Cách ăn uống cùng cách sống hiện đại đã phổ biến trên khắp thế giới kéo theo bệnh ung thư, tim mạch... Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ đây đến năm 2030, đa số trường hợp tử vong trên thế giới sẽ liên quan tới căn bệnh ung thư.

Ung thư có thể xảy ra với bất kỳ một ai từ người già lẫn trẻ em, đàn ông lẫn phụ nữ, người nghèo lẫn người giàu. Đây là một gánh nặng thực sự cho bệnh nhân, gia đình và xã hội. Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ đây đến năm 2030, đa số trường hợp tử vong trên thế giới sẽ liên quan tới căn bệnh ung thư. Các bệnh ung thư thường do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Không có một phương pháp riêng rẽ nào có thể phòng ngừa hoàn toàn được ung thư. Tuy nhiên, chúng ta có thể giảm thiểu được những yếu tố nguy cơ làm phát sinh căn bệnh nguy hiểm này. Vậy làm thế nào để phòng chống nó một cách tôi ưu. VietNamNet xin đưa ra một số cách phòng chống mà được các chuyên gia về sức khỏe khuyên nên làm theo:

1. Chế độ ăn uống: Tiến Sĩ-Bác Sĩ Lê Minh Khôi (Đại học Đà Nẵng) phát biểu trên báo Người lao động, ăn uống hợp lý cũng là cách phòng chống ung thư hiệu quả:

Ăn nhiều rau xanh và trái cây: Rau xanh và trái cây có tác dụng làm giảm nguy cơ gây ung thư các loại. Không nên chỉ ăn một loại rau hoặc trái cây nhất định nào đó. Nếu bữa ăn càng nhiều màu sắc khác nhau thì tác dụng phòng ngừa ung thư càng cao. Người nào hằng ngày đều có sử dụng các loại rau quả có màu xanh, đỏ, vàng thì người đó càng có cơ may giảm thiểu được nguy cơ ung thư. Chất diệp lục, muối Natri ở trong rau xanh là những loại thuốc chống mục rữa rất hữu hiệu, có tác dụng phòng chống ung thư. Nước ép trái cây tươi cũng có tác dụng tốt.

Rau xanh và trái cây có tác dụng làm giảm nguy cơ gây ung thư các loại.

Uống trà: Lá trà có thể chặn đứng chất nitrosamine (một loại chất gây ra ung thư) hợp thành trong cơ thể, đồng thời cũng có tác dụng khống chế chất gây ra ung thư.

Giảm ăn thịt: Mỗi ngày không nên ăn quá 30 đến 90 g thịt. Chú ý giảm các loại thịt màu đỏ như thịt bò, thịt heo, thịt cừu, thịt dê. Cá là loại thực phẩm được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng. Cũng nên chú ý đến chất lượng thịt. Thịt càng ôi thiu thì khả năng gây bệnh càng lớn. Cách chế biến cũng rất quan trọng. Không nên sử dụng quá nhiều thịt nướng, thịt chiên rán quá nóng, quá chín.

Thường xuyên ăn tỏi:
Giúp phòng chống ung thư nhờ chất allyl sulphur. Nhưng việc nấu tỏi ở nhiệt độ cao lại làm giảm khả năng này.

Ăn nấm thường xuyên giúp kích thích cơ thể sản sinh họat chất interferon, giúp ức chế quá trình sinh trưởng và chuyển lưu của các loại virus ngăn ngừa quá trình hình thành và phát triển ung thư trong cơ thể.

Giảm chất béo bão hòa: Các nhà khoa học Châu Âu về ung thư và dinh dưỡng trong 10 năm đã nghiên cứu thói quen ăn kiêng của 500 ngàn người khắp Châu Âu. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã tập trung vào 13.000 phụ nữ và phát hiện rằng giảm chất béo bảo hòa trong bữa ăn (như các sản phẩm từ sữa béo hoặc thực phẩm xử lý) có thể làm giảm một nửa nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Phụ nữ ăn hơn 90 gam chất béo bảo hòa khi ăn kiêng sẽ tăng gấp đôi nguy cơ phát triển ung thư vú so với người ăn ít hơn (khỏang 40 gam 1 ngày)

2. Vận động: Thể dục nhẹ nhàng khoảng 30 phút mỗi ngày và ít nhất 5 ngày/tuần là chiến thuật chính bảo vệ bạn khỏi ung thư. Theo một nghiên cứu tại Scotland, thể dục làm giảm một nửa khả năng nhiễm ung thư ruột kết.

Phụ nữ tập thể dục thường xuyên có thể giảm được 1/3 nguy cơ ung thư nhờ điều hòa mức hoóc môn có liên quan đến sự phát triển bệnh này, thay đổi tốc độ tiêu hóa thức ăn trong ruột.

Phụ nữ tập thể dục thường xuyên có thể giảm được 1/3 nguy cơ ung thư.

3. Cho con bú sữa mẹ trong sáu tháng đầu

Các bà mẹ nên cho con bú hoàn toàn trong sáu tháng đầu đời của bé, sau đó mới bắt đầu tập cho bé làm quen dần với các loại thực phẩm khác. Nhiều bằng chứng cho thấy làm như vậy sẽ giảm nguy cơ ung thư ở người mẹ và có thể hạn chế bệnh béo phì ở con sau này.

Ngoài ra, để giảm nguy cơ ung thư, bà mẹ cũng nên hạn chế uống rượu bia, tránh tiếp xúc với ánh nắng, hóa chất quá nhiều và tự bảo vệ mình chống lại các bệnh nhiễm trùng có thể có biến chứng gây ung thư.

4. Lạc quan

Tinh thần căng thẳng, kìm nén tâm trạng, bi quan ưu phiền sẽ khiến chức năng miễn dịch bị ức chế, tạo cơ hội cho các tế bào ung thư xuất hiện, sinh sôi. Nhưng ngược lại, lạc quan, yêu đời lại có tác dụng rất tốt trong việc khống chế các tế bào ung thư.

5. Khám sức khỏe thường xuyên

Hàng năm bạn nên đi khám sức khỏe định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để dễ dàng phát hiện bệnh tật. Phát hiện sớm bệnh tật cũng là cách hữu hiệu để chữa trị bệnh nhanh và hiệu quả nhất. Hãy thường xuyên làm các xét nghiệm như chụp X-quang, nội soi, khám cổ tử cung, vùng kín… để dễ dàng phát hiện bệnh.

6. Tiêm phòng

Để không mắc bệnh ung thư, chúng ta nên sớm đi tiêm phòng viêm gan B và HPV. Tất cả người lớn và trẻ em đều nên đi tiêm phòng viêm gan B để tránh bị ung thư gan. Thuốc chủng ngừa HPV giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ đến 70%.

T. Lê (tổng hợp)