internet.jpg
Ảnh minh họa

ICTnews lược dịch phóng sự “Lớp cai nghiện game đầu tiên tại Việt Nam” của phóng viên hãng thông tấn AFP.

10 giờ đêm, con trai cô Lê Thị Hoàng, em Phan Lê Hồng Đức vẫn chưa về nhà. Người mẹ rất sốt ruột bởi cô biết cậu con trai mình đang chơi game tại một cửa hàng Internet nào đó. Không thể chờ thêm, cô bắt xe ôm sang hàng Internet của một người hàng xóm, tuy nhiên người trông hàng nói rằng không có đứa trẻ nào chơi tại đây, dù rõ ràng cô nghe thấy tiếng bọn trẻ đang hò hét ở phía trong. 

Khoảng 5h sáng, sau khi cảm thấy thỏa mãn cơn nghiền game, Đức mới chịu về nhà. Em đã mắc chứng nghiện game. Tối hôm trước Đức đã bỏ lớp học thêm buổi tối để say sưa bên bàn phím. Cảm thấy cần phải cứu con trai trước khi quá muộn, cô Hoàng quyết định đưa con đến Trung tâm điều trị cai nghiện game online xuất hiện đầu tiên tại Việt Nam.

Với tốc độ hiện đại hóa nhanh đến mức chóng mặt, giờ đây Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thực trạng của thế kỷ 21, trong đó có vấn nạn nghiện game.

Chỉ khoảng 4 năm trở lại đây, các trò chơi trực tuyến đã làm mê muội thế hệ trẻ tại đây. Các cửa hàng Internet len lỏi về từng làng xã, số lượng người chơi game vì thế cũng tăng lên. Trong bản báo cáo vào cuối năm 2008 của Viện nghiên cứu Pearl (Mỹ) – một cơ quan chuyên tư vấn về game và ảnh hưởng của ngành giải trí đã dự đoán rằng số lượng game thủ tại Việt Nam sẽ vượt lên con số 10 triệu vào năm 2011.

Em Nguyễn Nam Cường (15 tuổi) đã chôn vùi cả 3 tháng nghỉ hè tại một cửa hàng Internet thay vì tham gia các hoạt động vui chơi khác. Chính em cũng lo rằng không biết bản thân mình đã bị nghiện game online chưa. 30 máy tính tại cửa hàng đã kín chỗ, các cậu như bị hút vào thế giới ảo, người đá bóng, người chiến đấu. Tiếng động duy nhất được phát ra đó là tiếng gõ bàn phím. Cường tâm sự mình thích game online bởi khi chơi, em thấy cuộc sống ảo thú vị hơn ngoài đời rất nhiều.

Giám đốc Trung tâm cai nghiện game đầu tiên tại Việt Nam, anh Nguyễn Thành Nhân cũng không biết có bao nhiêu em cần sự giúp đỡ của trung tâm. Chỉ có thể hình dung rằng con số này là rất lớn. Có hàng ngàn người đã liên hệ với Trung tâm văn hóa thanh thiếu niên Việt Nam để hỏi về chương trình này. Chàng giám đốc trẻ nhấn mạnh, nghiện game không khác gì nghiện ma túy cả.

Em Đức, một cậu bé 15 tuổi, tự thừa nhận rằng mình đã bị nghiện game kể lúc đầu em chỉ chơi khoảng 5, 6 tiếng một ngày thôi, nhưng dần dần thời gian chơi cứ tăng lên đến mức em không còn tự kiểm soát được mình nữa. Lần nhiều nhất, em đã chơi liên tục 10 tiếng thâu đêm. Đức kể rằng em thích chơi những trò chiến đấu theo đội từ 4 đến 5 người. Mỗi ngày, em được mẹ cho 20.000 đồng ăn sáng. Em không hề ăn mà dành tiền để chơi game. Số tiền này đủ để chơi tối thiểu 5 tiếng một ngày.

Để thỏa mãn cơn nghiện game của mình, các em kiếm tiền bằng cách cá cược, đội thắng ăn tiền đội thua và cũng để tăng độ hấp dẫn của cuộc chơi. Đức, một cậu bé bị đúp lớp 8 “tự hào” rằng đội của em hầu như luôn thắng. Triệu chứng của Đức không nguy hiểm bằng biểu hiện của một số em khác như ăn cắp, bỏ học, tính tình trở nên hung hăng. Mẹ của Đức, một giảng viên Đại học nói rằng chính con trai cô cũng tự nhận thấy mình có vấn đề. Không giống như những trường hợp khác, Đức tự nguyện tham gia khóa điều trị với chi phí là 3,5 triệu đồng bao gồm ăn, ở và chi phí cho một số hoạt động khác. Đức chỉ là một trong số 20 thiếu niên tham gia khóa học đầu tại Trung tâm.

Anh Nhân cho biết, phương pháp được áp dụng tại lớp đã được thử nghiệm thành công tại Trung Quốc và Hàn Quốc. Ngoài ra, Trung tâm còn sử dụng thêm phương thức điều trị tâm lý theo nhóm để các em có thể cùng chia sẻ về cảm xúc của mình.

Ngoài việc cai nghiện game, chương trình còn như sợi dây kết nối các em với gia đình, với những hoạt động tập thể được tổ chức thường xuyên như làm bánh, tiệc nướng ngoài trời. Có khoảng 25 nhân viên và 5 chuyên gia tâm lý tham gia điều trị cho các em tại đây. Mục tiêu của trung tâm là hướng các em vào những hoạt động khác và khuyến khích các em thể hiện bản thân mình bằng nhiều cách. Một số em đã phát hiện rằng mình thích bộ môn bóng đá hoặc nhảy hiphop. Một kết quả thật đáng bất ngờ khi có đến 90% các em tham gia lớp học đã từ bỏ game, số còn lại dù tiếp tục chơi game thì cũng tỏ ra tôn trọng với cha mẹ, gia đình mình hơn.

Trong khi Nhà nước đang nỗ lực tìm mọi cách để kiểm soát và hạn chế game online thì Trung tâm đã hỗ trợ cộng đồng bằng cách thay đổi nhận thức và hành vi của chính bản thân các em. Em Đức giờ đây đã có một hoài bão mới đó là trở thành ca sĩ nhạc Pop, khóa điều trị đã giúp em tìm ra một đam mê khác ngoài game. Xoay một vòng, tay uốn lượn, bước chân em lướt trên sàn ra dáng như một nghệ sĩ hiphop thực thụ. Vậy là em đã cai nghiện thành công.

Theo AFP