Toàn tỉnh Tây Ninh có 5 tôn giáo (Cao Đài, Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo), với 846.473 tín đồ, chiếm khoảng 70,8% dân số toàn tỉnh, trong đó có 2.079 chức sắc, 8.698 chức việc và 311 nhà tu hành. Hiện nay, có 386 cơ sở thờ tự của các tôn giáo, 7 cơ sở bảo trợ có liên quan đến tôn giáo.

Tại tỉnh Tây Ninh hiện có 3 hệ phái Cao Đài là: Cao Đài Tây Ninh, Cao Đài Ban chỉnh đạo và Cao Đài Chiếu minh Tam thanh vô vi), nên so với những nơi khác thì đây là nơi tập trung chức sắc, tín đồ và cơ sở thờ tự nhiều nhất với 560.695 tín đồ, 2547 chức sắc, 7.951 chức việc và 142 cơ sở thờ tự. 

01 Mặt trận Tổ quốc TN.jpg
Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh Ảnh: Mỹ Lệ

Theo lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, kinh nghiệm quan trọng hàng đầu để phát huy vai trò của tôn giáo trong đoàn kết, đồng thuận xã hội là xây dựng mối quan hệ thân thiện, cởi mở giữa cấp uỷ, chính quyền các cấp với các tổ chức tôn giáo.

Hằng năm, lãnh đạo tỉnh, huyện đều tổ chức gặp mặt đại diện các tôn giáo để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng; trong những dịp lễ trọng của các tôn giáo, lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành đều đến thăm hỏi, tặng quà và tham dự các hoạt động của cơ sở tôn giáo.

Các cấp uỷ, chính quyền tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hành động số 100-CTr/TU, ngày 29/3/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò của già làng, người uy tín trong đồng bào dân tộc, chức sắc tôn giáo, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận trong nhân dân để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh.

Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo được tăng cường, các cấp, ngành chức năng tiếp nhận và giải quyết tốt các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của tôn giáo, tạo điều kiện cho các tôn giáo tổ chức các hoạt động lễ trọng đúng pháp luật và hiến chương giáo hội.

Trong đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh chủ trì tổ chức hội nghị tiếp xúc với đồng bào dân tộc, tôn giáo nhất là các chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo, già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tôn giáo, đời sống đồng bào dân tộc; hướng dẫn, triển khai, thực hiện tốt công tác tôn giáo với tinh thần tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; quan tâm phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, chú trọng thực hiện tốt các chế độ, chính sách, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân vùng đồng bào có đạo trên địa bàn tỉnh.

Phát huy giá trị đạo đức tốt đẹp và thế mạnh của từng tôn giáo, thời gian qua, các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh chung tay cùng chính quyền địa phương đóng góp sức người, sức của từng bước đảm bảo về an sinh xã hội cho nhân dân, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn tỉnh. 

Các tổ chức tôn giáo với phương châm hành đạo theo đường hướng đã đề ra và được cộng đồng xã hội đồng thuận như: “Nước vinh, đạo sáng” của Hội thánh Cao Đài Toà thánh Tây Ninh, “Đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội” của Phật giáo, “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” của Công giáo hay “Sống phúc âm, phụng sự Thiên chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc” của Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam)... Tất cả đều thể hiện tinh thần yêu nước, sự gắn bó với dân tộc trong các hoạt động của tôn giáo. 

Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tây Ninh, các tổ chức, chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo còn phát huy giá trị đạo đức “cứu khổ, cứu nạn” của tôn giáo phù hợp truyền thống văn hóa của người Việt Nam “lá lành, đùm lá rách”, tích cực tham gia các hoạt động chăm lo an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Những năm vừa qua, các tôn giáo đã đóng góp xây tặng hàng trăm căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương ở các ấp, khu phố; trao tặng hàng trăm nghìn phần quà, tổ chức các bếp ăn từ thiện, hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, bốc thuốc miễn phí… giúp người nghèo, người yếu thế ở các địa phương và ủng hộ các hoạt động an sinh xã hội.

Hiện Đạo Cao Đài có Y viện thuộc Cửu Trùng Đài và các Ban Phước thiện, thường xuyên làm công tác từ thiện xã hội, khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo; có cơ sở Dưỡng lão đường nhận nuôi dưỡng những người già, người neo đơn không nơi nương tựa. 

Phật giáo có 2 cơ sở tham gia hoạt động xã hội từ thiện là Tuệ Tĩnh Đường thuộc Văn phòng Ban Trị sự và Chùa Hưng Thái (phường 2), thuộc Tịnh độ cư sĩ Phật hội, hàng năm tổ chức khám bệnh, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho khoảng 5.000 lượt người. Cơ sở bảo trợ xã hội “Mái ấm mây ngàn” thuộc chùa Cẩm Phong, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu đã được cấp phép, hiện đang chăm sóc cho người già và trẻ em có hoàn cảnh neo đơn. Ngoài ra, còn duy trì các bếp ăn từ thiện tại một số bệnh viện trong tỉnh phục vụ cơm chay miễn phí cho bệnh nhân nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. 

Công giáo có 3 cơ sở dưỡng lão nuôi dưỡng 42 cụ già, trong đó 2 cơ sở thuộc xã Vinh Sơn, thị trấn Châu Thành và Giáo xứ Phước Điền, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành.

Mỹ Lệ