Qua hơn 3 năm thực thi, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và Vương quốc Anh có nhiều bước tiến. Hai bên đã phối hợp mở cửa thị trường đối với 4 nhóm mặt hàng chính, bao gồm:
Các sản phẩm có nguồn gốc thực vật (nông sản), Việt Nam đã đề nghị Vương quốc Anh hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu những sản phẩm đặc trưng, đặc hữu từ nước nhiệt đới.
Các sản phẩm có nguồn gốc động vật, Việt Nam gửi bộ câu hỏi liên quan đến sản phẩm thịt gà chế biến để phía Anh xem xét. Đồng thời, phân công Cục Thú y làm đầu mối, phối hợp với các cơ quan của Vương quốc Anh để sớm thống nhất nội dung và mở cửa thị trường theo quy định.
Việt Nam quan tâm thúc đẩy sản phẩm thịt lợn chế biến, thịt gia cầm chế biến và trứng gia cầm các loại, sữa và sản phẩm sữa của Việt Nam vào thị trường Anh.

Cơ quan thú y hai nước cũng tăng cường trao đổi thông tin về các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở gia súc và gia cầm, đặc biệt là các phương pháp chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật; nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; hoàn thiện mẫu giấy chứng thư thịt lợn và thịt gà của Anh.
Các sản phẩm có nguồn gốc thủy sản, các bên thường xuyên trao đổi về những hoạt động liên quan đến bảo tồn và quản lý bền vững nguồn tài nguyên sinh vật biển và sản phẩm thủy sản; truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác; và chống khai thác IUU.
Bên cạnh đó, với thế mạnh về khoa học công nghệ, Vương quốc Anh được đề nghị hợp tác kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ thúc đẩy phát triển nuôi biển quy mô công nghiệp, nuôi sinh thái theo hướng phát triển bền vững, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo đảm truy xuất nguồn gốc hiệu quả.
Với các sản phẩm gỗ, hai bên đã tích cực đàm phán để Chính phủ hai nước ký Hiệp định thương mại gỗ giữa Việt Nam và Anh, tương tự nội dung Hiệp định VPA/FLEGT mà Việt Nam đã ký kết với EU. Việt Nam hy vọng, Vương quốc Anh sẽ phối hợp gỡ bỏ rào cản và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước hoạt động phù hợp với quy định pháp luật hiện hành của hai bên, trên cơ sở chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về quản lý rừng bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thời gian qua, Việt Nam không ngừng đẩy mạnh việc tái cơ cấu theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh; bảo vệ môi trường, sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn. Đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản và kết nối chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.
Hòa trong dòng chảy ấy, vai trò của hợp tác xã nông nghiệp, của khối tư nhân và các doanh nghiệp FDI trong đầu tư phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp ngày càng được nâng cao. Các mô hình đầu tư hợp tác công - tư được nhân rộng.
Những bước tiến trong chuyển đổi nông nghiệp bền vững đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên và cộng đồng quốc tế, trong đó có Vương quốc Anh.