
Lá phiếu của sự trưởng thành
Vừa tròn 18 tuổi vào ngày 19/5/2011, Trần Ngọc Linh, lớp 12A6 THPT Ngọc Hồi – Thanh Trì – Hà Nội háo hức cầm lá phiếu đi thực hiện "quyền công dân" của mình.
Linh được vinh dự bỏ lá phiếu đầu tiên tại hòm phiếu thuộc Tổ dân phố số 9 Khu tập thể Cơ khí xây lắp số 7 xã Liên Ninh ,Thanh Trì, Hà Nội.
|
Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền háo hức đi bầu cử |
Nghe tâm sự của con trai trong ngày bầu cử, ông Trần Long không khỏi xúc động. “Đây sẽ là sự kiện đáng nhớ trong hành trình trưởng thành của con trai tôi. Khi con người sống có trách nhiệm, ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình và nhận lĩnh trách nhiệm ấy, con người ấy đã lớn, có thể gọi tên cách cháu trở thành một người lớn theo nghĩa đó” – ông Long nói.
Nguyễn Hùng Sơn – sinh năm 1990, sinh viên lớp Luật Hành chính 33C ĐH Luật Hà Nội cũng không giấu nổi niềm tự hào khi lần đầu tiên được thực hiện quyền công dân của mình: “Qua phần giới thiệu các ứng cử viên, tôi được biết có rất nhiều công dân 8x ứng cử vào hội đồng nhân dân các cấp, thậm chí ứng cử cả đại biểu Quốc hội. Họ là những tấm gương thật đáng học hỏi cho tinh thần dám nghĩ, dám làm của thế hệ trẻ Việt Nam. Tinh thần đó là sự tiếp nối của ngọn lửa của tuổi 20 “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai” của ông cha chúng ta”.
Là một sinh viên ĐH Luật, sự kiện lần đầu tiên được đi bỏ phiếu của Sơn càng trở nên ý nghĩa, khi những bài học về Hiến pháp, Pháp luật, Quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân đã hiện thực hóa trong đời sống bằng chính lá phiếu cậu cầm trên tay: “Với trách nhiệm là một cử tri trẻ tôi ý thức được trách nhiệm của mình mong cuộc bầu cử sẽ thành công và quan trọng nhất là bầu ra được những đại biểu thực sự xứng đáng, thực sự xuất sắc, đủ đức đủ tài, ý thức được trọng trách và trách nhiệm lớn lao của mình trước nhân dân, trước đất nước, cùng chung tay xây dựng đất nước”.
Và theo cách của riêng mình, Sơn gọi đó là lá phiếu bầu chọn tương lai của tuổi 20 đã trưởng thành.
Chọn người "dám nói, dám làm"
Cùng với sự háo hức khi lần đầu tiên được cầm lá phiếu, các bạn trẻ cũng rất thận trọng trong việc lựa chọn ứng viên. Tiêu chí lựa chọn ứng viên của các bạn trẻ không chỉ dừng lại ở đức, ở tài mà còn ưu tiên chọn những người trẻ, dám nói dám làm.
Phạm Sỹ Khiêm (Sinh năm 1993, Học sinh trường Hà Nội Amsterdam) đến điểm bầu cử số 5, P. Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy từ 6h30 sáng để dự lễ khai mạc. Khiêm muốn nghe lại một lần nữa quy chế bầu cử cũng như đọc lại tiểu sử của các ứng viên.
|
Khiêm (áo trắng đeo kính) đến từ 6h30 sáng để cùng mọi người tham dự Lễ khai mạc tại điểm bầu cử số 5, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy |
"Mình nghĩ những người trẻ tuổi sẽ có tư tưởng và hướng suy nghĩ mới để tạo nên những đột phá. Họ gần với thế hệ của chúng mình nên sẽ hiểu tâm tư, nguyện vọng cũng như yêu cầu của chúng mình, từ đó hoạch định đường lối, chính sách có lợi hơn cho những… người trẻ”, Khiêm nói thêm.
Phần lớn các cử tri trẻ đều mong muốn ứng viên mình lựa chọn phải có đủ đức, đủ tài, dám nói dám làm để bày tỏ được mong muốn của nhân dân nói chung, những người trẻ nói riêng.
"Người đại diện cho tiếng nói của nhân dân thì phải sống gần nhân dân, hiểu nhân dân, dám lên tiếng trước những vấn đề dân đang bức xúc. Đồng thời cũng phải là người có tri thức để bày tỏ quan điểm, tiếng nói ấy một cách thuyết phục trước Quốc hội", Bùi Thị Liên (Lớp Xuất bản K29, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ.
ƯU TƯ VÀ KIẾN NGHỊ CỦA 9X
Nguyễn Hùng Sơn (Sinh năm 1990, Lớp Luật Hành chính 33C ĐH Luật Hà Nội): Giải quyết lạm phát, "bão giá"
Ở một góc nhìn khác, tôi cũng mong Quốc hội sẽ đề ra những chiến lược phát triển kinh tế bền vững, tránh chạy theo tăng trưởng nhanh, nóng với sự chi phối của các nhóm lợi ích. Một nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, hội nhập sâu và rộng, cùng với sự bất bình đẳng được xóa dần, chính là mong muốn lớn nhất của cử tri 9X vào lá phiếu bầu cho tương lai của mình”
Nguyễn Quỳnh Chi – (Sinh năm 1992, Lớp Quản lý Xã hội K30, Học viện Báo chí và Tuyên truyền): Chú trọng công tác giáo dục, hỗ trợ sinh viên
Được chọn là một trong 3 cử tri tham gia bỏ phiếu đầu tiên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một điều may mắn và đặc biệt đối với tôi trong lần đầu tiên tham gia bầu cử. Tấm thẻ cử tri mang tên Nguyễn Quỳnh Chi hôm nay cho tôi những cảm nhận và ý nghĩa đặc biệt. Dù bạn là một người bình thường hay kém may mắn thì bạn vẫn là một công dân với đầy đủ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, có như thế nào thì vẫn có thể cống hiến cho đất nước.
Và cũng như rất nhiều những cử tri trẻ trong ngày hôm nay tôi mong muốn sẽ lựa chọn được những người tài, đức. Tôi mong các đại biểu trúng cử lần này sẽ thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình, nói lên tiếng nói của nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đồng thời quan tâm và chú trọng hơn nữa đến công tác giáo dục, có nhiều chính sách hỗ trợ tạo điều kiện để thế hệ trẻ phát triển tài năng của mình.
Trần Ngọc Linh (Sinh năm 1993, Lớp 12A6 THPT Ngọc Hồi – Thanh Trì – Hà Nội): Tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho 9x
Tôi mong muốn những đại biểu Quốc hội lần này sẽ quan tâm sâu sắc hơn vấn đề tạo dựng những sân chơi và xây dựng một đời sống tinh thần lành mạnh, tiến bộ, đa chiều cho giới trẻ. Những chương trình giải trí vô bổ, những trang diễn đàn, blog đen, bẩn, những vòi bạch tuộc gameonline cần được quản lý chặt chẽ, thậm chí xóa bỏ. Bên cạnh đó, cần đầu tư, phát triển cho thế hệ trẻ nhiều hơn nữa những thư viện, nhà văn hóa, những công viên cây xanh, hay những sân chơi lành mạnh, bổ ích cho 9X Việt.
Hồng Khanh (ghi) |
La Hoàn