Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng mang lại giá trị gia tăng cho ngành gỗ. Vì vậy, đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này tới Anh góp phần thúc đẩy ngành gỗ tăng trưởng tốt trong năm 2024.
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, thời gian qua, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh, chiếm 91,5% tổng trị giá xuất khẩu. Ngoài ra, còn một số mặt hàng khác cũng xuất khẩu tới thị trường Anh nhưng trị giá chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ như gỗ, ván và ván sàn; cửa gỗ, đồ gỗ mỹ nghệ, khung gương…

Số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh cũng cho thấy, Việt Nam là nhà cung cấp đồ gỗ mỹ nghệ lớn thứ 5 của Anh, sau Trung Quốc, Italia, Ba Lan và Đức.
Một thuận lợi quan trọng giúp các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ có tiềm năng mở rộng thị phần tại thị trường Vương quốc Anh nhờ có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA) là chính sách miễn giảm thuế xuất nhập khẩu. Khó khăn chủ yếu đối với các doanh nghiệp gỗ và lâm sản trước đây khi xuất khẩu sang Vương quốc Anh là mức thuế mà Anh áp cho ngành gỗ khá cao.
Việc UKVFTA cho phép nhiều mặt hàng gỗ và sản phẩm về gỗ của Việt Nam được áp dụng mức thuế suất về 0% so với 2 - 10% hiện nay sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp gỗ Việt Nam so với các đối thủ khác như Indonesia và Malaysia.
Sau 6 năm kể từ khi UKVFTA có hiệu lực, Anh sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam có 5 năm để chuẩn bị và xây dựng chiến lược xuất khẩu sản phẩm gỗ sau khi UKVFTA kết thúc.
Ngoài ra, lợi thế của ngành gỗ Việt Nam cũng nằm ở gỗ cao su, loại gỗ mà Vương quốc Anh và châu Âu không trồng được nhiều nhưng lại được ưa chuộng ở Anh. Việc thâm nhập được vào thị trường của Vương quốc Anh với nhiều sản phẩm hơn cũng sẽ giúp ngành gỗ của Việt Nam khẳng định được thương hiệu và dễ dàng mở rộng thị trường ở các quốc gia châu Âu khác.
Tiềm năng phát triển và thu hút đầu tư các doanh nghiệp Anh của các tỉnh thành của Việt Nam có ngành gỗ đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế như Bình Dương, Đồng Nai sẽ được tận dụng tối đa nhờ có UKVFTA.
Với việc thu hút nguồn lực hợp tác, đầu tư từ các doanh nghiệp gỗ Vương quốc Anh vào Việt Nam, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam có thể tiếp cận được với công nghệ, đồng thời tạo sức ép cạnh tranh khiến các doanh nghiệp phải tự cải thiện mức độ cạnh tranh của mình để đứng vững trên thị trường. Đặc biệt, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội được tiếp cận với nguồn máy móc, thiết bị, công nghiệp/kỹ thuật cao để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm của mình.
Bên cạnh việc thúc đẩy thương mại, UKVFTA cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam lồng ghép và thực thi các tiêu chuẩn và mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. UKFTA nhấn mạnh vào việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Hiện nay, Việt Nam cũng tham gia Thỏa thuận hợp tác tự nguyện (VPA) và tuân thủ Quy chế Thương mại và quản trị thực thi Luật Lâm nghiệp của Vương quốc Anh (FLEGT) hướng đến một thị trường gỗ minh bạch, hợp pháp và quản lý rừng bền vững thông qua hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS). Theo đó, mục đích đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam có nguồn gốc hợp pháp, bao gồm việc xác minh một cách hệ thống để đảm bảo các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu gỗ được khai thác và mua bán hợp pháp, phù hợp với pháp luật của quốc gia khai thác.