moc-chau-thanh-toan-so-le-anh-dung-1.jpg
Từ đầu năm 2023, huyện Mộc Châu đã triển khai nhiều đợt tuyên truyền về chuyển đổi số, trong đó có thanh toán số nhằm giúp người dân hiểu rõ lợi ích lâu dài của giao dịch không dùng tiền mặt. 

Ngày 15/12, Sở Công thương tỉnh Sơn La phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử và UBND huyện Mộc Châu tổ chức hội nghị tập huấn về giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt "Một mã, một tài khoản thanh toán số" tại huyện Mộc Châu.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp, hộ sản xuất và người dân Mộc Châu nghe về hoạt động thương mại điện tử và thanh toán không tiền mặt, một số xu hướng điển hình trong thương mại điện tử; giải pháp thanh toán số áp dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; gian lận trong thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến xu hướng 2023; định hướng đề xuất phát triển thương mại điện tử năm 2024, trong đó là triển khai giải pháp "Một mã, một tài khoản thanh toán số" tại Mộc Châu.

Mục đích của hội nghị là nhằm hỗ trợ chuyển đổi số trong hoạt động thanh toán tiêu dùng, giúp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh và người dân trên địa bàn huyện Mộc Châu từng bước tiếp cận và hiểu được vai trò, lợi ích của hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, từ đó có kỹ năng triển khai thanh toán không dùng tiền mặt phục vụ hoạt động, sản xuất kinh doanh của đơn vị thật sự hiệu quả.

Trước đó, vào tháng 5/2023, UBND huyện Mộc Châu cũng đã tổ chức hội nghị tuyên truyền về triển khai chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội tại thị trấn Mộc Châu để giúp người dân hiểu rõ lợi ích lâu dài của việc chi trả bằng phương thức không dùng tiền mặt, tạo điều kiện thuận lợi nhận trợ giúp qua tài khoản; đồng thời hướng dẫn hồ sơ thủ tục để mở tài khoản cho các đối tượng thụ hưởng; người được ủy quyền, người giám hộ,…

Để việc chi trả an sinh qua  tài khoản hiệu quả, hàng tháng, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát, chuẩn hóa thông tin đối tượng và thực hiện cập nhật đối tượng hưởng chế độ trợ giúp xã hội vào hệ thống, nhằm phục vụ cho công tác quản lý, chi trả chế độ trợ giúp xã hội không sử dụng tiền mặt; cùng với đó là tăng cường hợp tác, phối hợp, trao đổi thông tin giữa đơn vị cung cấp dịch vụ và các đơn vị liên quan triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật; ngăn ngừa rủi ro phát sinh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ,…

Tại hội nghị đã triển khai làm thẻ ngân hàng cho 271 người trong đó có 78 người có công và 193 người bảo trợ đạt 100%.

Việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả chế độ cho đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng và người có công với cách mạng góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực an sinh xã hội; đảm bảo chi trả kịp thời, nhanh chóng, công khai, minh bạch và tiết kiệm chi phí hành chính; góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán hiện đại của nền kinh tế Việt Nam.

Ngọc Tuân và nhóm PV, BTV