
Hạnh phúc dưới những mái nhà
Trải qua hơn ba năm hoạt động, chương trình Mái ấm biên cương đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo các thành phần xã hội, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Từ đây, đời sống của người dân biên giới được tiếp thêm sức sống qua các hành động giúp đỡ thiết thực như xây nhà, xây đường, trường, trạm, khắc phục lối sống tạm bợ, du mục.
Người dân tộc La Hủ bản Là Si ở xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu bao đời nay vẫn lang thang nay đây mai đó nơi hẻm núi, góc rừng. Từ ngày được sự hướng dẫn, hỗ trợ của BĐBP, họ đã được ở trong những mái nhà lợp tôn vững chãi, đã biết định canh, định cư, biết trồng lúa, ngô, rau màu sao cho năng suất cao hơn.
Người tộc Đan Lai ẩn mình nơi thượng nguồn sông Giăng (Con Cuông, Nghệ An) ngàn đời quay quắt trong cái đói, cái nghèo và thất học. Nhờ đề án của chương trình, người dân có thêm những con đường nối bản, có thêm nhữn mái nhà êm ấm. Họ được cấp nước sinh hoạt, được hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi phát triển gia súc, con em họ được đến trường, bỏ dần nhiều tập quán lạc hậu. Cuộc sống cứ thay da đổi thịt từng ngày.
Từ Lai Châu, Hà Giang đến Quảng Bình, Kon Tun, Đồng Tháp, Cà Mau… những vùng biên ải xa xôi nhất của tổ quốc đã được chương trình Mái Ấm Biên cương tìm đến. Có những gia đình phải chạy ăn từng bữa, nheo nhóc sống dưới túp nhà tranh rách nát hoặc trong những nếp nhà sàn bốn mùa không kín gió. “Mái ấm biên cương” tìm đúng hoàn cảnh, giúp đỡ đúng lúc, đã mang đến cho họ niềm hạnh phúc khôn xiết, có một mái nhà “an cư” để họ yên tâm “lạc nghiệp”.
![]() |
Bộ đội biên phòng giúp dân sản xuất nông nghiệp (Ảnh: Hà Nội Mới) |
Chị Huỳnh Thị Yến, ngụ tại ấp Lý Thái Bửu, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, tâm sự: “Do hoàn cảnh ngặt nghèo, chồng tôi bỏ nhà đi từ lâu, tôi một mình nuôi hai con ăn học. Tôi phải làm thuê, gánh mướn quanh năm mà vẫn không đủ ăn nên chẳng dám nghĩ đến chuyện xây nhà. Nhiều lúc nhìn ngôi nhà rách nát, xiêu vẹo, tôi tủi thân lắm, nhất là khi có mưa dông kéo đến, nhìn hai đứa con sợ hãi trước nguy cơ nhà sập đổ bất cứ lúc nào, tôi không cầm được nước mắt…”
Đang túng quẫn, tuyệt vọng, gia đình chị Yến được Bộ đội Biên phòng TPHCM tìm đến giúp đỡ. Các anh bỏ công sức và đóng góp ngày lương để xây cho gia đình chị một ngôi nhà tình thương khang trang, mang đến niềm hạnh phúc lớn lao cho gia đình chị.
Những gia cảnh bi đát, những cuộc đời trầm lặng, nhỏ nhoi ấy đã được hồi sinh.
Xích lại những miền xa
Kết quả thực hiện “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo” đã có sức lan toả mạnh mẽ trong xã hội. Nhờ những hoạt động như thế, truyền thống lá lành đùm lá rách của dân tộc lại trỗi dậy, nhắc nhở mỗi người về tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm với tổ quốc, đồng bào mình.
Trung tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Chính ủy BĐBP chia sẻ: "Cuộc vận động không chỉ là xây dựng những căn nhà mà đây chính là công trình của tình quân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần nâng cao niềm tin của dân đối với Đảng. Việc làm này một lần nữa đã góp phần làm tỏa sáng hình ảnh bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân".
Sau hơn 3 năm triển khai, chương trình Mái ấm biên cương đã huy động được hơn 270 tỷ đồng, xây dựng được gần 700 ngôi nhà đại đoàn kết, hơn 250 công trình dân sinh… Đó là những con số biết nói kéo những miền xa của tổ quốc xích lại gần nhau. Gần lại hơn với sự phát triển và đi lên của đất nước. Gần lại hơn trong trái tim của mỗi người.
Minh Tâm (TH)
Giải thưởng “Khi Tổ quốc cần” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khởi động. Giải thưởng sẽ được trao cho các cá nhân, tập thể có công trình, chương trình, dự án được tổ chức thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến tháng 9-2011, có giá trị về an sinh xã hội, đối tượng thụ hưởng lợi ích rộng và thời gian thụ hưởng lâu dài, trong đó ưu tiên những cá nhân có độ tuổi không quá 40, có thành tích đặc biệt xuất sắc, có ý chí nghị lực phi thường đóng góp nhiều cho cộng đồng và những dự án không sử dụng nguồn lực nhà nước. Giải thưởng sẽ được trao vào ngày 14/10 nhân kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam (15/10/1956- 15/10/2011). Danh sách 10 tập thể và cá nhân nhận giải: 1. Công trình “Góp đá xây Trường Sa” - Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh 2. Trung tâm Thông tin về liệt sỹ - Ngô Thị Thúy Hằng 3. Chương trình “Nhà Nhân ái” - Trung ương Hội LHTN Việt Nam 4. Chương trình “Mái ấm biên cương” - Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng 5. Chương trình “Đồng hành với ngư dân trẻ ra khơi” - Báo Thanh niên 6. Chương trình “Cùng nông dân ra đồng” - Cty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang 7. Chương trình “Tiếp sức mùa thi”- Cty cổ phần Tập đoàn Thiên Long 8. Chiến dịch “Tình nguyện Mùa hè xanh” - Hội LHNT Việt Nam và Hội Sinh viên Việt Nam TP Hồ Chí Minh 9. Chương trình “Sẻ giọt máu đào- Trao niềm hi vọng” - Hội Thanh niên vận động hiến máu nhân đạo thuộc Hội LHTN TP Hà Nội 10. Chương trình xã hội của Công ty cổ phần ôtô Trường Hải. |