Ngày 20/5, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng có cuộc làm việc với Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam- Hàn Quốc (VKIST) tại trụ sở thuộc Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Đây là tổ chức khoa học và công nghệ công lập được thành lập năm 2015 trên cơ sở Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và chính phủ Hàn Quốc.
Loay hoay bài toán đi từ công nghệ đến sản phẩm
Báo cáo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ông Vũ Đức Lợi, Viện trưởng Viện VKIST cho biết, sau 3 năm chính thức đi vào hoạt động, các kết quả bước đầu là tích cực. Tính đến 30/4/2025, VKIST đã và đang thực hiện 27 nhiệm vụ nghiên cứu sản phẩm KHCN cấp bộ với tổng kinh phí được NSNN cấp gần 75 tỷ đồng, trong đó, 15 nhiệm vụ đã hoàn thành.

Hiện, VKIST đã chuyển giao thương mại hóa thành công 8 công nghệ và còn 16 công nghệ đã hoàn thành, sẵn sàng chuyển giao cho doanh nghiệp thương mại hóa.
Đáng chú ý nhất là kết quả ứng dụng công nghệ Nano, phát triển nguyên liệu chiết xuất thảo dược thiên nhiên được chuyển giao cho một công ty dược mỹ phẩm, sau khoảng 1 năm ra thị trường, sản phẩm đạt doanh thu 80 tỷ đồng.
Viện trưởng Vũ Đức Lợi cho biết: “Ước tính năm 2025, doanh thu của VKIST dự kiến đạt 40 tỷ đồng, tăng hơn 200% so với năm 2024 (12,6 tỷ đồng). Đây là tiền bản quyền từ các công nghệ của Viện khi chuyển giao cho doanh nghiệp và tiền từ các hợp đồng dịch vụ khoa học công nghệ”.
“Năm nay, chúng tôi có 4 công nghệ rất tiềm năng, cần chuyển giao thương mại hóa nhưng do vướng cơ chế định giá của Nghị định 70 trước đây nên chưa thực hiện được”, ông Lợi nói thêm với VietNamNet.

Thách thức lớn của viện là làm sao để thương mại hóa thành công các kết quả nghiên cứu. Từ công nghệ đi đến sản phẩm và ra được thị trường lại là một chặng đường không dễ tìm được doanh nghiệp đồng hành.
Bà Trương Thị Ngọc Liên, Trưởng phòng Công nghệ tích hợp dẫn chứng: “Chúng tôi đã hoàn thành nghiên cứu công nghệ sản xuất bộ kit xét nghiệm nhanh bệnh ung thư và viêm gan B trong mẫu máu. Bộ kit có thể bán đại trà tại các hiệu thuốc, người dân có thể tự sử dụng tại nhà, tiềm năng rất lớn”.
“Tuy nhiên, khi cần thương mại hóa, chúng tôi lại gặp vô vàn khó khăn. Doanh nghiệp trong nước e ngại rủi ro nên muốn bộ kit phải được Nhà nước cấp phép lưu hành, tức tạo ra sản phẩm hoàn thiện thì mới nhận chuyển giao. Muốn làm vậy, nhóm nghiên cứu cần thêm khoản chi phí lớn, ước lên tới 20 tỷ đồng”.
“Với mức kinh phí lớn, rất khó để xin được đầu tư cấp vốn từ nguồn Nhà nước. Chúng tôi rất mong, Bộ có cơ chế hỗ trợ được nhóm nghiên cứu đi từ công nghệ đến sản phẩm, thậm chí xây dựng nhà máy sản xuất kit test này tại Việt Nam”.
“Hiện, doanh nghiệp Nhật Bản rất muốn mua công nghệ này. Bán thì rất dễ nhưng chúng tôi muốn giữ lại để chuyển giao cho doanh nghiệp Việt, như thế giá bán cho người dân mới rẻ”, bà Liên cho biết.
Phải tạo những sản phẩm công nghệ có sức lan tỏa lớn
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận nỗ lực hoạt động nghiên cứu của Viện VKIST. Ông dành phần lớn thời gian để lưu ý về hiệu quả đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ.

“Cần phải suy nghĩ, chúng ta đầu tư 1 đồng nghiên cứu thì tạo ra đầu ra là bao nhiêu? Tại Nga, Belarus, 1 đồng nghiên cứu tạo ra 15-20 đồng doanh thu. Ở Việt Nam, tôi ước tính con số dự kiến cần là tạo ra 10 đồng doanh thu”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
“Nếu VKIST thu về 40 tỷ đồng thì tổng doanh thu từ các sản phẩm công nghệ mà doanh nghiệp nhận chuyển giao thương mại hóa phải đạt 400- 500 tỷ đồng”, Bộ trưởng nêu ví dụ.
Theo ông, một công nghệ nghiên cứu ra thì phải đo lường được thương mại hóa toàn bộ vòng đời. Để giải quyết được bài toán này, cần thay đổi cách tiếp cận, “đi từ sản phẩm đến công nghệ thay vì từ công nghệ đến sản phẩm” và dành nguồn lực nhân sự, cơ chế thù lao hấp dẫn cho người làm thương mại hóa công nghệ.
“Muốn chọn được sản phẩm gì để nghiên cứu, Viện phải đi xuống doanh nghiệp tìm hiểu. Bài toán từ cuộc sống không quá khó và khi đó, doanh thu không phải là 80 tỷ mà là 800 tỷ đồng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Theo Bộ trưởng, Nghị quyết 57 và Luật KH, CN, ĐMST đang trình Quốc hội cởi trói rất thông thoáng cho hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ. Với thể chế đột phá, VKIST phải cần có “giấc mơ lớn” hơn nữa.
Dẫn lại câu chuyện thành công của Viettel và các tỷ phú công nghệ thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhắc đến những ưu thế của một viện nghiên cứu được đầu tư bởi vốn ODA Hàn Quốc và vốn Nhà nước.
Ông yêu cầu, VKIST cần nghĩ đến việc trở thành một viện nghiên cứu lớn top đầu, phải tạo ra những công nghệ và sản phẩm có sức ảnh hưởng lớn tới toàn xã hội. Những công nghệ mà cả nghìn tổ chức nghiên cứu bên ngoài có thể làm được rồi thì VKIST không nên làm. Thậm chí, có thể nghĩ tới mô hình làm start up từ những công nghệ của mình.
Ông nhắc lại: Bộ KHCN giờ là 5 ngón tay trên 1 bàn tay (Khoa học công nghệ, Sở hữu trí tuệ, Đổi mới sáng tạo, Tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng, Chuyển đổi số). Cần phải sử dụng “ngón tay” Tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng, sản phẩm nghiên cứu ra được công bố hợp chuẩn, hợp quy quốc gia, giá lại rẻ hơn thì sẽ chiếm ưu thế trong thương mại hóa. Bởi lẽ, dự thảo Luật đã nêu rõ, cần ưu tiên mua sản phẩm KHCN trong nước.
Đặc biệt, là một viện được đầu tư từ nguồn ODA của Hàn Quốc thì VKIST lại càng phải có trách nhiệm hơn để đồng vốn hỗ trợ của nước bạn có ý nghĩa, có hiệu quả.
“Có một nghịch lý là, những viện Nhà nước nuôi thì càng nuôi, càng kém đi. Còn những viện tự chủ, không được hỗ trợ gì thì lại sống và lớn mạnh. Mô hình Nhà nước bao cấp thất bại thì chúng ta xin Nhà nước bao cấp làm gì? Do vậy, cơ chế tài chính của VKIST tới đây là phải là tiến tới tự chủ”, bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.