- Những ngày cận Tết, nhiều sinh viên hồi hương, nhưng cũng không ít bạn vẫn "bám trụ" ở lại Hà Nội tranh thủ kiếm tiền tiêu Tết. Vì không có nhiều lựa chọn lại hẻo thời gian nên các bạn không nề hà bất cứ nghề nặng nhọc nào.

Từ bảo mẫu

Trong nhịp độ hối hả vội vã của những ngày giáp Tết, hình ảnh sinh viên đi làm thêm trở nên quen thuộc hơn lúc nào hết vì nhu cầu tuyển thêm nhân viên tại các cửa hàng, công ty thời điểm này tăng cao. Đối với các bạn sinh viên, làm thêm còn giúp họ kiếm thêm một khoản tiền để chi tiêu trong dịp Tết, hoặc phụ giúp gia đình.

Sinh viên làm bảo mẫu

Có những công việc gần gũi với chuyên ngành mà các bạn đang học, nhưng có những công việc đòi hỏi sức chịu đựng, tính kiên trì thậm chí phải tốn nhiều sức lao động như bảo mẫu, dọn dẹp phòng, trông xe...

Dù các bạn cùng phòng đã hồi hương, nhưng Nguyễn Văn Trường sinh viên ĐHQG Hà Nội vẫn nấn ná ở lại ít hôm để kiếm tiền để đóng tiền thuê nhà. Trường cho biết, mỗi tháng bạn phải trả 800 nghìn tiền phòng nên tiền chi tiêu phải co kéo hết mức mới đủ. Trong thời gian nghỉ Tết vẫn phải đóng tiền để giữ phòng nhưng Trường không muốn xin tiền bố mẹ nhiều nên ngày nào cũng vậy, ngày hai buổi đều đặn bạn sinh viên năm ba làm xe ôm trên đường Xuân Thủy, Cầu Giấy.

"Mỗi ngày kiếm được vài trăm nghìn. Vì là nghề tay trái nên rất mệt, hàng ngày phải đứng chầu chực ở đường để đợi khách từ sáng tinh mơ đến tối mịt mới về. Có nhiều hôm về muộn quá cũng sợ..." – Trường tâm sự.

Còn Mai Thu Phương (sinh viên năm 2, Trường ĐH Lao động Xã hội) lại chọn công việc đòi hỏi sự cẩn thận, chu đáo, đôi khi cần cả sức chịu đựng lớn mới có thể làm được, đó là nghề bảo mẫu và dọn dẹp phòng.

Phương nhận làm công việc này từ ba tháng trước, bình thường chỉ đi làm 3 buổi/tuần. Gần Tết, ngày nào bạn cũng phải dậy sớm đi làm.

Phương cho biết: “Ít bạn sinh viên làm được bảo mẫu vì trông coi trẻ con rất mệt, thêm vào đó còn phải biết dỗ dành chúng, làm đủ công việc của một “người mẹ". Với những em bé hay quấy khóc, hoặc nghịch ngợm còn khổ nữa. Còn việc dọn dẹp phòng thì phải cẩn thận, sạch sẽ vì nếu không thì chẳng ai thuê mình. Thực sự thì có đi làm thêm mới biết kiếm được đồng tiền khó khăn đến mức nào, vì thế không dám tiêu tiền một cách vô bổ nữa” – Thu Phương chia sẻ.

Nhiều bạn bè của Phương cũng đi làm nhân viên chạy bàn cho các quán ăn, bán hàng tại các cửa hàng quần áo, trực tổng đài, hoặc đi phát tờ rơi, quà khuyến mãi cho các sản phẩm. Lương mỗi đợt làm thêm được từ 1,5 đến 2 triệu đồng, nhưng cũng nhiều áp lực.

...Đến điều tra viên

Một số sinh viên may mắn hơn vì tìm được công việc phù hợp với chuyên ngành mình đang học. Tuy nhiên theo các bạn, nghề nào cũng có khó khăn riêng của nó, mức lương càng cao, công việc càng vất vả.

Sinh viên làm cộng tác viên điều tra giao thông

Nguyễn Thị Lê Na và Lê Trung Kiên (Lớp Vận tải kinh tế đường bộ và thành phố K49, Trường ĐH Giao thông vận tải) đã tiết kiệm được một khoản để chi tiêu vào dịp Tết nhờ việc làm cộng tác viên điều tra giao thông.

Công việc này khá lạ với nhiều bạn sinh viên các chuyên ngành khác nhưng trở thành “nghề ruột” của các bạn Trường ĐH Giao thông vận tải. Để điều tra về một vấn đề nào đó, cộng tác viên đi tận nơi, phát bảng hỏi, phỏng vấn nhanh ý kiến của người dân, mỗi phiếu điều tra các bạn được 5 nghìn đồng.

Ngoài ra, Lê Na và Kiên còn đi đếm xe (đếm xe buýt hoặc các phương tiện tham gia giao thông trên đường để ghi lại lưu lượng xe trên các tuyến phố). Mỗi lần đi đếm xe các bạn phải làm liên tục trong vòng 24 giờ tại các điểm và nhận được 1 triệu đồng tiền lương.

Tuy kiếm được số tiền khá lớn nhưng theo Kiên, phải bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức cho công việc này.

Kiên nhớ lại: “Lần gần đây nhất mình đi đếm xe vào đúng hôm trời rét đậm, lại mưa phùn, mọi người ở trong nhà còn run lên vì lạnh mà mình vẫn phải đứng co ro ngoài trời để đếm xe từ 6 giờ sáng hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Đêm hôm đó mình cùng các bạn phải mượn tạm chiếc chiếu và chiếc chăn mỏng của bác chủ quán phở gần đó để “tác nghiệp”. Còn việc phát phiếu điều tra cũng thế, thường phải đến nhà dân vào buổi tối, những đêm trời rét thế này thì khổ lắm, nơi phát phiếu lại cách chỗ ở của mình 15 – 20km, đi làm về thì đã khuya lắm rồi, đường sá vắng hoe”.

Hầu hết những sinh viên tranh thủ làm thêm dịp gần Tết đều muốn kiếm thêm một khoản tiền để chi tiêu và tự lo công việc học tập của mình. Theo các bạn, kiếm tiền nhờ những công việc làm thêm này không chỉ có thêm những trải nghiệm cho bản thân mà còn có thêm một khoản tiền để phụ giúp gia đình.

Với bạn Nguyễn Văn Trường (sinh viên ĐHQG Hà Nội), kiếm tiền để không phải xin thêm bố mẹ, còn Thu Phương, Lê Na, Trung Kiên cũng như nhiều bạn sinh viên khác, kiếm tiền còn để sắm Tết cho gia đình, mua quà cho những người thân yêu nhất. Lê Na tâm sự: “Tiền kiếm được mình dành để mua cho mẹ chiếc áo ấm, vì mùa đông năm nay lạnh lắm, mua cho bố thuốc để khỏi đau lưng, bố hay bị đau lưng mỗi khi trời rét”.

“Còn mình sẽ tiết kiệm tiền để mua cho em đôi dép bông đi cho ấm và dùng cho đồ án tốt nghiệp sắp tới” – Trung Kiên mong ước.

  • Thu Thảo