Trong phiên giao dịch ngày 21/7, áp lực chốt lời tăng vọt khi chỉ số VN-Index áp sát ngưỡng 1.500 điểm và ở rất gần đỉnh cao lịch sử. Nhiều cổ phiếu dẫn dắt thị trường tăng thần tốc trong 3 tháng qua đã quay đầu giảm giá, trong đó có nhóm cổ phiếu “họ Vin”, như Vingroup do ông Phạm Nhật Vượng làm chủ tịch.

Áp lực chốt lời gia tăng khiến cổ phiếu Vingroup (VIC) gần cuối giờ chiều 21/7 có lúc giảm kịch sàn (-7%), xuống 110.700 đồng/cp sau một chuỗi ngày tăng kéo dài, gấp gần 3 lần trong gần 5 tháng.

Kết thúc phiên giao dịch 21/7, cổ phiếu VIC giảm 7.000 đồng, xuống còn 112.000 đồng/cp. Vinhomes (VHM) giảm 4.000 đồng, xuống còn 92.000 đồng/cp. Vincom Retail (VRE) giảm 450 đồng, xuống 29.000 đồng/cp.

Nhiều cổ phiếu trụ cột cũng quay đầu giảm sau vài tháng tăng mạnh như: Tập đoàn Masan (MSN) do tỷ phú Nguyễn Đăng Quang làm chủ tịch; Techcombank (TCB) do ông Hồ Hùng Anh làm chủ tịch; Vietcombank (VCB); Chứng khoán SSI (SSI); Thế Giới Di Động (MWG)...

Chỉ số VN-Index giảm 12,23 điểm (-0,82%), xuống 1.485,05 điểm sau khi tăng dồn dập trong 3 tháng qua.

Tuy nhiên, nhiều mã cổ phiếu vẫn hút dòng tiền và tăng điểm, như: FPT của Tập đoàn FPT, LPBank (LPB), Ngân hàng SHB, VietJet (VJC)...

Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát - do tỷ phú Trần Đình Long làm chủ tịch, "lội ngược dòng" giữa làn sóng chốt lời mạnh trên thị trường, lập đỉnh cao nhất trong 3 năm.

Cụ thể, HPG tăng 300 đồng lên 26.200 đồng/cp.

TranDinhLong2.jpg
Tỷ phú Trần Đình Long. Ảnh: HH

Với đợt tăng khá mạnh trong một tháng qua, lên 26.200 đồng/cp như hiện tại, tài sản của ông Trần Đình Long cũng tăng nhanh, từ mức 2,2 tỷ USD lên 2,6 tỷ USD theo tính toán của Forbes tính tới ngày 21/7.

Cổ phiếu HPG tăng mạnh nhờ hàng loạt thông tin tích cực liên quan đến sản xuất, xuất khẩu và các chính sách hỗ trợ ngành thép.

Tập đoàn Hòa Phát là doanh nghiệp chiếm thị phần thép lớn nhất tại Việt Nam và là một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á, với tổng công suất lên đến 16 triệu tấn thép thô/năm khi Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 khánh thành vào tháng 9/2025. Doanh nghiệp này được đánh giá sẽ hưởng lợi từ chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân vừa được ban hành.

HPG được hưởng lợi từ việc Việt Nam bắt đầu áp thuế chống bán phá giá lên một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) từ Trung Quốc và Ấn Độ từ vài tháng qua. HPG cũng vừa chính thức không bị EU áp thuế chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nóng. Thép HRC Hòa Phát xuất khẩu vào châu Âu chịu thuế suất 0%, trong khi mức thuế áp với các doanh nghiệp khác của Việt Nam là 12,1%.

Hòa Phát cũng sẽ khởi công nhà máy sản xuất ray thép tàu vào ngày 19/8 tới nhằm phục vụ dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, dự án đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai, và nhiều dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM. Đây là doanh nghiệp duy nhất ở Đông Nam Á sản xuất được thép ray đường sắt tốc độ cao.

Trong một động thái mới nhất, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Cục Hải quan đề nghị tăng cường giám sát và kiểm tra kỹ lưỡng hoạt động nhập khẩu nhóm hàng thép HRC có khổ lớn hơn 1.880 mm, tránh tình trạng khai báo không chính xác hoặc lách luật.

Trong tháng 6, sản lượng nhập khẩu mặt hàng này lên tới 215.000 tấn, tăng 26 lần so với cùng kỳ. Trong 6 tháng, loại thép này nhập từ Trung Quốc về Việt Nam lên gần 650.000 tấn, cao gấp 15 lần so với cùng kỳ, làm thất thu khoảng 2.300 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

Như vậy, đây là một thông tin tích cực cho Hòa Phát và có thể là lực đỡ cho cổ phiếu này trong phiên 21/7.

Trên thị trường chung, dòng tiền vẫn có xu hướng đổ vào chứng khoán khi mà các kênh đầu tư khác kém hấp dẫn. Thị trường bất động sản gần đây có dấu hiệu không còn sôi động như hồi đầu năm.

Thông tin về việc Bộ Tài chính vừa đề xuất áp dụng phương thức đánh thuế 20% trên giá trị chênh lệch giữa giá mua và bán bất động sản theo từng lần chuyển nhượng có thể tác động tới hoạt động đầu tư/đầu cơ bất động sản.

Trên thực tế, mở cửa phiên giao dịch 21/7, khi thông tin về đề xuất áp dụng phương thức đánh thuế 20% trên giá trị chênh lệch giữa giá mua và bán bất động sản chưa lan rộng, chỉ số VN-Index đã tăng hơn 11 điểm và tiến tới mốc 1.512 điểm. Áp lực chốt lời gia tăng và lớn dần về cuối phiên. Thanh khoản cả phiên vẫn ở mức cao, đạt hơn 35,4 nghìn tỷ đồng chỉ riêng trên HoSE, cao hơn 29% so với bình quân 20 phiên.

Theo Chứng khoán CSI, phiên giảm 21/7 là tín hiệu đầu tiên cho thấy đà tăng của VN-Index có dấu hiệu chững lại và khả năng cao sẽ có nhịp chỉnh sau quá trình tăng mạnh 5 tuần trước đó.