(VEF.VN) - Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 9 tháng ước tăng 5,76% so với cùng kỳ 2010, chỉ còn cách biệt rất thấp so với mục tiêu tăng 6% trong năm nay.

Theo công bố của Tổng Cục thống kê hôm 24/9, đóng góp vào mức tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng đầu năm, thấp nhất là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,39% với 0,39 điểm phần trăm, cao nhất là khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,62%, với 2,76 điểm phần trăm. Khu vực dịch vụ tăng 6,24%, đóng góp 2,61 điểm phần trăm.


Cần đẩy mạnh tiêu dùng hàng hóa, kích thích sản xuất

 

Một số ngành sản phẩm công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: sản xuất đồ gốm, sứ không chịu lửa (trừ gốm sứ dùng trong xây dựng) tăng 71,8%; sản xuất đường tăng 43,2%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 19,3%; sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 17,9%...

 

Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, bối cảnh giá cả tăng cao vừa qua đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống dân cư. Mặc dù lạm phát đã có xu hướng giảm nhưng những tháng cuối năm nền kinh tế sẽ gặp một số khó khăn như giá hàng hóa trên thị trường thế giới tiếp tục có những biến động khó lường, nguồn cung thực phẩm trên thị trường trong nước tuy đã có dấu hiệu tích cực nhưng giá một số dịch vụ và mặt hàng thiết yếu sẽ tăng vào những tháng cuối năm và thời điểm giáp Tết Nguyên đán do nhu cầu tiêu dùng tăng.

 

Theo cơ quan này, thời gian tới, cần tạo điều kiện về vốn cho các doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất, ưu tiên tín dụng, đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu và các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đặc biệt, cần ưu tiên hỗ trợ vốn cho các dự án đầu tư áp dụng công nghệ mới, hiệu quả cao để nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, đồng thời thực hiện ưu đãi thuế theo quy định cho các ngành công nghiệp hỗ trợ và các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

 

Phạm Huyền