.


Tàu Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough. Ảnh: wsj

Vì Mỹ là một đồng minh quân sự của Philippines, và dường như Manila có được sự ủng hộ của cả Mỹ lẫn ASEAN, nên vụ việc xảy ra ở bãi cạn Scarborough trở thành nơi mặt đối mặt của hai cường quốc.

Thực tế là, các mảng kiến tạo của hệ thống chính trị quốc tế đang xoay chuyển đối lập nhau. Mỹ và Trung Quốc là hai mặt đối lập của của sự chia cắt và có lẽ là cả về phương diện lịch sử. Mỹ của ngày hôm qua và ngày hôm nay vẫn là siêu cường, nhưng sự tín nhiệm và tính hợp pháp của họ dường như đang xói mòn nhanh chóng.

Trung Quốc đại diện cho tương lai, không chỉ ở khía cạnh "sức mạnh cứng" mà còn là các giá trị văn hóa hay "sức mạnh mềm" khác. Quả thực, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng, đã đến thời, đến mệnh để Trung Quốc giành lại sự nổi bật của mình (nếu không phải là sự vượt trội) ở khu vực và cuối cùng là cả thế giới. Một số người nghĩ rằng, thậm chí Trung Quốc còn đang cố gắng áp đặt "Học thuyết Monroe" của chính họ trong khu vực.

Về mặt lý thuyết, học thuyết này đề cập tới việc các cường quốc đã hình thành, nỗ lực duy trì sự nguyên trạng để đảm bảo vị trí dẫn đầu của họ và coi các cường quốc đang trỗi dậy là mối đe dọa tiềm năng.

Trong khi đó, các cường quốc đang lên lại cảm thấy bị ép buộc vì sự nguyên trạng. Họ còn e ngại rằng, cường quốc vượt trội sẽ cố gắng dập tắt họ trước khi họ trở thành đối thủ thực sự. Ở đây có sự hiện diện của các động lực chính trị cổ xưa.

Cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung đang nhanh chóng trở thành cuộc chơi có tổng bằng 0 và cả hai bên hoài nghi sâu sắc những dụng ý của bên còn lại. Và chính họ đang ép buộc các quốc gia châu Á phải lựa chọn một trong hai. Cuộc đụng độ hiện tại sẽ cho thấy sự khôn ngoan khi làm như vậy.

Mục tiêu chiến lược của Mỹ ở châu Á - bên cạnh việc truyền bá các giá trị và cách sống - là để ngăn chặn sự gây hấn của Trung Quốc hay việc họ "ức hiếp" các đồng minh châu Á của Mỹ. Nhưng một số nước Đông Nam Á coi đây là cách làm xáo trộn sự cân bằng tinh tế địa chính trị trong khu vực. Và cách họ hành xử thế nào với cuộc tranh chấp này sẽ phần nào nói lên môi trường địa chính trị tương lai.

Tới thời điểm này, Mỹ tỏ ra rất thận trọng và Philippines thì cảm thấy thất vọng - kiểu như một số người nói là "mồ côi" chính trị và giới lãnh đạo Manila khá lúng tung vì thiếu sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ cũng như ASEAN. Philippines đã nhận thức muộn màng rằng, cả Mỹ và ASEAN có những lợi ích riêng liên quan tới Trung Quốc - cả về chính trị và kinh tế - và đó mới là ưu tiên.

Một câu hỏi cơ bản đặt ra là liệu sự đoàn kết ASEAN sẽ tồn tại - nếu nó thực sự đã từng tồn tại?

Rằng  ASEAN sẽ duy trì vai trò trung tâm trong an ninh khu vực hay yếu thế và bị thiệt thòi bởi cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung?

Sự suy yếu của ASEAN sẽ khuyến khích một số thành viên xích lại gần hơn với Mỹ? Trung Quốc và Mỹ sẽ đẩy mạnh cuộc chiến "sức mạnh mềm" để giành lấy con tim và khối óc của người Đông Nam Á?

Ở đây còn có các nguyên tắc pháp lý liên quan tới việc có thể thiết lập tiền lệ để ảnh hưởng tới tranh chấp ở những phần khác của Biển Đông và thậm chí là Hoa Đông - nơi Trung Quốc và Nhật Bản cũng có tranh chấp về chủ quyền quần đảo khá giàu tài nguyên. Trung Quốc và Philippines sẽ nhất trí giải quyết vấn đề thông qua sử dụng hệ thống pháp lý quốc tế hiện hành và một phần hỗ trợ từ Mỹ? Hoặc Trung Quốc sẽ cố gắng thay đổi để giành lợi thế cho mình như các cường quốc trỗi dậy đã làm trước họ - kể cả chính nước Mỹ?. Và quyền lực mềm được hỗ trợ bởi sức mạnh cứng sẽ chiến thắng áp đảo các nguyên tắc pháp lý?

Hợp tác là một trong những chọn lựa, cho dù triển vọng của nó đặt ra sự hoài nghi. Các bên tranh chấp có thể nhất trí gạt vấn đề sang một bên và cùng quản lý ngư nghiệp trong một khu vực đã thỏa thuận, và do đó cung cấp một mô hình tích cực để quản lý cho những phần tranh chấp còn lại ở Biển Đông?

Dĩ nhiên, tranh chấp có thể phai mờ dần mà không có một giải pháp. Nhưng kể cả khi như vậy, nó cũng đã tiết lộ phần nào mục đích của Trung Quốc, cách giải quyết của Mỹ, sự cố kết ASEAN và vai trò cũng như quy định của luật pháp quốc tế trong những vấn đề như vậy. Có lẽ, cuối cùng, hợp tác là cách thoát khỏi bế tắc. Nếu không, khu vực cần chuẩn bị cho những cuộc xung đột nhiều hơn, tồi tệ hơn sẽ xảy ra.

Mark Valencia

Nguyễn Huy dịch (theo Japantimes)

Tác giả: Mark Valencia là một nhà phân tích chính sách hàng hải, từng là chuyên viên cấp cao của Trung tâm Đông - Tây tại Honolulu.