XEM CLIP:

Tại Ninh Bình: Chiều 20/7, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Anh Dũng thông tin, UBND tỉnh đã ban hành công điện về việc tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ.
Theo đó, UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể, thành viên Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh và UBND các xã, phường khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó.
Từ 7h ngày 21/7, nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi; đến 12h cùng ngày phải hoàn tất việc neo đậu, trú tránh an toàn.
Từ 17h ngày 21/7, tạm dừng hoạt động các tuyến đò ngang, đò dọc trên toàn tỉnh cho đến khi bão tan. Triển khai phương án di dân khu vực cửa sông, ven biển, khu vực dân cư sinh sống, hoạt động tại các bãi sông, khu vực có nguy cơ sạt lở, không đảm bảo, không an toàn vào nơi tránh trú an toàn trước 12h ngày 21/7.

Trao đổi với PV, lãnh đạo Chi cục Thủy sản - Kiểm ngư tỉnh Ninh Bình cho biết toàn tỉnh có 1.861 tàu cá và có 5.724 lao động trực tiếp trên biển.
Tính đến 16h ngày 20/7, đã có 1795 tàu cá vào bờ tránh trú bão số 3 an toàn. Số tàu, thuyền còn lại đang di chuyển vào bờ.
Ghi nhận chiều ngày 20/7, tại cảng Ninh Cơ (tỉnh Ninh Bình), công tác chuẩn bị ứng phó bão diễn ra vô cùng khẩn trương.

Nhiều ngư dân đã chủ động đưa tàu cá về bờ, kiểm tra dây neo, gia cố, chằng buộc toàn bộ thân tàu bằng các dây thừng lớn.


Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Nam Định cho biết, cảng cá Ninh Cơ hiện có hai âu neo đậu với sức chứa khoảng 200 tàu. Tính đến 18h ngày 20/7, có 104 tàu cập bến tại cảng cá Ninh Cơ; tại khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão Hà Lạn có 149 tàu đã cập bến và tại khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão Quần Vinh có 195 tàu cập bến an toàn.
"Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, Ban Quản lý đã huy động 100% quân số, túc trực 24/24 để kịp thời xử lý mọi tình huống có thể xảy ra”, ông Chung cho hay.



Tại Thanh Hóa: Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa cho biết, đã ban hành Công điện số 05 về việc cấm biển từ 8h ngày 21/7.
Theo đó, yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, phường ven biển, các địa phương có hoạt động nghề cá và các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức cấm biển trên địa bàn toàn tỉnh từ 8h ngày 21/7 cho đến khi bão không còn ảnh hưởng.
Các địa phương được yêu cầu giám sát chặt chẽ, tuyệt đối không để tàu thuyền ra khơi trong thời gian này nhằm tránh thiệt hại về người và tài sản.

Đồng thời, các địa phương cần tổ chức hướng dẫn, sắp xếp và quản lý chặt chẽ tàu thuyền tại nơi neo đậu, đảm bảo an toàn đúng quy định. Tuyệt đối không được nổ máy khi phương tiện đã neo đậu. Kiên quyết không để người ở lại trên các phương tiện khi bão đổ bộ.
Ở một diễn biến khác, ngày 20/7, Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII (nhiệm kỳ 2021–2026) đã tổ chức phiên họp thứ 38 để cho ý kiến về nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 31 và một số vấn đề trọng tâm khác.
Theo kế hoạch, kỳ họp HĐND tỉnh sẽ khai mạc vào 8h sáng mai và dự kiến diễn ra trong 2 ngày (21–22/7). Tuy nhiên, trước diễn biến bất thường của thời tiết và để ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống bão, Thường trực HĐND tỉnh đã quyết định rút ngắn thời gian Kỳ họp thứ 31, khóa XVIII.