Học lái tàu
Chia sẻ với hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn hôm nay (17/7), ngư dân Lê Khuân ở xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi kể:
"Bao đời nay, đánh bắt hải sản là nghề mưu sinh của ngư dân. Song ngư dân hành nghề chủ yếu theo kinh nghiệm, chưa có kiến thức khoa học về khai thác, đánh bắt hải sản, chưa biết cách quản lý tàu và nhiên liệu, khai thác, đánh bắt và bảo quản thủy sản chưa đúng cách, không biết sửa chữa máy móc nên đánh bắt kém hiệu quả, tổn thất chi phí làm giảm thu nhập, thậm chí có những chuyến ra khơi bị thua lỗ".
Ông Khuân còn cho biết: Hiểu biết pháp luật nhà nước, quốc tế về luật biển và các quy định khi hành nghề trên biển hết sức hạn chế. Vì vậy, ngư dân gặp rất nhiều khó khăn, thiệt hại về người và tài sản.
|
Ngư dân đang cần học để biết lái tàu cá lớn. Ảnh: Chung Hoàng |
Theo học lớp dạy nghề thuyền trưởng và máy trưởng tàu cá hạng tư cùng 210 ngư dân khác trong huyện, ông Lê Khuân được trang bị kiến thức về quản lý, điều hành, khai thác tàu an toàn, đúng luật và hiệu quả; chỉ huy thuyền viên, quản lý bộ phận máy; bảo quản an toàn sản phẩm sau thu hoạch; quản lý nhiên liệu, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc; và kiến thức pháp luật khi hành nghề trên biển.
Ra quân đánh bắt đầu năm 2013, ngư dân Lý Sơn với các thuyền máy lớn đã ra được Trường Sa, Hoàng Sa. Các thuyền trưởng, máy trưởng đã biết cách điều khiển tàu ổn định, bài bản, đoàn kết giúp đỡ nhau, chủ động khắc phục sự cố, hạn chế rủi ro, thiệt hại, bảo quản tốt sản phẩm, không gây hại cho người tiêu dùng.
"Từ đầu năm đến nay, mỗi chuyến biển mỗi tàu tiết kiệm được 15-20% chi phí, trong đó riêng nhiên liệu khoảng 5-8 triệu đồng. Do vậy, thu nhập của chúng tôi cũng tăng lên đáng kể", ngư dân Lê Khuân chia sẻ.
Ông Khuân, cũng là Phó Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã, hy vọng sớm có những cộng đồng ngư dân chủ động, tự chủ, có khả năng tự ứng phó khi làm nghề ngoài biển xa, tiến ra biển vững chắc, tự tin để khẳng định vị thế, chủ quyền biển đảo của Việt Nam:
"Chúng tôi cũng hiểu sâu sắc rằng ngoài việc mưu sinh, mỗi ngư dân còn có nhiệm vụ góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc".
Vì với khoảng 2.000 ngư dân thường xuyên đánh bắt ở Hoàng Sa và Trường Sa, ngư trường truyền thống quen thuộc, hai quần đảo này là "cái ao nhà, vườn rau, ruộng lúa, là miếng cơm manh áo cho gia đình".
Khoảng 5 năm trở lại đây, ngư dân Lý Sơn gặp nhiều khó khăn, thường xuyên phải đối mặt và ứng phó với các hành động ngang ngược, phi lý của phía nước ngoài. Nhưng ngư dân quyết bám biển, bám Trường Sa và Hoàng Sa, "một phần máu thịt của bà con, nơi bao thế hệ con em Lý Sơn trong đội hùng binh Bắc Hải năm xưa vĩnh viễn nằm lại", ông Lê Khuân khẳng định.
Cùng học nghề với nông dân
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT, TGĐ công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, tự nhận là "ngu" vì không biết chương trình của Chính phủ để kết hợp, mà cứ tự "cùng nông dân học nghề" mấy năm nay.
|
Mô hình Cánh đồng mẫu lớn. Ảnh: Báo ĐT Chính phủ |
Đưa hơn 1.000 kỹ sư về "ba cùng" - cùng ăn, cùng ở, cùng làm - với nông dân theo mô hình “Cánh đồng mẫu lớn", doanh nghiệp này giúp nông dân biết cách làm ruộng một cách bài bản, có kỹ thuật, kế hoạch, có ghi chép, tính toán, sổ sách...
Chuỗi giá trị trong sản xuất lúa gạo được khép kín và liên hoàn từ khâu sản xuất đến khâu thu mua. "Có vậy mới nâng cao hàm lượng khoa học - kỹ thuật trong sản phẩm. Không đi theo con đường này thì không thể nâng cao năng xuất, không truy xuất được nguồn gốc hàng hóa thì cũng không thể xây dựng thương hiệu cho sản phẩm lúa gạo ĐBSCL", ông Thòn nói.
Chính doanh nghiệp cũng thu nạp được những kỹ sư vừa có trình độ, vừa có kinh nghiệm giải quyết những vấn đề thực tiễn nhờ cùng nông dân đối mặt với những khó khăn, thách thức phát sinh hàng ngày trên đồng ruộng.
Chung Hoàng