Chủ tịch NextTech: Cần sớm có hành lang pháp lý quản giao dịch tiền ảo tại Việt Nam

Công nghệ đang trở thành yếu tố chi phối, dẫn dắt nền kinh tế

Cuối tháng 3/2018 vừa qua, tại Ba Vì, Hà Nội, lần đầu tiên Bộ Tư pháp phối hợp cùng NextTechGroup tổ chức hội thảo “Xây dựng khung pháp lý về tiền ảo tại Việt Nam – Một số vấn đề đặt ra”. Đây là dịp để cơ quan xây dựng chính sách lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực Crypto Currencies (Tiền điện tử) để từ đó có những đề xuất liên quan đến việc xây dựng khung pháp lý quản lý tiền ảo tại Việt Nam hiện nay.

Trong tham luận “Hành lang pháp lý quản lý tiền ảo tại các nước trên thế giới” trình bày tại hội thảo, điểm lại 4 làn sóng khoa học công nghệ làm thay đổi thế giới kể từ thế kỷ 18 cho đến nay, ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch NextTech Group nhận định, mỗi cuộc cách mạng đều đem lại năng suất lao động cao hơn và sự thịnh vượng cho những quốc gia đi đầu biết nắm bắt cơ hội; nhưng đồng thời cũng đưa đến tai họa cho những nước không biết tận dụng cơ hội.

Ông Bình cũng chỉ rõ, các cuộc cách mạng sau có thời gian để “lây lan” ra toàn thế giới càng nhanh hơn. Cụ thể, trong khi các cuộc cách mạng trước phải mất vài chục năm thậm chí hàng trăm năm mới được phổ biến ra toàn thế giới, thì với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, quá trình toàn cầu hóa diễn ra rất nhanh. Đơn cử như, chỉ cần từ 3 - 5 năm là đủ thời gian để 1 ứng dụng công nghệ trong cuộc cách mạng về CNTT, Internet, di động như Uber, Grab, GoJek… phổ biến rộng khắp và đe dọa đến ngành công nghiệp taxi. “Từ đó, có thể thấy rằng, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này, đất nước chúng ta cần nhanh chóng lướt trên các cơn sóng của thời đại mới, còn nếu chần chừ, chậm chạp thì sẽ bị “nhấn chìm”, bị lỡ tàu như trong các cuộc cách mạng trước”, ông Bình nêu quan điểm.

Đề cập đến những hệ quả mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đưa lại, theo ông Bình, trước hết đó chính là nền kinh tế tri thức cho phép con người không cần có tư liệu sản xuất như đất đai, tài nguyên thiên nhiên… cũng có thể trở nên giàu có. Minh chứng rõ nhất là sự xuất hiện của các tỉ phú tự thân, đi lên từ 2 bàn tay trắng, chỉ nhờ vào chất xám. Hệ quả thứ hai cũng là hệ quả trực tiếp đang đe dọa sự tồn tại của mô hình kinh tế thị trường truyền thống. Và xu hướng toàn cầu hóa mạnh mẽ là hệ quả lớn thứ ba mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đưa đến.

“Ngày nay, toàn cầu hóa diễn ra vô cùng nhanh chóng. Các doanh nghiệp công nghệ như Grab mới khởi nghiệp cách đây 5-6 năm, hay GoJek khởi nghiệp từ 3-4 năm trước nhưng đến nay đều đã trở nên phổ biến ở khu vực Đông Nam Á và “đô hộ” các quốc gia. Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, chúng  ta không thể nghĩ trong phạm vi biên giới hẹp”, ông Bình nói.

Theo phân tích của người đứng đầu NextTech Group, trong kỷ nguyên Internet hiện nay, nền kinh tế được chi phối bởi dầu mỏ, tài nguyên, khai khoáng… đang bị thay thế bằng nền kinh tế do công nghệ dẫn dắt, chi phối. Ông Bình nhấn mạnh: “Điều này được thể hiện rõ qua danh sách 10 Công ty có giá trị thương hiệu lớn nhất trên thế giới năm 2017 có sự góp mặt của 9 doanh nghiệp công nghệ, chỉ có có duy nhất 1 công ty truyền thống đứng ở vị trí thứ 10 là McDonald’s và chắc rằng trong năm nay Công ty này sẽ bị đánh bật khỏi danh sách. Đây sẽ là minh chứng hùng hồn nhất cho luận điểm nền kinh tế hiện nay không còn bị chi phối bởi dầu mỏ, tài nguyên mà đang được dẫn dắt bởi công nghệ”.

Cùng với đó, kỷ nguyên Internet cũng chứng kiến sự xuất hiện của kinh tế ngang hàng. Khác với kinh tế thị trường truyền thống có công cụ điều tiết chung là tiền, với kinh tế ngang hàng, người này sẽ tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ trực tiếp của người khác dựa trên sự chia sẻ và sử dụng tài nguyên, vật lực dư thừa của xã hội dựa trên nền tảng kết nối thông tin bằng CNTT và Internet.

Hiện nay, người ta có thể chia sẻ nhiều thứ từ nhà cửa, xe cộ, văn phòng…và ai cũng có thể vừa là người sản xuất vừa là người tiêu dùng. Đơn cử như tại Mỹ, hiện nay ra đường có thế nhìn thấy sự hiện diện của kinh tế ngang hàng, kinh tế chia sẻ ở khắp nơi, như đi trên đường có Uber, Lyr, RelayRides; vận chuyển hàng có Postmate, Taskrabbit; đi vay ngân hàng có LendingClub; đặt phòng có Airbnb, Onefinestay…

Việt Nam cần sớm có hành lang pháp lý cho Blockchain và tiền mã hóa

Cũng trong “Hành lang pháp lý quản lý tiền ảo tại các nước trên thế giới", ông Bình cho biết, với kinh tế thị trường truyền thống thì “dung môi” của nó là tiền; còn “dung môi” của nền kinh tế ngang hàng trong thời đại hiện nay chính là Blockchain (công nghệ chuỗi khối) và Cryptocurrencies (tiền mã hóa). Theo ông Bình, công nghệ Blockchain và đại diện tiêu biểu nhất là Bitcoin đã được nhìn nhận như là một phát minh lớn của nhân loại trong thế kỉ 21, có thể so sánh được với phát minh mạng Internet. Đây là một “hiện tượng” của giới đầu cơ trên phạm vi toàn thế giới và là một loại tiền tệ cơ bản của thế giới Internet.

Về mặt lý thuyết Bitcoin không thể bị can thiệp, có số lượng hữu hạn, được quy ước và có giá trị thực, tương tự như Vàng trạng thái với khả năng tăng giá về mặt dài hạn. Đánh giá về đồng tiền này, ông Bình khẳng định: “Tiền mã hóa là một tài sản toàn cầu xuyên biên giới đầu tiên trong lịch sử nhân loại không chịu sự chi phối của bất kỳ chính phủ nào. Mỗi quốc gia lại nhìn nhận vấn đề này theo những cách khác nhau, hành lang pháp lý cũng khác nhau và vẫn đang thay đổi để bắt kịp tốc độ phát triển”.

Minh chứng cho nhận định của mình, Chủ tịch NextTech Group đã lấy dẫn chứng từ việc nghiên cứu pháp luật của các Quốc gia trên thế giới đối với vấn đề Tiền mã hóa và chỉ ra rằng mỗi quốc gia quản lý Tiền mã hóa theo những luật định khác nhau nhưng tựu chung có 3 xu hướng gồm: một là “cấm”; hai là cho phép sử dụng như phương tiện thanh toán, thậm chí có đề xuất coi đây là dạng tiền thực sự; ba là không quản lý.

Cụ thể, bên cạnh các quốc gia quy định cấm tiền mã hóa, tiền điện tử như Bolivia, Ecuador, Trung Quốc, hiện đã có nhiều nước trên thế giới cho phép, công nhận tiền mã hóa như: Bulgaria, Úc, Canada, Mỹ, Nhật, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức…

Đơn cử như, tại quốc gia phát triển như Mỹ, tiền mã hóa đã được công nhận như một loại hàng hóa và phải chịu thuế cũng như tuân thủ các quy định liên quan đến giao dịch hàng hóa hiện nay. Hay tại Nhật Bản, nước này đã ban hành luật quy định về tiền ảo, coi đây là phương tiện thanh toán, quản lý giao dịch tiền ảo thông qua sàn giao dịch, phát hành tiền ảo ban đầu ra công chúng (IPO) có kiểm soát và đăng ký.

Chủ tịch NextTech: Cần sớm có hành lang pháp lý quản giao dịch tiền ảo tại Việt Nam

Từ thực tiễn luật pháp của các quốc gia trên thế giới hiện nay, ông Bình đã đưa ra đề xuất về chính sách và xây dựng khung pháp lý phù hợp nhằm tận dụng việc áp dụng những sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ để tạo bước đột phá trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời hạn chế được rủi ro của doanh nghiệp/người dân khi tham gia vào các hoạt động có liên quan. Theo đó, Tiền mã hóa nên được nghiên cứu công nhận như một loại hàng hóa đặc biêt; cấp phép cho các sàn giao dịch để kiểm soát đầu vào/ra thế giới thực; cho phép đăng kí và quản lý các cuộc phát hành tiền mã hóa (ICO, ITO).

“Để các hoạt động về Tiền mã hóa tại Việt Nam có thể tiến nhanh, tiến mạnh hơn trong thời gian tới, sự ra đời của hành lang pháp lý cho Blockchain và Tiền mã hóa sẽ tạo điều kiện cho việc quản lí giao dịch cũng như ngăn chặn rủi ro cho các nhà đầu tư Tiền mã hóa trong tương lai”, ông Bình khẳng định.