- Quá chán nản vì không thể tìm được việc làm, tủi hổ vì tấm bằng đại học bị rẻ rúng, áp lực kiếm tiền đã khiến nhiều người phải vào viện tâm thần do khủng hoảng tâm lý.

Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp cần điều trị tâm lý do khủng hoảng tinh thần liên quan đến áp lực kiếm tiền.

Vào viện tâm thần vì thất nghiệp

Tốt nghiệp ĐH loại khá Khoa Báo chí - truyền thông của một trường ĐH khá danh tiếng trên đường Nguyễn Trãi, T. Công xin được vào một công ty tổ chức sự kiện với mức lương khởi điểm 2,5 triệu/tháng. Công thực sự vui mừng và cảm thấy mình may mắn khi tìm được việc làm ngay khi ra trường.

Thế nhưng, với mức lương ấy, dù chi tiêu tiết kiệm Công vẫn chưa đủ để trang trải cuộc sống ở thời điểm bão giá này. Cuối tháng nào cũng phải vay tiền đồng nghiệp, có khi ăn mì tôm cả tuần "cầm hơi" chờ đến ngày nhận lương, Công ngày đêm suy nghĩ làm sao để được tăng lương, làm sao để kiếm đủ tiền để trụ lại Hà Nội.
Tháng 8/2009, Liu Wei - một tân cử nhân Trung Quốc đã tự tử vì không kiếm được việc làm. Điều này cho thấy áp lực việc làm, áp lực kiếm tiền không chỉ có ở giới trẻ Việt Nam mà còn nhiều nước khác trên thế giới. (Ảnh: Zing)
Đề xuất tăng lương với công ty không được, Công quyết định nghỉ việc để tìm một công việc khác. Lần này, Công lại "may mắn" khi xin được vào một công ty đấu thầu xây dựng, làm nhân viên kinh doanh với mức lương khởi điểm 3,5 triệu. Ngoài mức hoa hồng được hưởng, công ty mới hứa hẹn sẽ tăng lương nếu kiếm được những hợp đồng giá trị.

Làm việc hết mình trong 6 tháng, kiếm về cho công ty hai hợp đồng tiền tỷ nhưng Công vẫn chưa thấy lãnh đạo đả động gì đến việc tăng lương, tiền hoa hồng cũng chưa được nhận vì phải chờ bên kia thanh lý hợp đồng. Công vẫn phải chắt bóp chi tiêu với đồng lương còi cọc.

Làm kinh doanh phải đi lại nhiều, thêm tiền xăng xe, tiền nước nôi mời mọc khách hàng, mức lương 3,5 triệu của Công cũng chỉ như "muối bỏ bể". Quá áp lực về chi tiêu, Công chủ động đề nghị công ty tăng lương thì nhận được lời hứa "đợi thêm 6 tháng nữa". Thế nhưng chỉ 2 tháng sau Công đã bị sa thải vì không kiếm thêm được hợp đồng nào.

Quá thất vọng vì những gì mình đóng góp không được trả thưởng xứng đáng, chán nản vì tấm bằng đại học loại khá vẫn không kiếm được việc làm với mức lương đủ sống, Công rơi vào tình trạng ức chế, trầm cảm, phải đến gặp bác sĩ tâm thần để xin tư vấn, điều trị.
Box thông tin:

Vài năm trở lại đây, trong số các bệnh nhân bị tâm thần phải vào viện Sức khỏe Tâm thần Quốc Gia, bệnh viện Bạch Mai khám và điều trị, có tới 47% là người trẻ (dưới 30 tuổi). Và tỷ lệ những sinh viêm mới tốt nghiệp gặp phải những sang chấn, khủng hoảng tâm lý do áp lực xin việc cũng ngày càng nhiều hơn.
Điên vì không đủ tiền cưới vợ

Với tấm bằng cử nhân tin học của một trường ĐH danh tiếng cùng với kinh nghiệm làm thêm thời sinh viên, vừa ra trường N. Thanh đã được nhận ngay vào làm quản trị mạng ở một công ty truyền thông. Mức lương khởi điểm 4,5 triệu/tháng đủ để Thanh trả tiền thuê trọ, tiền ăn và tiêu xài chút ít.

Mọi việc sẽ không có gì để nói nếu Thanh chưa có người yêu. Từ khi yêu, Thanh bắt đầu lo cho tương lai nhiều hơn. Sau 3 năm gắn bó với công ty, Thanh đã được tăng lương lên 6 triệu/tháng, nhưng cũng chỉ đủ chi tiêu hàng tháng chứ chưa có tích lũy.
Áp lực cuộc sống cộng với tâm lý muốn có việc làm ngay sau khi ra trường đã khiến nhiều bạn trẻ rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý (Nguồn ảnh: Eva)
Đồng lương chỉ đủ nuôi sống bản thân Thanh, còn lập gia đình thì quả là ngoài sức tưởng tượng. Thanh bắt đầu lập kế hoạch làm sao để kiếm tiền nhanh và nhiều hơn. Nhưng lực bất tòng tâm. Càng yêu và mong mình là bờ vai vững trãi để xây dựng gia đình với người con gái mình yêu, Thanh càng thấy căng thẳng và áp lực.

Cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền, những suy nghĩ về cách làm giàu khiến Thanh mệt mỏi, hao gầy. Thanh không còn vô tư, vui vẻ như trước nữa, lúc nào cũng lo lắng mặc dù công việc vẫn ổn. Thanh luôn cảm thấy tự ti, cảm thấy mình kém kỏi khi khả năng kiếm tiền kém, sợ mất người yêu, sợ người con gái mình yêu sẽ vất vả khi lấy một người chồng không có đủ tài chính.

Chán nản vì công việc hiện tại không có cơ hội thăng tiến, căng thẳng vì tìm cách kiếm một cơ hội khác, mặc cảm với tình yêu nên Thanh bị khủng hoảng tinh thần. Thanh luôn nghĩ mình là người vô dụng, rơi vào tình trạng mất cân bằng, chán nản và khủng hoảng trầm trọng.

"Nhiều người rất tâm đắc với câu nói của một doanh nhân Mỹ rằng "Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền". Tôi luôn muốn chứng minh rằng câu nói này không đúng, rằng ít nhất, có một người không thể mua được bằng tiền cũng như không thể mua được bằng rất nhiều tiền.

Về đồng tiền, tôi đề ra nguyên tắc không nhận đồng tiền không do mình làm ra, không được đánh cắp sức lao động của người khác. Cái khó khăn nhất của con người là vượt qua sự cám dỗ của vật chất, đây là điều kiện duy nhất để mình được là mình."

Nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường - Đặng Hùng Võ

Ai sống trên đời cũng cần có tiền nhưng tiền có phải là tất cả? Thành công chỉ là kiếm được nhiều tiền? Bạn đã từng bị khủng hoảng vì áp lực kiếm tiền chưa? Hãy chia sẻ quan điểm, câu chuyện của bạn với chúng tôi theo mẫu phản hồi dưới đây hoặc gửi thư về địa chỉ: [email protected].

Kim Minh