
Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nội dung được nhiều đại biểu tham gia góp ý, thảo luận trong kỳ họp Quốc hội lần thứ 9.

Doanh nghiệp sốt ruột với cơ chế sandbox
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho biết, rất nhiều doanh nghiệp đang mong chờ cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) để có thể triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới. Nếu cơ chế sandbox trong luật được thiết kế tốt thì có thể coi là đột phá về thể chế.
"Vì sao cần có cơ chế sandbox", đại biểu đặt vấn đề và lý giải- vì pháp luật có nhiều quy định bất hợp lý, vừa quá rộng lại vừa quá hẹp, làm cản trở các ý tưởng kinh doanh mới.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng dẫn chứng trước đây, Luật Đường bộ 2008 quy định taxi phải tính cước theo đồng hồ tính tiền.
"Hồi đó chúng ta quy định như vậy thì nghĩ rằng đồng hồ tính tiền là văn minh, để tránh cho người tiêu dùng bị lừa hay bắt chẹt tiền cước. Nhưng đến khi công nghệ phát triển, người ta có thể tính tiền cước dựa trên bản đồ điện tử, thì lại không được áp dụng. Bởi quy định đã bó cứng là phải tính tiền bằng đồng hồ.
Năm 2016, Bộ GTVT cho phép thí điểm ứng dụng công nghệ kết nối vận tải. Từ năm 2016 đến năm 2024 khi Luật Đường bộ mới được ban hành, giải quyết một cách cơ bản nhưng chưa được trọn vẹn…", ông nói.

Từ đây đại biểu cho rằng một quy định bất cập mất gần 10 năm mới có thể giải quyết bằng quy định của luật thì thấy "doanh nghiệp sốt ruột" với cơ chế sandbox như thế nào.
Dẫn chứng khác, đại biểu nêu Luật Các tổ chức tín dụng coi tất cả các trường hợp cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản là hoạt động ngân hàng và phải được cấp phép. Tuy nhiên khi công nghệ phát triển, các nhà mạng viễn thông nhận thấy có thể cho phép khách hàng "bắn tiền" cho nhau qua tài khoản viễn thông. Nhưng do vướng quy định của Luật Các tổ chức tín dụng nên mãi không thể thực hiện.
Năm 2021, Thủ tướng ban hành quyết định cho phép thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán hàng hoá, dịch vụ giá trị nhỏ (mobile money). Từ khi các điều kiện công nghệ, kinh tế, xã hội sẵn sàng cho đến khi được cho phép cũng mất gần 10 năm.
Vì vậy, đại biểu Đồng hoan nghênh dự thảo luật đã có cơ chế sandbox, ông đồng tình với thẩm tra của Ủy ban Khoa học và Công nghệ là quy định về "sandbox vẫn phải chờ và chờ rất lâu, không thể nhanh được".
Theo ông, cần tư duy lại về cơ chế sandbox, theo hướng phải xuất phát từ doanh nghiệp - nơi đầy ắp các ý tưởng kinh doanh và là người nắm công nghệ mới. Cần cân nhắc xem phải thử nghiệm về thể chế hay thử nghiệm về quy định pháp luật, hay thử nghiệm về công nghệ.
Cơ chế mới cho nhà khoa học phát minh một lần, thu nhập suốt đời
Góp ý dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại biểu Lê Quân (đoàn Hà Nội) đưa ra một số vấn đề.
Thứ nhất, về việc phân chia kết quả thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ, dự luật có quy định: Chia tối thiểu 30% cho nhà khoa học, tối thiểu 30% cho các cá nhân có liên quan đến quá trình chuyển giao, còn lại cho các hoạt động khác.

GS Lê Quân cho rằng, đây là một đề xuất rất mới và rất mạnh dạn, tương tự một cơ chế khoán 10 đối với nhà khoa học. “Nếu nhà khoa học làm nghiên cứu mà cố gắng kết hợp với thị trường và với doanh nghiệp để chuyển giao được sẽ mang lại nguồn thu nhập rất tốt.
Có những tác giả chỉ cần sáng tác một bài hát thôi nhưng sau đó nhiều năm vẫn có khoản thu nhập. Nhà khoa học nếu có một giải pháp mang lại lợi ích cho xã hội, cho quốc gia như một loại thuốc mới, một giống cây trồng mới… thì có thể mang về khoản thu nhập ổn định suốt đời. Việc này vừa mang lại lợi ích cho đất nước vừa mang lại lợi ích cho cá nhân” – ông Quân khẳng định.
Tuy nhiên, theo đại biểu này, mức tỷ lệ phân chia cần quy định rõ hơn trong một số trường hợp đặc thù. Với những đề tài, dự án, chương trình đầu tư là khu vực công thông thường thì tỷ lệ tối thiểu 30% này là hợp lý. Nhưng với những trường hợp với mục đích an ninh, quốc phòng, hay hợp tác có khu vực tư nhân tham gia thì nên xem xét phân chia tỷ lệ lợi nhuận theo cơ chế thỏa thuận.
Vấn đề thứ hai, theo thống kê của ông, dự thảo phân các đầu việc được phép làm hoặc có trách nhiệm của các tổ chức khoa học, công nghệ nhiều hơn hẳn những đầu việc được phép làm và có trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học.
Trong khi đó, trên thực tế, hiện nay các nhà giáo trong cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là các đại học tinh hoa, đều đang làm công tác nghiên cứu và đều là các nhà khoa học, không phân biệt khái niệm nhà khoa học hay nhà giáo trong các cơ sở nghiên cứu.
Vì vậy, theo ông, dự thảo nên thống nhất “ai đủ năng lực thì làm”.
Vấn đề thứ 3, GS Lê Quân đặt ra là đầu tư cho khoa học cơ bản. Dự thảo lần này đã đề cập đến khoa học cơ bản nhưng theo ông, cần phải chỉ ra Nhà nước đảm bảo kinh phí nghiên cứu cho khoa học cơ bản. Bởi vì trong các cơ sở giáo dục đại học, ở các khoa cơ bản, các thầy cô quan tâm tới nghiên cứu nhiều hơn.
“Khoa học cơ bản thì phải đào tạo tinh hoa. Ngành này không thể thu học phí cao, mà phải cấp học bổng. Vì thế, tôi cho rằng dự luật lần này nên mạnh dạn ưu tiên đảm bảo kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản”.


