Những mù mờ, khuất tất trong kinh doanh xăng dầu đang dần lộ diện sau tranh cãi giữa Bộ Tài chính, Công thương và doanh nghiệp. Bộ Tài chính khẳng định sắp tới sẽ kiểm tra các “ông lớn” xăng dầu và có kế hoạch thanh tra xăng dầu vào năm 2012.
Tin liên quan:
Bộ Tài chính kiểm tra giá vốn 4 DN xăng dầu
Clip Bộ trưởng Tài chính hỏi vặn về giá xăng
TGĐ Petrolimex: Không có chuyện xăng dầu siêu lợi nhuận!
Cú đánh vào "nhóm lợi ích" xăng dầuLỗ lãi xăng dầu phụ thuộc... cách tính?
Có dấu hiệu gian lận
Vấn đề lãi lỗ xăng dầu càng lúc càng nóng tới đỉnh điểm khi các luồng thông tin từ doanh nghiệp và các bộ Công Thương, Tài chính vẫn tiếp tục mâu thuẫn nhau.
Trao đổi với một số báo hôm 22/9, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đã bác bỏ những thông tin lãi lỗ mà ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng giám đốc Petrolimex đưa ra hôm 21/9.
Ông Tuấn phê phán: Việc anh Bảo nói tại hội thảo hôm 20/9 là không bóc tách lỗ lãi xăng và dầu là không thể chấp nhận, có thể nói đó là một hình thức gian lận trong quản trị. Trong kinh doanh, nguyên tắc hạch toán của tất cả các doanh nghiệp đều phải bóc tách lỗ và lãi riêng từng mặt hàng, sau đó mới có quyết toán lỗ lãi được.
“Chưa hết, khi anh Bảo khẳng định lại với báo chí đúng là tại thời điểm 26/8, Petrolimex đang lãi từ 129 đồng/lít đến trên 400 đồng/lít. Đây là điều rất đáng suy nghĩ về tính minh bạch của doanh nghiệp”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Phủ nhận các con số của Petrolimex, vị lãnh đạo Cục Quản lý giá khẳng định mạnh mẽ: Mức lãi 780 đồng/lít xăng mà Bộ trưởng Tài chính nói chính là giá được tính toán dựa trên mức giá nhập khẩu thực tế mà Hải quan cung cấp.
Ông Tuấn cũng khẳng định việc dựa vào số liệu hải quan như Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ thong tin hôm 20/9 là căn cứ quan trọng để quyết định giảm giá xăng dầu.
Tên thực tế, đúng là có hai mức giá như vậy. Mức thứ nhất là giá tạm tính khi mở tờ khai hải quan. Mức thứ hai là giá đã đóng dấu của cơ quan Hải quan hay còn gọi là giá thực. Đây mới là mức giá được pháp luật công nhận. Thực tế cho thấy giá tạm khai (giá FOB) có lúc cao hơn giá thực nhập (giá CIF vốn đã tính cả phí tàu biển, vận chuyển, bơm khí...).
Trả lời phỏng vấn trên Tuổi trẻ, ông Tuấn không khẳng định trong các số liệu mà doanh nghiệp báo cáo đã có khoản hoa hồng hay chưa và họ có nhận được khoản này hay không. Tuy nhiên, đúng là có nhiều nghi ngờ khoản này.
“Chúng tôi cũng đang lên kế hoạch thanh tra năm 2012, trong đó có định hướng sẽ thanh tra các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Việc thanh tra sẽ làm rõ được các khoản tiền trong kinh doanh xăng dầu. Khi có kết quả thanh tra, chúng tôi sẽ công bố xem thực chất vấn đề này như thế nào,” ông Tuấn cho biết.
Sang tuần tới, các đoàn kiểm tra sẽ chính thức đến 4 doanh nghiệp xăng dầu chiếm thị phần lớn nhất để kiểm tra. Dự kiến việc kiểm tra kéo dài từ 7-10 ngày và sẽ được tiến hành đúng pháp luật, nghiêm túc theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính.
“Chúng tôi cũng sẽ công khai các kết quả kiểm tra,” ông Tuấn khẳng định với Tuổi trẻ.
![]() |
Trước những tranh luận gay gắt về câu chuyện xăng dầu, trả lời báo Tuổi trẻ, ông Ngô Trí Long, nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả cho rằng: Cách tính giá cơ sở hiện nay dễ gây nhầm lẫn. Giá cơ sở đã gồm cả chi phí kinh doanh 600 đồng/lít, cũng đã có cả khoản lãi 300 đồng/lít cho xăng dầu. Thế nhưng doanh nghiệp vẫn hay kêu khó khăn là đang phải bán dưới giá cơ sở. Nói như vậy cứ như họ lỗ, nhưng thực chất chưa chắc mà có thể vẫn có lãi. Tôi đề nghị phải xem lại cách tính giá cơ sở.”
Theo chuyên gia Vũ Đình Ánh, chốt vấn đề nằm ở chỗ sự minh bạch về thông tin. Minh bạch ở đây không phải là cơ quan quản lý công bố công thức tính giá hay diễn biến của thị trường mà là lý do lỗ lãi, lỗ ở đâu, con số cụ thể như thế nào. Và con số lỗ lãi này có sự kiểm chứng của cơ quan quản lý không.
Trả lời VnEconomy, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, về nguyên tắc, lợi ích của doanh nghiệp xăng dầu xung đột với lợi ích người tiêu dùng, nên Nhà nước phải đảm nhận vai trò điều hòa các lợi ích này để giảm xung đột.
Trước đó, ngay tại hội thảo ngày 20/9, TS Nguyễn Minh Phong cũng rất đồng tình nói, giá xăng dầu chính ra là minh bạch nhưng khi về Việt Nam lại tù mù và giải trình của Petrolimex cũng tù mù. Nguyên nhân có thể do chính từ việc quy định giá cơ sở chưa rõ ràng.
Theo ông Phong, nếu Nhà nước tách bạch rõ nét hơn 3 khoản với 2 loại chi phí cứng và mềm: Khoản giá vốn gốc gồm giá nhập, giá vận chuyển, khoản Nhà nước thu gồm các phí, thuế, là khoản cứng và khoản của doanh nghiệp.
Như vậy, chi phí cứng thì không thể thay đổi, nhưng chi phí mềm sẽ biến động. Mỗi lần cần điều chỉnh giá xăng dầu, sẽ nhìn thấy rõ điều chỉnh ở đâu, doanh nghiệp lùi lợi nhuận, hay Nhà nước bớt khoản thu, hay do giá nhập khẩu tăng hay giảm…
Ông Phong bày tỏ, những tranh luận về xăng dầu giữa bộ Tài chính, bộ Công Thương và doanh nghiệp cho thấy nổi lên một điều, đây có thể là một tín hiệu mới về việc điều hành kinh doanh xăng dầu sắp tới.
So sánh thiên lệch
Trong các bản tin thị trường gần đây của Petrolimex, đăng tải trên website của tổng công ty này, phần so sánh giá bán lẻ xăng dầu trong nước với một vài quốc gia láng giềng luôn là mục không thể thiếu. Đáng chú ý là giá bán lẻ tại Việt Nam luôn đứng ở mức thấp hơn các ví dụ được Petrolimex nêu trong phần so sánh. Chẳng hạn, trong bản tin ngày 21/9/2011, Petrolimex cho biết: xăng RON 92 đang bán tại Việt Nam thấp hơn Lào 5.798 đồng/lít, thấp hơn Campuchia 6.052 đồng/lít, thấp hơn Singapore 12898 đồng/lít và thấp hơn Trung Quốc 4.322 đồng/lít. Trong bản tin ngày 5/9/2011, giá xăng RON 92 được nêu là 20.800 đồng/lít; thấp hơn Lào 5.798 đồng/lít, thấp hơn Campuchia 3.945 đồng/lít, thấp hơn Singapore 13.014 đồng/lít và thấp hơn Trung Quốc 4.322 đồng/lít. Thế nhưng, dù có tìm mỏi mắt thì cũng không thấy mục so sánh với các quốc gia mà giá xăng dầu Việt Nam đang tương đương hoặc cao hơn (mặc dù Petrolimex chắc cũng nắm rõ). Còn một yếu tố quan trọng hơn mà đáng lẽ Petrolimex nên so sánh, liên quan đến tính "hợp lý" của giá xăng, đặt trong tương quan với mức sống và ngưỡng chịu đựng của đông đảo người dân trong nước. Giả sử, nếu đem so tỷ lệ giá xăng/thu nhập bình quân của người Việt (GDP bình quân đầu người năm 2010: 1.170 USD) với Singapore (62.000 USD), Trung Quốc (4.500 USD) hay Mỹ (47.000 USD)... thì không biết giá xăng tại Việt Nam thực sự nên đứng ở mức nào? (Theo VnEconomy)
|
Phạm Huyền