Những ngày đầu tháng 5/2017, người hâm mộ bóng đá Việt Nam đã không còn được theo dõi các trận đấu kể từ vòng bán kết lượt về của giải bóng đá Champions League - Cúp C1 châu Âu và Europa League – Cúp C3 trên các kênh quảng bá lẫn hệ thống truyền hình trả tiền của VTVcab. Nguyên nhân là do nhiều trang báo điện tử và đơn vị truyền thông của Việt Nam đã vi phạm bản quyền, tự ý lấy và phát hình ảnh giải đấu từ VTVCab, khiến đối tác quốc tế đã quyết định ngừng hợp tác với VTVcab.
Theo tin từ VTV, không chỉ ở riêng mảng thể thao, lâu nay, nhiều chương trình do VTV sản xuất bao gồm các chương trình phim truyện, giải trí cũng bị nhiều đơn vị truyền thông vi phạm bản quyền, đặc biệt nghiêm trọng trên nền tảng số.
Qua theo dõi trong thời gian gần đây, ICTnews nhận thấy vào những giờ chiếu 2 bộ phim ăn khách của VTV là “Người Phán xử” và “Sống chung với mẹ chồng” thì trên hàng chục kênh YouTube cũng phát sóng trực tiếp 2 bộ phim này và chèn rất nhiều hình ảnh quảng cáo với hàng trăm nghìn lượt người xem trực tiếp. Bản full HD được các kênh này cập nhật sau khi bộ phim kết thúc khoảng 30 phút. Theo đại diện VTV thì tất cả các trang chiếu hai bộ phim do VTV sở hữu bản quyền nói trên đều là thu sóng trái phép.
![]() |
![]() |
Theo ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có thời điểm Thanh tra Bộ thanh tra 9 trang web thì cả 9 đơn vị đều có hành vi vi phạm bản quyền các chương trình do VTV sản xuất. Thanh tra đã tiến hành xử phạt, nhưng sau khi bị xử lý thì các đơn vị này vẫn tiếp tục vi phạm, rất khó xử lý được triệt để vấn đề vi phạm bản quyền trên Internet.
Trên YouTube, chỉ mất vài giây thao tác có thể tìm thấy hàng trăm website, ứng dụng di động trang Facebook, YouTube cá nhân đang ngang nhiên vi phạm bản quyền các chương trình của VTV để thu lợi bằng cách chèn thêm quảng cáo khi phát phim.
Điều đáng nói, nhiều doanh nghiệp tên tuổi, có hiểu biết pháp luật, có hàng triệu khách hàng cũng cố tình xâm phạm bản quyền các chương trình của VTV. Có những đơn vị sử dụng trái phép đến 11.000 chương trình.
Mặc dù VTV đã nhiều lần gửi công văn, bằng chứng vi phạm để yêu cầu chấm dứt những sai phạm nhưng các đơn vị này đều phớt lờ. Thậm chí, mức độ vi phạm còn nghiêm trọng hơn. Theo VTV thì VTV đang là nạn nhân bị xâm phạm bản quyền lớn nhất ở Việt Nam. Điều này không chỉ gây tổn thất lớn về mặt kinh tế mà còn ảnh hưởng uy tín của VTV với các đối tác. Còn khán giả cũng sẽ là người bị thiệt hại khi có thể không được theo dõi những chương trình có chất lượng tốt, do đối tác không ký hợp đồng vì lo ngại về vấn đề vi phạm bản quyền.
Một vấn đề đặt ra là ý thức của người xem truyền hình cũng là một câu chuyện nhức nhối của các kênh truyền hình nói chung khi một bộ phận người dùng vẫn tiếp tục chọn những chương trình vi phạm bản quyền trên Internet.
Dễ dàng xem các chương trình yêu thích trên Internet là một trong những lý do mà người xem nói không với truyền hình có bản quyền. Tuy nhiên, việc sử dụng miễn phí các nội dung không có bản quyền lại đang gây tổn thất nghiêm trọng cho các đơn vị truyền hình.
Dù có được bản quyền giải đấu Ngoại hạng Anh theo gói độc quyền tại nước ta nhưng thời gian qua, K+ vẫn khó khăn trong việc tiếp cận số đông người hâm mộ giải đấu này tại Việt Nam. Ông Jacques - Aymar de Roquefeil, Phó Tổng giám đốc K+ cho hay: "Vi phạm bản quyền phát sinh nhiều hình thức khác nhau, nhưng hình thức xem theo yêu cầu khiến nhiều người sẽ không đăng ký thuê bao của K+ mà họ lựa chọn các trang web cung cấp các nội dung tương tự không có bản quyền, bóng đá là nội dung bị vi phạm rất nhiều".
Rõ ràng chừng nào người xem còn duy trì thói quen lựa chọn các chương trình vi phạm bản quyền trên Internet, thì việc chống vi phạm bản quyền sẽ tiếp tục khó khăn và khi đó cả nhà cung cấp dịch vụ truyền hình có nguy cơ phải đối diện với những thiệt hại khó lường.