- Miền Bắc đang giữa vụ rét đậm, từ phương Bắc từng khối khí lạnh tràn về mang theo cái rét tê tái. Nhiệt độ hạ xuống tới 6oC, ngồi trong nhà mà lạnh cóng tay. Dân tình xao xuyến chống rét, đổ xô đi mua áo ấm và các loại quạt, đèn sưởi. Người nghèo mưu sinh ở ngoài trời, "áo khăn chưa ấm thân mình", vơ vội cành củi nhóm đống lửa để thêm nhiệt chống rét. Gió từng cơn se sắt cố chui qua mọi kẽ hở, xuyên qua những lần vải đưa hơi thở lạnh cóng của thần gió Bấc vào thân người.

Đi ngang đường, nhìn ngọn khói bốc lên từ một thân gỗ cháy dở, những đám than đỏ hồng mỗi cơn gió ùa qua, tự dưng nhớ nao lòng! Những ngọn lửa xa xăm trong ký ức, tưởng chừng đã nguội lạnh, mà vẫn âm ỉ, hương khói thời gian bay về nồng đượm hơn trong cái giá rét ...

Bếp rơm và kiềng ba chân

Ngọn lửa đầu tiên và mang nhiều kỷ niệm yêu thương nhất đối với tôi là cái bếp rơm ở quê. Ở nông thôn hồi những năm 80 chủ yếu đun bằng rơm. Mùa lúa chín, bà con dùng liềm cắt lúa tới tận gốc, bó thành từng bó đem ra máy tuốt quay hết thóc, còn lại những thân rạ đem tãi ra đường phơi khô thành rơm. Ngày mùa, hương lúa ngọt ngào, thơm nồng khắp những con đường làng. Từng đám rạ được trải đều ra mặt đường như lớp thảm dày. Lũ trẻ ở quê không có đồ chơi hiện đại, chúng sáng tạo ra đủ trò đủ thức theo mùa.

Khi lúa gặt về, chúng tôi kiếm những thân lúa già và cứng, chưa bị giập nát, cắt phần gần mấu, làm thành cái kèn lúa, thổi kêu toe toe. Lúa mới thân ngọt như mía, có đứa thổi chán hoặc làm kèn bị "tịt" không kêu, liền nhai ngay cái kèn của mình, nuốt hết cái nước ngọt rồi nhả bã ra như người ta ăn kẹo cao su. Chúng tôi còn cắt lấy những đoạn ống rạ, pha nước xà phòng loãng chơi trò thổi bong bóng. Những quả bóng màng xà phòng rời khỏi đầu ống rơm, bay lửng lơ tứ tung, trên mặt bóng loang lổ những đám màu xanh đỏ, chuyển động liên tục cho tới khi bóng vỡ mới thôi, rất đẹp mắt và thú vị.

Rạ phơi già nắng khô quắt thành rơm vàng óng. Bà con phơi rơm ở đường cái ngoài đồng, vơ thành những đống rơm lùm lùm ven đường, rồi gánh về nhà. Cái đòn gánh rơm là những đòn càn tre đực dài thườt thượt được phơi bóng nước bồ hóng trên gác bếp, đến mùa mới lấy ra dùng. Rơm được bó thành những gánh to đùng, như hai cái bồ đu chĩu hai đầu đòn càn, nhìn từ xa người gánh lọt thỏm, chỉ thấy hai đụn rơm đu đưa di chuyển.

Rơm gánh về sân nhà rồi được đem đánh thành cây rơm ở một khoảnh sân cao ráo. Những lớp rơm được dải ra đều đặn, xếp thành từng lớp, ken chặt vào nhau tạo thành cây rơm cao ngút. Phải là người có kinh nghiệm mới biết đánh nóc cho cây rơm. Từng thân rơm rời rạc vậy mà kết thành cái phần nóc như nóc nhà, mưa xối xả cũng không ngấm ướt xuống được. Qua một thời gian, sương gió và nắng làm những lớp rơm trên nóc ải dần, ngả sang màu nâu bạc, khiến cây rơm trông như một cây nấm bạc đầu.

Hàng ngày trước khi nấu cơm tôi ra rút rơm cho vào bếp để đun dần. Phải những mùa cây rơm đánh quá chặt, sức trẻ con yếu, kéo oằn tay mà chỉ lôi ra được từng nắm rơm nhỏ. Có lần "ăn gian" dỡ lớp rơm phía trên cho "nhàn", thế là cây rơm bị dột nóc, bà la cho một trận và mất công đánh lại nóc rơm. Cái cây rơm ấy là bao kỷ niệm tuổi thơ, nơi chúng tôi chơi trốn tìm, nơi chú mèo vàng ngồi rình bắt chuột, con trâu đen hiền lành nằm nhai rơm trệu trạo, nơi gà mẹ và đàn con tíu tít nhặt những bông thóc còn sót lại. Mùa chim làm tổ, từng bầy chim sẻ, chim ri sà xuống nhặt những cọng rơm tha lên cây làm tổ.

Cái bếp rơm thật đơn sơ, chỉ cần ba "ông đầu rau" nặn từ đất sét phơi khô hoặc cái kiềng ba chân đặt vào một góc bếp là thành chỗ đun nấu. Có cả một "nghệ thuật" đun rơm. Bà tôi bảo, vào bếp biết tính đàn bà con gái, người nào ăn ở gọn gẽ thì cái bếp ngăn nắp, người nào bừa bãi thì rơm rạ nồi niêu vung vẩy khắp nơi. Người nào khéo đun thì tốn ít rơm, khói ít mà cơm ngon chín tới. Kẻ vụng thì vơ từng nắm rơm to mà "đốt" chứ không gọi là "đun" nữa, thế là "trên sống dưới khê, tứ bề nhão nhoét". Những bài học đun rơm ấy tôi nghe bà chậm rãi kể mỗi khi hai bà cháu ngồi nấu cơm trong bếp mùa lạnh. Những lúc ấy thật thích thú. Hơi lửa ấm rát cả da, rám nẻ đỏ ửng cả hai má. Con mèo nhà cũng lăn vào bếp sưởi ấm. Nó ngồi bên cạnh gừ gừ ra điều dễ chịu quá, có lúc nó lăn vào tro mà nằm, xém cả lông. Ở quê 4-5 tuổi là đã bắt đầu biết nấu cơm. Sau khi "học" đủ, tôi bắt đầu được giao nhiệm vụ nấu cơm và đun canh mỗi bữa.

Cái nồi nấu cơm thường là nồi gang đúc, đủ dầy để chịu lửa mà không dễ bị khê cơm như nồi nhôm. Lúc đầu đun to lửa cho nước sôi lên, rồi lấy đôi "đũa cả" to bề "ghế" cho đều, đun liu riu một lúc, nhỏ lửa để không khê cơm, trước khi bắc nồi ra ủ thì làm một vòng rơm xung quanh nồi đốt cho chín đều. Một lớp tro nóng còn đượm than được tãi ra xung quanh nồi, thêm một lần tro nguội tấp vào xung quanh, cứ để thế một lúc là cơm chín. Cái vung nồi phải nèn thật chặt để không mất hơi và tro không lọt vào.

 Tuy thế khi đun bằng rơm, lớp cơm trên cùng vẫn luôn dính một ít tro và hơi ngả màu vàng do hơi lửa, nên khi ăn thường gạn đi để dành cho bọn chó mèo. Bà tôi bảo tro ấy là muối khoáng, vùng "dân tộc" thiếu muối họ còn phải ăn tro thay muối, nghe vậy tôi nhai miếng cơm dính tro mà thấy ngon lành. Mùa đông đun rơm thật thích, còn mùa hè thì thật nóng nực, đun xong nồi cơm, mặt đỏ ửng, mồ hôi nhễ nhại, hoen cả tro ra mặt. Buổi trưa nấu cơm xong tôi hay rủ chú bạn cùng ngõ chạy ra sông trước làng tắm ào một cái rồi mới về ăn cơm. Những ngày khô ráo, rơm hong cháy nỏ; ngày mưa rơm ướt đun khó cháy, hay tắt lửa và khói cay nhèm mắt.

Có cả một "văn hóa" xung quanh những rơm tro ấy. Cũng là một phần của nền văn hóa lúa nước. Ngày mùa những bó rơm nếp được xếp cẩn thận cho sóng mượt, rồi bà tôi dùng rơm ấy bện thành cái chổi quét nhà. Phải là rơm nếp mới dày và cứng thân. Bọn trẻ con, những đứa con gái khéo tay, tết rơm thành những đoạn thừng như tết tóc đuôi sam, rồi buộc thành những hình thù đẹp mắt làm đồ chơi. Rơm ấy, ngày rét chúng tôi bện làm mồi, ra đường hoặc đi học, đi chăn trâu mang theo, nó cứ cháy âm ỉ, thi thoảng ghé mặt thổi phù phù cho than đượm lên, có hơi lửa vào là ấm ngay. Bọn trẻ chăn trâu ngoài đồng là nghịch ngợm nhất, chúng lấy rơm hun hang chuột cho cả nhà chuột ngạt thở chạy ra mà bắt lấy rồi thui rơm ăn ngon lành như ăn thịt gà nướng.

Rơm ấy cũng được dùng làm cái ổ cho cả người và gia súc. Những ngày rét đậm, thời đó nghèo và hàng hóa khan hiếm chưa có đệm mút, bà tôi rải một lớp rơm dày ra sàn nhà rồi trải chiếu lên, thành cái đệm rơm ấm áp vô cùng. Khi con gà mái cục tác bới gốc rơm đòi làm tổ, bà tôi rút rơm bện thành cái ổ gà đặt vào bếp hoặc chuồng lợn cho chị ta nhảy ổ đẻ trứng. Ổ rơm cũng được trải cho lũ chó, trâu và lợn trong những ngày giá rét.

Thời "hợp tác" và "hậu hợp tác", nghĩa là những năm 80, rơm là chất đốt chính ở quê. Năng suất trồng lúa không cao nên thường thiếu rơm. Chưa đến mùa gặt mà cây rơm nhiều nhà đã vơi gần hết. Bọn trẻ chúng tôi được giao nhiệm vụ đi nhặt lá, kiếm củi và mót rạ về đun. Chúng tôi đi dọc những con đường nhiều cây xà cừ, nhặt từng cái lá xanh lá vàng cho vào bao tải mang về. Những tay tre khô hay gốc tre bị đẵn bỏ cũng được tích trữ để đun. Rạ thì mót ở những ruộng cày khô phơi cho ải đất.

 Những gốc rạ khi gặt còn sót lại được nhổ lên rũ cho sạch đất. Đun bằng rạ khó cháy mà nhiều khói, tuy vậy, thiếu chất đốt nên cái gì đốt được cũng phải dùng. Thậm chí phân trâu bò cũng được người ta hót về nhà, trộn với mùn cưa hay trấu, phơi cho khô để đun. Những buổi đi nhặt lá, mót rạ, là những buổi đi chơi thích thú với bọn trẻ. Chúng không hề cảm thấy khó nhọc mà còn khoái chí vì kết hợp với việc thu gom, chúng tha hồ nô đùa ngoài đường ngoài ruộng.

Bây giờ nhiều thứ để đun tiện lợi hơn nên ở quê người ta cũng ít đun rơm. Ngày mùa rơm được phơi ngay ra ruộng rồi gom lại đốt lấy tro bón ruộng. Khói đốt đồng bay mù mịt. Có những lần khói ấy bay vào thành phố tạo ra một màn sương mờ ảo. Giờ đi qua những thửa ruộng ngày mùa, trông người ta đốt rơm mà tôi thấy nao lòng, những bếp than khò, bếp gas đã thay thế dần bếp rơm, và những "văn hóa" quanh đám rơm rạ ấy đã mất dần đi. Những trò chơi quanh đống rơm, những cái ổ rơm ấm áp, những hơi tro khói bếp, những tình cảm bà cháu ấm áp bên bếp rơm, đã lùi vào dĩ vãng như làn khói mỏng bị gió cuốn đi tan biến ...

Bếp củi và những nồi bánh

Ai từng sống ở nông thôn hồi bé đều có kỷ niệm khó quên với những nồi bánh. Đối với tôi, hai món bánh có hương vị đặc biệt nhất của làng quê Bắc Bộ là món bánh chưng và bánh khúc. Bánh chưng được làm vào ngày Tết. Còn bánh khúc thì ra Giêng, ngày rộng tháng dài, khi "mưa xuân phơi phới bay", khí trời ẩm ướt giục những mầm cây ngọn cỏ sinh sôi nảy nở, ở những thửa ruộng chưa cày, giống cây tầm khúc mọc lên la liệt. Khi ấy chúng tôi rủ nhau lên đồng hái rau khúc về làm bánh. Giống cây ấy lá xanh, thân bạc phong sương, hoa vàng nhỏ li ti, mọc chi chít khắp mặt ruộng. Mùa xuân cánh đồng chưa cày nhìn như một tấm thảm khổng lồ với những hoa văn cầu kỳ do đám cỏ và rau khúc xanh mởn tạo ra.

Chúng tôi thoăn thoắt tay hái, chẳng mấy chốc đầy một rổ. Có hai thứ khúc là khúc nếp và khúc tẻ, khúc tẻ lá to hơn nhưng làm bánh ăn không ngon, mịn bằng khúc nếp. Khúc hái về, bà tôi đem rửa thật kỹ, rồi cho vào cối đã giã nhuyễn, lọc bỏ những thân cẳng. Gạo và đỗ xanh bà chuẩn bị từ ngày hôm trước, ngâm cả một đêm cho ngẫu ra, rồi cho gạo vào cối xay thành bột. Bột ấy trộn với khúc đã giã thành một thứ rất dẻo và dính. Đỗ xanh thổi xôi rồi lặn thành từng viên tròn làm nhân, thêm ít hạt tiêu cho thơm.

Nếu có thịt mỡ thì cho vào nhân ăn béo ngậy. Nhưng ngày ấy vẫn nghèo, thường thì chỉ có nhân đậu xanh thôi. Bà lăn những cái bánh đã nặn vào gạo nếp thành lớp áo xung quanh rồi cho tất cả vào cái chõ xôi bằng sành, đem đồ lên. Mấy bà cháu ngồi quây quần bên cái bếp củi liu riu. Mùi rau khúc và cơm nếp bốc lên thơm nồng. Bà tôi lại đọc mấy câu vè về bánh khúc cho các cháu nghe:

Bánh khúc bánh khuỷu
Bỏ vào nồi trõ
Đen như cứt trâu
Công mẹ làm lâu
Thời con ăn vậy

Đun tới khuya bánh mới chín. Nhiều lần chúng tôi đã lăn ra cái ổ rơm trải quanh bếp ngủ từ lúc nào. Bà lọ mọ vớt bánh ra, gói vào lá chuối đặt lên cái rế cho ráo nước rồi lay chúng tôi dậy ăn bánh. Mọi thứ đều làm bằng tay, từ xay bột tới giã rau, nên rất nhiều công sức, chỉ những ngày nông nhàn mới kệ rệ giở ra làm được. Món bánh ấy có đủ hương vị của đồng quê Việt Nam, có tấm lòng tần tảo yêu thương, công lao khó nhọc của những người bà người mẹ. Sao tôi có thể quên?

Nếu bánh khúc chỉ là thứ quà ăn chơi lúc ra giêng thì bánh chưng là nghi thức quan trọng của ngày Tết. Những ngày thiếu thốn đó, có thể không có thịt, có giò, nhưng bánh chưng thì nhà nào phải có. Củi tích cả năm đem gác lên bếp cho khô. Gạo nếp cũng được tích trữ từ mùa, thường nhà nào cũng để một khoảnh ruộng cấy lúa nếp để lấy gạo làm bánh. Ở quê hay làm bánh vào ngày 30 Tết. Chúng tôi hay được giao nhiệm vụ rửa lá dong và đãi gạo. Khi các nguyên liệu được chuẩn bị đầy đủ, mấy bà cháu quây quanh gian giữa nhà gói bánh.

Chúng tôi thường lanh tranh đòi mỗi đứa đòi tự gói lấy một cái riêng của mình rồi đánh dấu vào để không ai ăn mất. Khi gói xong, thường thừa ra một ít gạo và đỗ không đủ gói lấy một cái bánh to, bà gói tay thành mấy cái bánh nhỏ để cho chúng tôi ăn ngay khi nấu xong. Bánh được cho cả vào một cái thùng to kệu đặt lên ba cái đầu rau xếp bằng gạch. Những thanh củi to gộc được nhóm lên và nồi bánh chưng đã bắt đầu không khí Tết từ chiều 30. Chúng tôi quây quần bên nồi bánh. Thi thoảng ném những vốc trấu vào cho lửa cháy to thêm. Tôi hay lấy một thanh củi nhỏ đập đập vào gạch cho bắn lên những tàn than rực đỏ như pháo hoa, chúng tôi gọi đó là pháo hoa củi. Ngồi bên nồi bánh nghi ngút ấm áp, chúng tôi lấy tam cúc ra chơi, có khi bày trò đứa nào thua thì lấy than vẽ râu vệch vãi cả mặt như thằng hề. Kết hợp nấu bánh, chúng tôi thủ mấy củ khoai lang bỏ vào nướng.

Khi nồi bánh vừa xong cũng là lúc giao thừa sắp tới. Những cái bánh thẹo được bóc ra ăn ngay, còn lại được nèn cho vuông vắn. Mấy cái bánh vừa vớt ra, còn nóng hôi hổi, được bày ra mâm cỗ cúng giao thừa ngoài trời. Đêm 30 trời rét căm căm, tối đen như mực. Tôi bé nên thường được để phần châm pháo giao thừa. Rét run lập cập, tay lẩy bẩy cầm tờ giấy châm bánh pháo. Tạch đùng, tạch đùng ... thế là năm mới đến rồi, tiếng pháo râm ran khắp nơi báo hiệu mùa xuân mới đã về.

Những cái bếp thời bao cấp
Hà Nội những năm cuối 80 đầu 90 là thời kỳ cuối của thời bao cấp. Ở thành phố chỉ có thể đun bằng dầu hoặc điện. Dầu được phân phối theo tiêu chuẩn. Hồi ấy nhà tôi còn ở khu tập thể ngoài bờ sông. Hàng tháng mậu dịch phát dầu ở cây xăng Tôn Đản, hôm nào có dầu là cả khu tập thể í ới gọi nhau mang can và tem phiếu ra xếp hàng đong dầu. Bếp dầu do nhà máy sản xuất tráng men chịu nhiệt, đun một thời gian cặn dầu cáu bẩn két đầy các khe. Tôi nhớ mẹ luôn có một cái que sắt nhỏ để khều bấc và cặn dầu. Mỗi khi thay bấc, những cái bấc mới còn xoăn tít rủ xuống bình dầu như một mớ tóc phi-lê. Bấc được mua ở Bách hóa Tổng hợp (chỗ Tràng Tiền plaza bây giờ), hay ở cửa hàng Kim khí điện máy (chỗ góc Phan Chu Trinh - Tràng Tiền).

Có cả một quầy chuyên về bếp dầu và các phụ kiện vì người ta phải thay bấc hay thay cái chụp luôn luôn. Các nhà ở khu tập thể thường để dành một vài chai đến Tết đem về biếu các cụ ở quê dùng để thắp đèn dầu, vì ở thành phố cán bộ công nhân viên mới có tiêu chuẩn đong dầu. Điện được cấp miễn phí nên các nhà rú nhau đun điện trộm, bởi vì sở điện cấm đun điện do còn thiếu điện. Bếp điện chỉ là bếp dây mai-xo đơn giản. Ở phố Hàng Bông có hàng loạt các cửa hiệu chuyên bán và sửa chữa các loại bếp điện, quạt điện, xuýt-von-tơ.

Những người đi "Tây" (Liên Xô, Đông Âu, Đông Đức) gửi qua đường biển về rất nhiều bếp điện được dân phe bán la liệt ở chợ Trời Nguyễn Công Trứ. Chợ Trời thời ấy là trung tâm hàng Liên Xô, đủ các thứ hàng "công-ten-nơ" buôn từ Liên Xô về: bàn là, phích nước đá, tủ lạnh Xa-ra-tov, bếp điện, nồi áp suất, ... Nói chung bếp điện lúc đó vẫn là một thứ xa xỉ, chỉ thi thoảng mới "được" dùng một cách vụng trộm. Chất đốt chủ yếu vẫn là dầu.

Sang những năm 90, bao cấp bị dỡ bỏ, dầu khan hiếm, than tổ ong bắt đầu tràn về. Nhà nhà đun than tổ ong. Mẹ tôi thường mua cả xọt than về tích trữ dùng dần. Mỗi lần nhóm than nấu bếp là cả một cực hình, phải chẻ những thanh củi nhỏ, cho thêm giấy vào đốt lên thật to rồi quạt tay phành phạch hoặc đem quạt con cóc thổi vù vù, viên than mới chịu bén lửa. Vì thế mới có cách ủ viên này kế tiếp viên kia cho đỡ phải nhóm. Cái bếp than tổ ong ấy giờ vẫn còn được dùng, nhất là ở những hàng quán phải đun nấu nhiều.

Khói than rất độc hại, mỗi sáng ra từng cái bếp than được nhóm bên vỉa hè, hun khói mù mịt vào người đi đường. Một thời gian sau, khi dầu rẻ hơn và dễ mua hơn, như nhiều nhà khác, chúng tôi lại quay về đun dầu. Thế là cái bếp dầu vẫn đồng hành cùng nhà tôi cho tới năm 2000, khi bếp gas đã thịnh hành. Ngọn lửa văn minh đã đẩy lùi mùi dầu hôi cũ kỹ còn xót lại từ thời bao cấp.

Những cái bếp dầu, bếp than của thời bao cấp không gợi lên cho tôi những kỷ niệm yêu thương nồng ấm như cái bếp rơm, bếp củi, bếp trấu ở quê, mà chỉ là những ký ức về một thời nhọc nhằn, ấu trí, cực khổ của xã hội Việt Nam. Phải chăng có một dòng thời gian, một dòng văn hóa, một dòng lịch sử chảy qua những cái bếp đun ấy?

Những ngọn lửa tâm linh

Lúc nhập trạch về nhà mới, anh bạn tôi dặn cúng xong thì phải bật bếp đun một nồi nước, thế gọi là khai bếp. Mà phải dùng bếp có ngọn lửa như bếp gas, bếp dầu, chứ không phải bếp điện, bếp từ - những loại bếp sinh nhiệt mà không có lửa đó gọi là có tinh mà không có tướng, không phải là thứ lửa của ông vua bếp. Thắp ba nén hương lên bàn thờ, bật cái bật lửa gas châm ngọn đèn dầu leo lét, tôi bắt đầu cúng xin thần linh thổ địa cho gia đình nhập vào nơi ở mới. Rồi ra bật cái bếp gas châm nồi nước khai bếp.

Hóa ra, dù không còn cái bếp rơm với ông đầu rau, ngọn lửa vẫn giữ một vai trò tâm linh đặc biệt trong nhà của người Việt. Có lẽ với dân tộc nào cũng thế, lửa là nguồn nhiệt, nguồn sống. Cái phát minh từ thuở hoang sơ ấy đã làm cho con người có cuộc sống khác với lũ động vật chỉ biết ăn tươi nuốt sống, chỉ biết lấy da, lông tự nhiên làm vũ khí chống rét. Lửa là hơi ấm, là dấu hiệu của cuộc sống con người. Thần Hỏa và vua bếp vẫn luôn có một vị trí đặc biệt trong tâm linh của người Việt ta. Chả thế mà những người bán hàng, vốn hay mê tín, khi ế ẩm vẫn lấy một tờ giấy làm phép đốt vía đó thôi?

Những thời gian khó đã dần lùi xa. Những ngọn lửa hiện đại như bếp gas, bếp từ, bếp điện đã thay thế hết những loại bếp sơ khai, cũ kỹ và bất tiện như bếp rơm, bếp dầu, bếp than ấy. Nhưng những cái bếp hiện đại dù làm cho cuộc sống của tôi tiện lợi, dễ chịu, song chẳng đọng lại trong tôi những tình cảm lung linh như cái bếp rơm của bà cháu tôi ngày xưa. Những ngọn lửa mộc mạc, tự nhiên ấy gắn với hơi rơm, hơi củi, dù khói có cay nhèm mắt, vẫn là những ngọn lửa tình cảm và tâm linh thiêng liêng.

Giờ con đã lớn, bắt đầu vào cái tuổi như Khổng Tử nói, tam thập nhi lập, đã đi đó đây, đã dùng những cái bếp Tây bếp Tầu, song cái bếp rơm ngày ấy vẫn âm ỉ ngọn lửa nồng ấm tình người trong con. Giờ Người đã đi xa mãi, cỏ đã mọc xanh mồ, mỗi khi về đứng trước mộ Người, thắp nén nhang nghi ngút, đốt mớ tiền vàng mã mà gió đồng thổi lồng lộng cuốn bay ra xa, không biết những khói hương ấy có làm ấm lòng Người ở nơi nào xa lắm hay không?

Những ngày đại hàn cuối năm Canh Dần 2010

Kính lạy hương hồn bà!

  • Trịnh Hiệp