Điều cực nhất ở đây là không còn cả chỗ chôn người chết. Nghĩa địa của xã không còn một chỗ trống nữa rồi. Nhân gian vẫn cứ thường nói, chết rồi thì chỉ cần 2 m2 đất là xong, ấy thế nhưng ở Ngư Lộc kiếm được 2 m2 đất cho người quá cố là cả một vấn đề.

Từ lâu đã nghe nói ở xã Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) chật chội gần bằng phố cổ Hà Nội, chật đến nỗi người chết không có chỗ chôn, chúng tôi đã về tận nơi để mục sở thị. Một ngày đẹp đẽ, trời trong veo, mây trắng chao nghiêng cùng gió biển, bà con ùn ùn kéo về trung tâm xã tham dự Lễ hội Cầu Ngư, chúng tôi hòa mình vào không gian nên thơ ấy để cảm nhận niềm vui, ngắm nghía nhân tình thế thái.

Tất cả các làng trong xã nằm liên lu liền lù với nhau, dài theo bờ biển. Con đường giữa làng nhỏ như cái ngõ phố ở trung tâm Hà Nội, hai bên đường là nhà dân san sát, nhà nào cũng mở cửa hàng bán một thứ gì đó. Du khách tới đây sẽ có cảm giác như đang đi trong khu phố cổ Hà Nội, không khác chút nào, xe máy chạy qua chạy lại như mắc cửi, xe con thì không thể chạy vào những con đường này.

Chúng tôi đi bộ từ trụ sở xã vào khu trung tâm đang diễn ra Lễ hội Cầu ngư. Người như nêm, xe máy như nêm, chỉ cần sơ sẩy là bị xe quệt vào người. Phía trên là bờ đê chắn sóng, cũng được đổ bê tông làm đường giao thông. Đường đê trở thành đường giao thông liên thôn, liên xã một cách bất đắc dĩ vì chật chội. Người Ngư Lộc sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt và chế biến, buôn bán hải sản nên Lễ hội Cầu ngư rất quan trọng trong đời sống tâm linh của bà con.

Đến với Lễ hội Cầu ngư này mới thấy hết sự háo hức của người dân với văn hóa tâm linh, trong đó còn có cả sự cầu mong cho tôm nhiều cá lắm để cuộc sống bà con đỡ vất vả hơn. Toàn xã có 17.000 nhân khẩu mà chỉ sống trong diện tích 0,47 km2, trong đó đất ở chỉ có 0,37 km2, còn lại là đường giao thông. Tính ra thì mật độ dân số ở đây còn cao hơn ở nội thành Hà Nội. Đi dọc con đường làng chật hẹp và san sát nhà cửa bỗng thấy chẳng giống đất quê chút nào.

Điều cực nhất ở đây là không còn cả chỗ chôn người chết. Nghĩa địa của xã không còn một chỗ trống nữa rồi. Mỗi khi có người chết thì tang chủ phải chạy đôn chạy đáo đi mua đất để chôn, chạy ra các xã xung quanh, thậm chí mua của những gia đình có sẵn đất chiếm trong nghĩa địa. Nhân gian vẫn cứ thường nói, chết rồi thì chỉ cần 2 m2 đất là xong, ấy thế nhưng ở Ngư Lộc kiếm được 2 m2 đất cho người quá cố là cả một vấn đề.

Bà Phạm Thị Hà - Phó Bí thư Đảng ủy xã Ngư Lộc

Bà Phạm Thị Hà - Phó Bí thư Đảng ủy xã, đưa chúng tôi vượt qua đê ra bờ biển. Rác rưởi tràn ngập mép nước, đủ loại rác, nào là túi ni lông, vỏ chuối, giấy lộn, tất cả nổi lều phều. Mỗi khi có con sóng thì rác lại tấp vào bờ, rồi lại xô ra biển dập dềnh như một thứ ma quái.

Những con thuyền câu nhỏ đậu nối tiếp nhau làm cho biển nhỏ lại. Bà Hà cho biết: mỗi ngày toàn xã thải ra chừng 5 tấn rác, chẳng biết đổ đi đâu, đa số bà con đổ xuống biển là... thượng sách. Mấy năm trước, cấp trên hứa xây cho một nhà máy xử lý rác nhưng mãi chẳng thấy đâu, dự án chỉ nằm trên giấy. Phương án chôn lấp rác thì càng không thể thực hiện được vì làm gì có đất mà chôn, thế thì chỉ còn cách là đổ rác xuống biển mà thôi. Biển xanh là thế mà bây giờ cũng bốc mùi rồi, thân thể biển lốm đốm, chập chờn những rác chẳng khác gì một cô gái đẹp mà đầy nghẻ lở, hắc lào!

Những con ngõ trong các xóm cũng chẳng sạch sẽ hơn. Những đường cống hở bốc mùi thum thủm, vì nhà nào cũng chế biến hải sản, cũng đổ nước thải thẳng ra cống ngay trước mặt chính ngôi nhà của mình.

Lễ hội Cầu ngư rất quan trọng trong đời sống tâm linh của các ngư dân

Bà Hà cho biết: "Mùa này còn đỡ chứ mùa mưa thì nhục lắm, nước bẩn dềnh lên ô nhiễm vô cùng". Bài toán vệ sinh môi trường ở Ngư Lộc thực sự chưa có lời giải trong một sớm một chiều, thậm chí còn dài hơn nữa.

Theo như chúng tôi được biết thì dự án nhà máy xử lý rác cần kinh phí trên 40 tỷ đồng, số tiền này hiện vẫn chưa biết lấy ở đâu. Có doanh nghiệp đã về khảo sát nhưng với địa bàn xa lắc xa lơ thế này thì chưa ai dám dũng cảm bỏ tiền vào để hy vọng vận hành có lãi.

Đứng trên bãi biển buổi chiều thật tuyệt, dù rác rưởi ăm ắp nơi chân sóng cũng không thể làm cho biển kém thơ mộng. Núi Lệ đứng một mình, đẹp như một bài thơ nhưng đơn côi, không có bạn tình.

Tương truyền, núi Lệ chính là một người phụ nữ Ngư Lộc chờ chồng. Năm nào trong các xóm cũng có người đi biển không trở về và những người vợ lại khóc, gào thét cho tới khi hết nước mắt thì thôi.

Những người đàn bà Ngư Lộc còn nhớ như in, đó là vào năm 1931, trong một trận bão đã có 344 người đàn ông trong xã không trở về. Họ vĩnh viễn nằm dưới đáy biển, tất cả đều chết mất xác, một đám đại tang. Không một người vợ nào tìm thấy xác chồng, nước mắt tràn đầy ngõ xóm.

Và mới đây thôi, năm 1996, một cơn áp thấp nhiệt đới đã cướp đi cuộc sống của 44 người đàn ông, năm 2008 mất 30 người, năm 2011 mất 11 người. Còn nỗi đau nào đau hơn thế, có xót xa nào bằng vợ mất chồng, âu đó cũng là số phận, là cuộc đời, tất cả vì cuộc sống mưu sinh trên trần gian này mà thôi.

Rác rưởi tràn ngập bờ biển Ngư Lộc

Bờ biển Ngư Lộc không có bãi cát, sóng đã từng "liếm" mất một phần đất ở của làng. Nhà nước đã phải đầu tư nhiều tỷ để đổ kè bê tông giữ đất. Mỗi khi nước dềnh lên, những con sóng "thè lưỡi" táp vào kè đá soàn soạt như muốn ngoạm xé đất đai của dân lành.

Dù khó khăn còn chồng chất nhưng Đảng bộ và nhân dân Ngư Lộc vẫn xác định quyết tâm xây dựng nông thôn mới với tốc độ nhanh nhất. Một số tiêu chí có lẽ phải chỉnh sửa đôi chút cho phù hợp với điều kiện cụ thể ở địa phương. Trao đổi với chúng tôi xung quanh đề tài nơi an nghỉ của người dân Ngư Lộc, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc Nguyễn Văn Hoằng cho biết: "Đã có phương án phân cho xã Ngư Lộc một nửa nghĩa trang của xã bên cạnh rồi, cần phải quy hoạch hợp lý để sử dụng nghĩa trang có hiệu quả nhất. Có lẽ trong tương lai phải áp dụng biện pháp hỏa táng. Còn rác thải thì thực sự khó xử lý, có lẽ phương án chôn lấp vẫn là khả thi hơn cả, vấn đề là chôn lấp ở đâu".

Mặt trận và các đoàn thể đang tích cực triển khai Cuộc vận động toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Bà con nhân dân trong xã cũng đã thông rồi, thậm chí rất quyết tâm hưởng ứng chủ trương này. Một ngày không xã nữa, hy vọng thế, sẽ có một Ngư Lộc mới mẻ, văn minh.

Theo Lê Tự/ Đại Đoàn Kết