Bao lần miền Trung đối đầu với bão dữ cũng là từng ấy lần dải đất này bị chìm dưới dòng lũ khốc liệt. Những người con sinh ra trên mảnh đất này dù ở đâu khi nghe tin bão đổ bộ vào quê mình, ruột gan lại nung nấu một nỗi lòng: "Không biết nhà mình giờ ra sao?".
Gặp người bị thương khi giúp dân chạy lũ
Dân rốn lũ ngồi trên nóc nhà chờ… cứu trợ
Hình ảnh đối lập về các ‘ông huyện’ lúc bão lũ
Nước mắt sinh viên mùa lũ
“Mời các bạn nghe tin bão gần bờ…”. Trên bàn, chiếc điện thoại có loa ngoài được
mở to hết cỡ đang phát đi chương trình dự báo thời tiết của đài FM. Lại một cơn
bão nữa đang hình thành và tiến vào nước ta. Mấy đứa sinh viên năm nhất mới vào
đang xúm quanh chiếc điện thoại trông bộ dạng đứa nào cũng bơ phờ và hiện hữu
một nỗi buồn sâu đậm.
Phương, sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội buồn bã nói:
“ Nhà mình ở Nghệ An, bố mẹ sợ tớ lo nên không dám gọi điện. Tớ gọi về liên tục,
nhưng cứ khi nào mất sóng là tớ đứng ngồi không yên, như sống trên chảo lửa. Năm
nào cũng lũ lụt nên tớ biết, khủng khiếp lắm. Mà lần bão trước, nhà bị tốc mái
đã kịp sửa đâu. Đọc tin tức thấy sắp có bão cấp 8 mà tớ lo thắt ruột, nhà tớ
chắc không trụ nổi”.
![]() |
"Bão dữ thế này, quê đã nghèo giờ lại càng nghèo thêm" |
Mấy hôm nay, Tuấn Anh - quê Quảng Ngãi đang là sinh viên trường Đại học Kiến
trúc Hà Nội đứng ngồi không yên. Hàng chục lần gọi điện về nhà, hy vọng được
nghe giọng bố mẹ nói nhưng đáp lại chỉ là những hồi chuông tit tit vô vọng. Nỗi
lo cho bố mẹ và các em đang sống trong vùng tâm bão khiến cậu khắc khoải không
yên.
Cùng chung tâm trạng, Ngọc - sinh viên trường Đại học Thương mại chia sẻ: "Mấy
ngày nay, mình toàn trực bên tivi để ngóng tin. Mỗi lần nghe đến tỉnh mình ruột
cứ thắt lại. Bão dữ thế này, quê đã nghèo giờ lại càng nghèo thêm".
Bạn Huyền Trang ( Đại học Hà Nội ) đợt vừa rồi đã mua cho bố cái radio để theo
dõi dự báo thời tiết trong những ngày bão lũ. Cô bạn lo lắng: “Việc duy nhất an
ủi được mình trong những ngày vừa qua là chiếc điện thoại để liên lạc về nhà.
Lúc đầu mình chăm chú từng tin, bài viết về bão lũ, nhưng sau khi đọc những
thiệt hại do lũ ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, giờ mở báo ra mình không dám
đọc nữa…”.
Hương - tân sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, xa
nhà lần đầu nên trận bão lũ này càng làm cho bạn ăn ngủ không yên. Hương kể:
“Mình ở kí túc xá, trong khi các bạn bè đi chơi thì mình cứ ôm khư khư cái máy
tính ngóng tin bão về, thật sự mình không giữ được bình tĩnh nữa. Chỉ muốn lao
ngay về nhà, nhưng khi gọi điện cha vẫn hét trong mưa cố bình thản: Cả nhà an
toàn! Mình biết mọi người dù thế nào vẫn lo cho mình…”.
Những ngày này, người Miền Trung dù ở quê lên phố hay từ Trung ra Bắc, từ Trung
vào Nam đều hướng về quê nhà yêu dấu. Hơn ai hết họ là những người sinh ra và
lớn lên ở vùng thiên tai khắc nghiệt nên họ thấu hiểu được nỗi đau mà người dân
quê nhà đang gánh chịu. Trong số triệu triệu người con xa xứ ấy đều mang một tâm
trạng giống nhau: lo lắng, thất thần và khuôn mặt vương những nỗi buồn trăn trở…
Cộng đồng mạng cũng sôi động chuyện bão lũ
Những ngày qua, chỉ cần bạn bật tivi lên, mở ra bất cứ trang báo nào, kể cả báo
giấy hay báo mạng, đâu đâu, bạn cũng thấy những hình ảnh tang thương vì bão lũ,
mất mát vì thiên tai... và đâu đó cũng có cả những đau xót do chính con người
góp phần làm tăng thêm bất hạnh.
Nhói lòng trước cảnh bão lũ miền Trung, một bạn trẻ đã viết trên blog và làm
nhiều người nghẹn ngào: “Thương lắm miền Trung ơi! Những mảnh đời cơ cực, lam lũ
quanh năm chỉ biết đến mảnh ruộng. Những người cha người mẹ tảo tần một nắng hai
sương đánh đổi bao nhiêu mồ hôi, nước mắt lấy hạt thóc vàng nuôi lớn chúng con.
Nhưng bão lụt đến mang đi bao nhiêu niềm hi vọng. Mong cơn bão qua thật nhanh,
mong ngày mai và những ngày sau không còn những tin đau lòng thế này về miền
Trung. Miền Trung ơi!.....
Chưa bao giờ trên các mạng xã hội lại có nhiều những dòng tâm sự đầy cảm xúc như
vậy. Chủ nhân của chúng có những người không sinh ra, lớn lên tại miền Trung và
có thể là chưa một lần ghé thăm mảnh đất nơi đây, nhưng Miền Trung tựa như một
phần trái tim họ. Trái tim ấy cũng rung lên thổn thức và buốt nhói khi nghe đây
đó lại có thêm những ngôi nhà bị sập, những đồng bào bị bão lũ cuốn đi.
![]() |
Lũ chồng lên lũ |
Rải khắp các trang blog, diễn đàn, các mạng xã hội… là những bài viết, hình ảnh, trích dẫn thương về vùng bão. Không chỉ cập nhật từng tin tức, hình ảnh, hay dành những lời chia sẻ, trên hầu hết các diễn đàn, cộng đồng mạng cũng kêu gọi chung tay có những hành động thiết thực vì đồng bào.
“Người miền Trung đã nghèo thì chớ mà sao quanh năm hết lũ
lụt lại hạn hán. Đợt bão lũ này lại lấy thêm hàng chục mạng người nữa. Những
người sống sót thì thiếu ăn, trẻ em thì không có sách vở... Chúng ta hãy
nhịn ăn nhịn tiêu một chút để đóng góp ủng hộ cho miền Trung nhé”, Phương
Quỳnh, sinh viên trường Đại học Thủy Lợi viết trên Facebook của mình.
Chung tay vì Miền Trung yêu thương
Trước nỗi đau và sự mất mát đang bao trùm miền Trung bởi bão lũ, giới trẻ cả
nước có nhiều hành động thiết thực góp phần chung tay xoa dịu những đau thương
mất mát mà mảnh đất ruột thịt đang phải oằn mình gánh chịu.
Trên khắp mọi nẻo đường của cư dân mạng, từ các diễn đàn như muare, webtretho...
cho đến các mạng xã hội như Facebook, yume bất kì ở đâu cũng dễ dàng bắt gặp chủ
đề kêu gọi các thành viên đóng góp một phần nhỏ bé của mình giúp đồng bào miền
Trung vượt qua khó khăn.
Bạn Dũng, sinh viên trường Học viện Ngân hàng chia sẻ: “Xem những hình ảnh quê
hương trong ngày bão lũ và các em nhỏ bị mất nhà cửa mình thấy xúc động và buồn
vô hạn. Mình vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm đồng bào vùng lũ để động viên
mọi người, đồng thời mình cũng lên kế hoạch liên hệ với các trường để thực hiện
quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung.
|
Những hội nhóm ý nghĩa (Ảnh: LNV) |
Có nỗi đau nào lớn hơn khi chính họ - những người con sinh ra
trên mảnh đất Miền Trung này lại phải khuyên góp tiền bạc, áo quần, sách vở… để
gửi về cho quê hương mình, nơi những em thơ đang gồng mình băng qua cánh đồng
trắng nước để đến trường với những tập vở ướt mèm, nơi bố mẹ họ đang phải vượt
qua cơn đói bằng những gói mì tôm, những nắm cơm tình nghĩa…
Chưa bao giờ trên các mạng xã hội lại có phong trào quyên góp được hưởng ứng
rộng rãi như vậy. Những trang viết chia sẻ cảm xúc xót thương với đồng bào vùng
lũ của các bạn trẻ thật cảm động, những tin nhắn spam offline được giới trẻ
tiếp tục lan truyền rộng rãi cho nhau với nội dung kêu gọi ủng hộ đồng bào miền
Trung.
Hoài Thu- SV ĐH Công Đoàn cho biết: “Thực sự với sinh viên chúng em thì không
có nhiều của cải vật chất để ủng hộ đồng bào miền Trung, đặc biệt là các bạn học
sinh vùng lũ, em chỉ biết spam tin nhắn offline trong list yahoo chat của mình
và một vài mạng xã hội em tham gia để kêu gọi sự hưởng ứng của các bạn khác cùng
chung tay giúp đỡ”.
Miền Trung đang oằn mình chống chọi với thiên tai, cả nước cũng đang cùng miền
Trung vượt qua. Những tâm sự, những hoạt động ủng hộ quyên góp của các bạn trẻ
không chỉ giúp người dân vượt qua những thiếu thốn vật chất, hơn hết nó còn
truyền lửa để khúc ruột miền Trung vững lòng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Bao mùa bão lũ đã đi qua để rồi sau đó những bàn thờ được lập vội trong những
góc nhà nước còn ngập; những chiếc thuyền chênh vênh, chở những người xấu số bị
lũ cuốn trôi, những vành tang trắng trên khuôn mặt trẻ thơ, những cánh tay vẫy
vùng trong tuyệt vọng, khi bốn bề chỉ còn mênh mông nước… mãi là một hình ảnh
nhức nhối tâm can.
Thử hỏi tất cả những nỗi đau ấy lấy gì cân đong đo đếm nổi? Bão lũ đã cuốn trôi
tất cả đi về đâu xa xôi lắm, đi về đâu không ai hình dung được và cũng chẳng hẹn
ngày quay trở lại…
Lê Nho Việt