- Bề ngoài, trông Hoàng Lan N. không có gì nổi trội so với chúng bạn. Nhưng đi đến đâu N. cũng nhanh chóng thu hút đựơc sự chú ý và chiếm được tình cảm của bạn bè mới quen. Một thời gian sau, đội bạn này dần dần “tản ra” và “chạy mất dép” sau khi biết được sự thật: rất nhiều món đồ của mình đã âm thầm rơi vào túi của N. lúc nào không ai biết.

“Nhà giàu, có học nhưng ăn cắp nó quen rồi”

N. là sinh viên một trường đại học có tiếng ở Hà Nội. Gia đình N. từ trước đến giờ đã nổi tiếng là khá giả nên khi vừa bước chân vào trường ĐH, bạn bè đã phải lác mắt khi thấy N. dùng Iphone, đi xe Vespa. Lớp ĐH của N. ban đầu ai cũng quý cô bạn gái nhỏ nhắn, dễ gần này. Nhưng sau khi hết học kì 1, khi nhóm bạn thân 5 người của N. dần dần cứ tản mát hết cả lớp mới bắt đầu hiểu lí do vì sao.

Tuấn, cậu bạn của N. kể “Lúc đầu mình chả hiểu tại sao mà đồ của mình cứ mất dần, toàn mấy thứ vớ vẩn kiểu nước hoa, tai nghe nhạc… Sau thấy mấy đứa còn lại cũng kêu mất liên tục thì mới bắt đầu khó chịu. Nhưng ôi thôi, có lần, chính mắt mình nhìn thấy cô ta dùng cái tai nghe nhạc của mình thì đúng là... không đỡ được”.

BS Nguyễn Văn Dũng: “Rối loạn của bệnh trộm cắp bệnh lý được đặc trưng bởi nhiều lần không thể cưỡng lại được xung động ăn cắp các đồ vật mà họ không sử dụng cho cá nhân hoặc bán lấy tiền. Ngược lại, những đồ vật ăn cắp được vứt đi, cho người khác hoặc tích lại”.
Bạn bè trong lớp N. lúc đầu còn bán tín bán nghi. Nhưng có lần khi trong lớp, có 1 cô bạn bị mất điện thoại di động thì chuyện này mới ầm ra. Cô này thì chắc chắn là N. lấy, vì chiếc điện thoại ấy mấy hôm sau lại thấy N., dùng nhưng N. kiên quyết không nhận. Thậm chí, khi bị cả lớp họp lại, ép nhận thì N. lăn ra ngất, giãy đùng đùng lên.

Tưởng mọi chuyện như thế là xong, ai ngờ cô bạn bị mất điện thoại lại là con gái một bác công an. Tiếc của thì ít, bực mình vì thói quen xấu của N. thì nhiều, cô này bèn kéo mấy người bạn khác cùng lớp, đến nhà N. nói chuyện với bố mẹ N, yêu cầu N. nhận lỗi, nếu không sẽ báo công an để tiện giải quyết.

Lúc này, N. mới chịu nhận lỗi về phía mình là  “cầm nhầm”. Nhưng chiếc điện thoại ấy N. nói rằng đã bị mất. Cực chẳng đã, bố mẹ N. phải đứng ra nhận lỗi cho con và mua cho cô bạn kia một chiếc điện thoại mới.

Từ đó, lớp ĐH của N. mỗi khi có ai hỏi chuyện tại sao một cô gái sinh ra trong một gia đình khá giả, lại học ở một trường ĐH lớn lại có tính xấu như vậy, bạn bè cùng lớp N. chỉ cười nhạt “nhà giàu, có học nhưng ăn cắp nó quen rồi”.

“Bạn không tha, người nhà cũng không thương”

Phương Ch. là một cô bé xinh xắn và dễ thương. Tuy mới học lớp 11, nhưng Ch. đã nổi tiếng khắp trường vì mối tình học trò với anh bạn lớp bên. Cậu bạn kia tự hào về Ch. đến mức chia sẻ trên blog cá nhân rằng, một ngày kia mong sẽ lấy được Ch. về làm vợ sau khi học xong đại học. Những câu chuyện tình cảm của 2 người liên tục được... cập nhật.

Cho đến một ngày đẹp trời, blog kia bỗng dưng bị đóng lại. Ch thì khóc lóc, sầu não. Còn cậu kia thì cứ ai nhắc đến tên Ch. là quát ầm ĩ lên. Sau này mới biết, hóa ra, khi Ch. đến nhà bạn trai chơi, đã không kìm được thói quen “xoáy đồ”, cầm luôn hộp kem dưỡng da của chị bạn trai mang về nhà dùng.

Chị kia kêu mất ầm ĩ lên. Đến ngày cậu đến nhà Ch. chơi thì phát hiện ra hũ kem của chị mình đang chềnh ềnh trên bàn bạn gái. "Đất trời sụp đổ" dưới chân khi cậu còn phát hiện ra chiếc máy ảnh kĩ thuật số xinh xinh của nhà mình bị mất cũng đang nằm ngay trên bàn học của Ch.

Cậu này tức quá, quát Ch. ầm lên ngay tại nhà bạn gái khiến mẹ Ch. đang ở nhà hớt hải chạy lên xem. Nghe kể sự tình, mẹ Ch. bật khóc. Hóa ra, đây chẳng phải lần đầu tiên Ch. làm thế với những người thân thiết.

Ch. đã từng ăn trộm tiền của bố mẹ, ăn trộm điện thoại của khách đến nhà chơi, ăn trộm của cả người yêu chị gái Ch. Nếu cả nhà phát hiện ra thì Ch. sẽ chối đây đẩy, dọa tự tử hoặc mang đồ bị nghi ăn cắp ra đập, xé, vứt vào sọt rác.

Chuyện tình cảm của Ch. tan vỡ. Nhưng tính ăn cắp vặt của Ch. thì không thay đổi. Bởi thế, lâu lâu lại thấy lớp của Ch. họp căng thẳng 1 lần vì chuyện mất đồ vô cớ.

Theo VTC, BS Ngô Thanh Hồi, Giám đốc Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết: “Trộm cắp bệnh lý khác với trộm cắp cố ý, có mưu lợi. Bệnh nhân mắc bệnh trộm cắp bệnh lý là họ không thể giữ mình khi vào siêu thị, vào gian hàng bán đồ mình thích. Khi cơn xung động đến, ham muốn sở hữu vật đó khiến họ không nhịn được, cứ thế là cầm, là bỏ túi, và bỏ đi không trả tiền. Họ có cảm giác căng thẳng khi đứng trước đồ vật mình muốn, đồng thời có cảm giác thỏa mãn khi lấy được đồ vật đó.”


BS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Điều trị tâm thần nam & Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai cũng chỉ ra sự rối loạn của bệnh lý này là hoàn toàn không có động cơ: “Rối loạn của bệnh trộm cắp bệnh lý được đặc trưng bởi nhiều lần không thể cưỡng lại được xung động ăn cắp các đồ vật mà họ không sử dụng cho cá nhân hoặc bán lấy tiền. Ngược lại, những đồ vật ăn cắp được vứt đi, cho người khác hoặc tích lại”.


Thu Lý