
Xã biên giới Bờ Y, tỉnh Quảng Ngãi có đường biên giới giáp 2 nước Lào và Campuchia. Xã được thành lập trên cơ sở nhập đơn vị hành chính các xã: Bờ Y, Đăk Xú và thị trấn Plei Kần.
Sau sắp xếp, xã có diện tích hơn 242km2, quy mô dân số hơn 35.300 người. Nơi đặt trụ sở làm việc tại Trung tâm hành chính thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum (cũ). Xã đã có bước chuẩn bị chu đáo để Trung tâm phục vụ hành chính công hoạt động hiệu quả ngay từ ngày đầu 1/7.

Tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã biên giới Bờ Y đã có rất đông người dân đến giải quyết thủ tục hành chính và đất đai là lĩnh vực tập trung nhiều hồ sơ.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, phụ trách Trung tâm phục vụ hành chính công xã Bờ Y cho biết: Trung tâm có 9 cán bộ và công chức. Hầu hết cán bộ từ các xã Bờ Y, Đăk Xú và thị trấn Plei Kần cũ về phục vụ tại Trung tâm phục vụ hành chính công của xã và phân công phụ trách các lĩnh vực tài nguyên môi trường, nông nghiệp, công thương, xây dựng, văn hoá xã hội và tư pháp hộ tịch đủ phục vụ cho người dân.
Thực tế quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho thấy, cán bộ Trung tâm phục vụ hành chính công xã Bờ Y phải dành nhiều thời gian để hướng dẫn, giúp người dân điền thông tin vì những thay đổi về địa danh.
Ông Hoàng Hữu Sửu, xã biên giới Bờ Y, tỉnh Quảng Ngãi làm thủ tục thừa kế đất đai cho 2 con chia sẻ: "Ai cũng bỡ ngỡ lần đầu vì từ tỉnh Kon Tum bây giờ là trở thành tỉnh Quảng Ngãi; rồi từ 3 cấp nay còn 2 cấp. Trong những ngày đầu vận hành, thủ tục hành chính dễ dàng, tinh thần cán bộ phục vụ nhân dân nhiệt tình, tiếp đón hướng dẫn cụ thể, tôi thấy rất phấn khởi".
Sau sáp nhập, tỉnh mới Quảng Ngãi có 96 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó, có 9 xã biên giới giáp 2 nước Lào và Campuchia, với đường biên giới dài hơn 292km. 9 xã biên giới của tỉnh Quảng Ngãi, gồm: Bờ Y, Sa Loong, Dục Nông, Đăk PLô, Đăk Long, Rờ Kơi, Mô Rai, Ia Tơi và Ia Đal. Sinh sống ở các xã biên giới phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Để thuận lợi cho người dân, cùng với thông tin về địa điểm làm việc của xã mới qua hình thức tuyên truyền, phổ biến trực tiếp và qua mạng xã hội tới người dân, từ ngày làm việc đầu tiên 1/7, UBND các xã biên giới đã cử cán bộ thường xuyên trực tại trụ sở xã cũ để đón tiếp, hướng dẫn người dân đến giải quyết công việc tại trụ sở xã mới.

Ông Nguyễn Minh Thuận, Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Cùng với cả nước, sáng nay chính quyền xã Rơ Kơi đi vào vận hành, xã cũng bố trí đầy đủ đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại Trung tâm phục vụ hành chính công của xã.
Người dân xã biên giới này chủ yếu là đồng bào DTTS nên khi đến làm thủ tục hành chính được cán bộ, công chức xã hướng dẫn tận tình, tạo điều kiện thuận lợi. Qua ngày đầu tiên làm việc, người dân rất phấn khởi, tin tưởng vào chính quyền địa phương.
Ngày 1/7, cả nước đã chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Đây không chỉ là một sự thay đổi về mặt tổ chức hành chính, mà là một cuộc cải cách thể chế sâu sắc và chưa từng có tiền lệ trong lịch sử quản trị nhà nước hiện đại ở Việt Nam. Mô hình mới mở ra một thời kỳ mới trong điều hành và tổ chức bộ máy nhà nước – tinh gọn hơn, hiệu lực hơn và gần dân hơn.
Ngọc Chí


