"Chú Sỹ ơi, hôm nay chú trình diễn đàn violin cho chúng cháu nghe với nhé!", một vị khách đề nghị. "Được rồi, được rồi, các cô cậu thích bài gì. Cứ ngồi cho mát, gọi món đi, tôi sẽ phục vụ", ông Vũ Văn Sỹ (71 tuổi, chủ quán) vui vẻ trả lời.

Ông Sỹ vừa niềm nở chào khách, chỉ chỗ cất xe, xếp chỗ ngồi, trả lời câu hỏi của khách, vừa thoăn thoắt bê nước chấm, sung muối chua, nước nhân trần, thông báo thực đơn cho vợ và nhân viên phục vụ.

Trong bếp, nồi dầu nóng xèo xèo, mùi khoai, nem chua rán tỏa ra thơm nức. Từng bát ốc nóng hổi, bốc khói nghi ngút được mau chóng bưng ra.

"Bà bê lên cho khách nhé, tôi đi lấy 'bảo bối'", ông Sỹ nói nhỏ với vợ rồi chạy vào nhà, lấy chiếc hộp đựng cây vĩ cầm (violin). Ông cẩn thận lau sạch tay rồi mới mở hộp, kiểm tra cây đàn, hào hứng mang ra quán.

W-chu quan oc ha noi danh dan violin 2.JPG.jpg
Ông Sỹ kiểm tra 'bảo bối' trước giờ 'lên sân khấu'

Thấy ông bước ra, các vị khách trong quán vỗ tay chào đón. Không ai bảo ai, đều im lặng, hướng về phía ông. 

Giai điệu những ca khúc quen thuộc như Đất nước trọn niềm vui, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng,... vang lên. Ông Sỹ chơi đàn say sưa, phiêu theo nhịp nhạc, gương mặt hài lòng như đang đứng trên sân khấu lớn. 

Hình ảnh ông chủ quán mặc áo phông, quần đùi, đi dép lê, đội mũ lưỡi trai, chơi đàn violin phục vụ thực khách trong quán ốc bình dân ở con ngõ hẹp Trung Liệt, Hà Nội từ lâu đã gây sốt trên mạng xã hội.

"Vừa ăn ốc vừa nghe nhạc nghệ thuật như ở phòng trà"; "Chú chơi đàn mượt mà, phong thái như nghệ sĩ vậy"; "Nơi độc nhất vô nhị ăn ốc bình dân nhưng nghe nhạc sang chảnh như khách sạn 5 sao"... là một số bình luận của cư dân mạng.

W-chu quan oc ha noi danh dan violin 3.JPG.jpg
Thực khách hào hứng vỗ tay ủng hộ ông chủ quán 71 tuổi

Quán ốc của bà Tú Oanh (Tú Anh) - vợ ông Sỹ vốn đã đông khách từ lâu, nổi tiếng khắp khu Thái Hà, Trung Liệt. Từ ngày ông Sỹ kéo violin, quán lại càng đông hơn.

Ngoài tới quán vì món ốc ngon, nhiều người tới vì tò mò, cũng có người quay lại vì thích tiếng đàn, hay cái tính "đanh đá" mà hài hước của ông Sỹ.

"Khách gọi tôi bằng nhiều tên lắm, ông Sỹ 'khùng', 'nghệ sĩ bình dân', 'nghệ sĩ quần đùi'. Mọi người cứ thích tiếng đàn của tôi là tôi vui rồi”, ông Sỹ cho hay.

W-chu quan oc ha noi danh dan violin 5.JPG.jpg
Ngoài chơi đàn, ông Sỹ còn thích làm thơ

Ông Sỹ kể, từ thuở nhỏ, ông đã thích ca hát, tham gia văn nghệ. Khi học THPT, ông được tuyển chọn vào đội nhạc cụ để tập luyện, tham gia các sự kiện của thành phố. Đây là lúc ông bắt đầu học nhạc lý cơ bản, làm quen với đàn vĩ cầm.

"Ngày ấy, hai thành viên trong đội sẽ được dùng chung một cây violin, loại đàn do những người thợ mộc đóng. Tôi say mê lắm, có cơ hội là tập chơi liên tục, không biết chán", ông kể. Ông Sỹ từng đi biểu diễn ở các rạp tại Hà Nội, Nam Định,…

Năm 1975, ông dành tới 200 đồng để mua một cây violin. Ông chăm chút, bảo quản rất kỹ. "Ngày đó, mỗi đĩa ốc chỉ 2 hào nên cây đàn có giá trị lớn lắm", ông kể. 

Mê nhạc cụ là thế nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông Sỹ phải đi làm công nhân ở bến xe. "Năm 1992, vợ tôi vừa địu con vừa đi bán ốc rong để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Hết giờ làm tôi về phụ vợ. Cây đàn cứ nằm ở đó như một ước mơ xa vời”, ông Sỹ nhớ lại.

Bà Oanh khéo chọn ốc, sơ chế sạch sẽ, lại có tài pha nước chấm rất ngon. Chẳng bao lâu, quán ốc được người này truyền tai người kia, lúc nào cũng đông khách. Ông bà thuê căn nhà ở Thái Hà để mở quán.

Tới năm 2008, quán chuyển về trước ngôi nhà riêng của gia đình, trong ngõ Trung Liệt. "Giai đoạn này, gia đình cũng bớt khó khăn. Tôi nghĩ tới việc tập violin trở lại, khi đã 53, 54 tuổi. Những ngày đầu, các ngón tay cứng ngắc, đơ dại, chơi không nổi. Cũng mất một thời gian tôi mới dần quen”, ông Sỹ kể.

Và từ đây, cứ khi rảnh rỗi, hay có những vị khách thân quen, ông lại mang đàn ra trình diễn.

W-chu quan oc ha noi danh dan violin 9.JPG.jpg
Ông Sỹ thích chơi những bài nhạc viết về cách mạng, về Bác Hồ

Có vị khách từ tận TPHCM ra Hà Nội, tìm tới quán để ăn ốc và nghe ông chủ chơi violin. "Vị khách ngỏ ý yêu cầu tôi chơi bài Mối tình đầu của Thế Duy. Tôi thành thật nói, tôi chưa biết ca khúc này.

Họ chuyển nhạc lý qua và hẹn tuần sau quay lại. Gặp người thích âm nhạc, tôi vui lắm, tập cả tuần. Khi họ quay lại, tôi tự tin đàn mời họ nghe, họ rất bất ngờ”, ông Sỹ kể lại một kỷ niệm.

"Tôi chơi chưa giỏi đâu nhưng được cái đam mê. Tôi chơi đàn thì tôi vui trước đã, tinh thần phấn chấn, đôi tay khéo léo, đầu óc linh hoạt. Sau đó thì khách vui, quán nhộn nhịp", ông Sỹ chia sẻ thêm.

W-chu quan oc ha noi danh dan violin 15.JPG.jpg
Năm 2016, cây đàn cũ bị hỏng, ông Sỹ mua cây đàn hiện tại với giá 10 triệu đồng

Hai con đã trưởng thành nên bây giờ, vợ chồng ông Sỹ không còn buôn bán vất vả vì gánh nặng kinh tế như trước đây.

Sáng sớm, bà Oanh nhập ốc, sơ chế ốc còn ông Sỹ phụ gọt hoa quả, thái sả, ớt, nhóm bếp, đun nước… Tới 14h, ông bà bắt đầu mở hàng.

Quán có hai gian, một gian phía mặt ngõ, một gian trong tầng 1 của gia đình, đều khá chật. Thực đơn của quán đơn giản, chỉ có vài món truyền thống là ốc luộc, ngao hấp, nem chua rán, khoai chiên, trứng cút luộc/xào me, hoa quả theo mùa…

Ấy thế mà từ 17-20h hằng ngày, lúc nào quán cũng đông khách, tốp này đứng lên, tốp khác lại vào thế chỗ. Ngõ hẹp, khó tìm chỗ để xe, nhiều người sẵn sàng đi bộ cả trăm mét vào quán. Các đơn đặt giao hàng cũng tấp nập.

Ông Sỹ đi hàng chục vòng mỗi chiều để giao ốc tới các phường, quận lân cận. 

W-chu quan oc ha noi danh dan violin 11.JPG.jpg
Ông Sỹ tự chạy xe đi giao hàng

"Khu vực này nhiều quán ốc rộng rãi, món ăn đa dạng lắm nhưng tôi và bạn bè vẫn gắn bó với quán cô Oanh, chú Sỹ hơn 20 năm nay. Ốc ở đây được làm rất sạch, không có sạn. Quan trọng nhất là nước chấm ngon, ăn là ấn tượng mãi.

Bạn tôi nhiều người đã đi làm ăn xa, có người định cư tận Australia nhưng cứ về Hà Nội là rủ nhau tới đây tụ họp", chị Đào Thị Thu Hương (Hà Nội) chia sẻ.

W-chu quan oc ha noi danh dan violin 10.JPG.jpg
Chị Hương là khách quen của quán hơn 20 năm

"Vợ tôi pha nước chấm từ những nguyên liệu cơ bản thôi, như nước mắm, mì chính, đường, quất,... Nhưng bà ấy khéo lắm, ai tới cũng khen 'ngon hết nước chấm'", ông Sỹ vừa tếu táo vừa khen vợ bằng giọng đầy tự hào.

Ốc nhỏ ở quán có giá 30.000 đồng/bát, ốc to 60.000 đồng/bát.

W-chu quan oc ha noi danh dan violin 16.JPG.jpg
Ốc được bà Oanh lựa chọn, sơ chế rất kỹ. Con nào cũng béo chắc, không có sạn. Gia vị sả, ớt, lá chanh được để riêng để thực khách tự thêm

Trên mạng xã hội, một số thực khách bình luận, ông chủ quán "thất thường", lúc vui vẻ đàn hát nhưng cũng có lúc to tiếng, khó tính.

Ông Sỹ thẳng thắn thừa nhận, trước đây ông hay gắt gỏng với những người không biết điều - nói chuyện ầm ĩ, hút thuốc trong quán. "Bởi thế nên người ta gọi tôi là Sỹ 'khùng' đấy. Nhưng với khách lịch sự thì tôi tiếc gì mà không vui vẻ, nhiệt tình với họ", ông Sỹ nói.

W-chu quan oc ha noi danh dan violin 17.JPG.jpg
Ông Sỹ đảm nhận đủ các công việc từ gọt hoa quả, bưng bê, giao hàng, tới tính tiền, thu dọn, đổ rác giúp vợ

Ông Sỹ không có lịch chơi đàn cố định. Những lúc rảnh rỗi, "thèm" chơi hay gặp khách thiện chí yêu cầu là ông sẽ mang "bảo bối" ra trình diễn.