Báo cáo Thương mại nông nghiệp Anh - Việt Nam với tiêu đề “Kết nối Vương quốc Anh và Việt Nam trong nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống” do Đại sự quán Anh tại Hà Nội công bố hồi năm ngoái cho thấy, vẫn còn nhiều dư địa để Việt Nam tăng xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Anh - quốc gia hiện nhập khẩu khoảng 40% nhu cầu lương thực - thực phẩm. Trong đó có gần 12,5 tỷ GBP (bảng Anh) rau quả; hơn 6 tỷ GBP ngũ cốc; hơn 4,8 tỷ GBP cà phê, trà, cacao; gần 3,7 tỷ GBP hải sản.
Thị trường Anh với gần 68 triệu dân, thu nhập bình quân cao, nhu cầu đa dạng với cộng đồng người gốc Á hơn 5,5 triệu người là tiềm năng các nhà xuất khẩu Việt Nam có thể khai thác. Hàng năm, các doanh nghiệp Anh nhập khẩu một lượng lớn rau quả, nông sản để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA) đã mở ra cơ hội lớn để nông sản Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường này.

Đối với mặt hàng nông sản, Anh đã ghi nhận những thay đổi tích cực từ các nhà cung cấp Việt Nam song đây vẫn là một thị trường khó tính với những quy định liên tục thay đổi.
Hơn 3 năm qua, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Anh, đặc biệt là nông sản, liên tục duy trì đà tăng trưởng. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều tăng trưởng tốt, đặc biệt là nông sản, như cà phê, tăng 218,5%; hạt điều tăng gần 61%; hạt tiêu tăng hơn 60%; rau quả tăng hơn 56%; và thủy sản tăng hơn 26%.
Đáng chú ý, trong năm 2023, 2024 nhiều trái cây đặc sản lần đầu xuất khẩu chính ngạch sang Anh như cam Canh, bưởi Diễn, cam Cao Phong, quýt Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, sầu riêng Ri6, vải u hồng, vải thiều không hạt… nhận được phản hồi tích cực từ thị trường.
Một số nông sản thực phẩm và trái cây tươi đã có mặt tại các chuỗi siêu thị cao cấp và trung lưu của Anh như Whole Food, Marks & Spencer (M&S), Waitrose…
Bà Hoàng Lê Hằng, Bí thư thứ nhất, Thương vụ Việt Nam tại Anh cho biết, xuất khẩu nông sản Việt Nam duy trì mức tăng trưởng tốt trong 3 năm qua một phần nhờ thực thi UKVFTA. Theo đó, xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả, tạo lợi thế cạnh tranh cho nhiều nông phẩm Việt Nam so với sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ những nước chưa có hiệp định thương mại tự do với Anh.
Đây là thành quả của những nỗ lực của doanh nghiệp và các cơ quan chức năng, đồng thời phản ánh những lợi ích của Hiệp định UKVFTA kể từ khi hiệp định này có hiệu lực vào tháng 5/2021.
Hiệp định này đang mở ra cơ hội lớn để ngành hàng nông sản Việt Nam có thêm cơ hội thâm nhập sâu hơn vào thị trường này. Tuy nhiên, để thành công hơn nữa, để các mặt hàng nông sản Việt Nam có chỗ đứng vững chãi tại sạp hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần tiếp tục tái cấu trúc, xây dựng các chiến lược kinh doanh bài bản, có tầm nhìn xa.