Quảng Bình là tỉnh thuộc nhóm 3 sẽ số hóa truyền hình vào ngày 31/12/2018. Mới đây, ông Lê Khánh Hòa, Giám đốc Đài PT-TH Quảng Bình cho hay, mặc dù tỉnh Quảng Bình chưa chính thức triển khai số hóa truyền hình nhưng đã nhìn thấy trước những khó khăn. Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai Đề án nhưng cũng chưa làm gì cụ thể. Quảng Bình là tỉnh nghèo, địa bàn không thuận lợi, có nhiều vùng lõm sóng nhất là dọc chiều dài biên giới tiếp giáp với Lào là vùng khó khăn nhất. Tại khu vực này đồng bào dân tộc tuy số lượng không nhiều nhưng nằm rải rác, dân cư thưa thớt. Khó khăn của tỉnh kéo theo khó khăn của Đài PT-TH,  nguồn thu trên địa bàn thấp, Đài PT-TH được đầu tư chắp vá nên việc mua sắm trang thiết bị đồng bộ để tiến tới số hóa truyền hình không hề đơn giản.

Ông Hòa cũng cho hay, Đài PT-TH vẫn còn mơ hồ và lúng túng chưa xác định được sẽ chọn doanh nghiệp truyền dẫn như thế nào, Quảng Bình nằm trong nhóm 3 nhưng đến nay chưa xác định rõ đến khi nào sẽ chấm dứt phát sóng analog. Ông Hòa kiến nghị, Bộ TT&TT cần chỉ đạo các Sở TT&TT sát sao và quan tâm triển khai Đề án Số hóa truyền hình ở địa phương. Tại Quảng Bình, VTV đã đầu tư một cột anten tự đứng cao 110m nên nếu lựa chọn VTV thực hiện phát sóng sẽ thuận lợi. Đề nghị Bộ TT&TT sớm cấp kinh phí phát sóng từ nguồn viễn thông công ích cho các đài truyền hình thuộc diện được hỗ trợ. Về số lượng đầu thu cần trợ cấp lớn nên đề nghị Ban chỉ đạo chỉ đạo rà soát, thống kê và lập kế hoạch triển khai sớm.

Liên quan đến đề nghị của ông Hòa, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho hay, nếu dùng dịch vụ của VTV phát sóng thì đơn giản cho Quảng Bình nhưng lại có hạn chế là VTV phát sóng mạng đa tần nên chỉ có thể phủ sóng trong địa bàn tỉnh, không mở rộng phủ sóng ra trong khu vực được. Về chi phí truyền dẫn, chi phí thuê dịch vụ về nguyên tắc sẽ rẻ hơn chi phí các đài tự truyền dẫn như hiện nay.

Còn theo ông Lã Minh Tuấn, Giám đốc Đài PT-TH Sơn La, việc lựa chọn nhà phát sóng truyền hình mặt đất là một bài toán lớn. Hiện tại Đài VTC đã đưa một máy phát máy số DVB-T2 lên Sơn La nhưng chỉ phục vụ được một số lượng rất nhỏ hộ gia đình ở khu vực đó. Ở miền núi người dân thu truyền hình vệ tinh tốt hơn, do đó đề nghị Bộ TT&TT sớm hỗ trợ đầu thu truyền hình vệ tinh cho các hộ nghèo, cận nghèo trong tỉnh. Sơn La có hơn 300.000 gia đình thì có 25.000 hộ chưa có tivi, 23.000 hộ có tivi nhưng chưa có đầu thu. Sơn La đã cấp kinh phí phát sóng kênh của tỉnh lên vệ tinh, nhưng sau khi nhận được hỗ trợ từ nguồn Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích thì tỉnh sẽ cắt nguồn ngân sách này. Sơn La là tỉnh thuộc nhóm 4, sẽ tắt sóng truyền hình analog vào 31/12/2020.

Ông Phan Quang Hưng, Giám đốc Đài PT-TH Lào Cai cũng cho rằng, đối với các tỉnh miền núi biên giới Tây Bắc phải kết hợp 2 giải pháp truyền dẫn, phát sóng số mặt đất ở các khu đô thị và phát sóng vệ tinh ở các khu vực vùng sâu, vùng xa. Nhiều vùng bây giờ tắt sóng analog rồi dân không kêu chứng tỏ phương thức phủ sóng truyền thống không quan trọng nữa. Ông Hưng cho rằng, các tỉnh miền núi phải số hóa song song giữa mặt đất và vệ tinh phải làm đồng bộ cùng nhau. Tỉnh nào mà VTV đã lắp đặt máy phát truyền hình số thì giải pháp phát sóng số mặt đất qua hệ thống của VTV là khả thi nhất, vì tại các tỉnh miền núi không có nhiều đài phát nên khả năng bị nhiễu sẽ ít hơn.

Ông Đoàn Quang Hoan cho hay, Đề án số hóa truyền hình thực hiện trên nguyên tắc chuyển đổi từ truyền hình tương tự mặt đất sang truyền hình số mặt đất, không phải là đề án phát triển truyền hình. Do đó, đến thời điểm tắt truyền hình analog thì các đài phải phát sóng số mặt đất, nhà nước chỉ hỗ trợ đầu thu truyền hình vệ tinh cho các hộ nghèo, cận nghèo đang thu xem truyền hình từ các trạm phát lại. Do đó, khi các tỉnh chưa có trạm phát sóng truyền hình số mặt đất thì việc hỗ trợ đầu thu sớm cũng vô nghĩa. Ông Hoan lưu ý, việc hỗ trợ phát sóng lên vệ tinh của nhà nước rất hạn chế và không phải hỗ trợ toàn bộ kinh phí. Trước khi tắt sóng analog 1 tháng nhà nước sẽ tính toán để hỗ trợ phủ sóng cho 1 số tỉnh có số lượng trạm phát lại lớn. Tuy nhiên đây mới là đề xuất của Bộ TT&TT, cần tham khảo ý kiến của Bộ Tài chính.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 61/63 tỉnh đã phát sóng kênh truyền hình địa phương lên vệ tinh, mặc dù chưa có sự hỗ trợ từ nguồn tiền của Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích, và theo quy định của Nhà nước thì những đơn vị đã tự chủ tài chính sẽ không được xem xét hỗ trợ từ Chương trình Viễn thông công ích.