Kì nghỉ Tết 5 sao của teen
Càng gần Tết, thái độ của T.Hằng (trường chuyên H.) với bố mẹ càng gay gắt, hết
“khổ nhục kế” khóc lóc, bỏ cơm đến “doạ” sẽ bỏ học, dạt nhà, không thi đại học.
Chả là, Hằng chơi với một hội nhà giàu trong thành phố, Tết này đứa thì đi Sing,
đứa thì đi Thái, có người đi cả châu Âu nên nhất định Hằng cũng phải đón Tết “ở
bển” để không “quê”.
Thế là cô nàng cứ nằng nặc đòi bố mẹ phải chi tiền cho đi Trung Quốc đón Tết, dù
bố mẹ Hằng đang sửa lại nhà, công việc làm ăn năm vừa rồi cũng không thuận lợi
lắm. Không khí gia đình vì thế mà mấy hôm nay cứ “căng như dây đàn”, có khi ngày
Tết còn mất vui.H.Tuấn (trường P.) cũng “nài nỉ” bố mẹ để Tết này nhất định phải
có một kì nghỉ “5 sao” thật hoành tráng ở các resort hạng sang tại Nha Trang –
Mũi Né.
![]() |
Ai cũng muốn một kỳ nghỉ Tết 5 sao thật độc đáo, thật khác biệt. Nhưng liệu “5 sao” có luôn đồng nghĩa với “đẳng cấp”? |
Khi bố Tuấn không đồng ý vì còn
bận việc và Tết còn phải về quê chúc Tết ông bà, họ hàng thì Tuấn “dỗi” bố mẹ,
gây áp lực bằng cách “nhất định không chịu về quê”.
Thậm chí Tuấn còn đang “tính” vay tạm tiền để “trốn” đi chơi Tết, rồi về tính
sau. Thì lỡ “khoe” với hội bạn trong lớp về kì nghỉ Tết “5 sao” của mình rồi mà!
Q.Sáng (trường N.) thì đang đau đầu, sốt vó vì phải lo xoay được ít nhất 5 triệu
đồng để đi chơi đêm Giao thừa với hội bạn. Theo kế hoạch, cả nhóm sẽ đặt bàn đón
Giao thừa ở một khách sạn 5 sao trên khu Hồ Tây.
Khi nào chơi chán, thì cả nhóm sẽ thuê phòng tại khách sạn này ngủ luôn. Nhóm 5
người, thuê 2 phòng, với giá 110 đô la/đêm, rồi sáng hôm sau dậy, ai về nhà nấy,
hồi sau tính tiếp.
Để gồng mình theo những “giá trị ảo” như thế, mà Hằng, Tuấn, Dũng đã tự gây áp
lực cho chính mình và cho cả những người xung quanh.
Nguy hiểm hơn, khi không mượn được bạn bè, Tuấn đã tính tới chuyện “cầm đồ” hoặc
đi “vay lãi”, còn Dũng thì bắt đầu “quăng lô, thả đề” để có tiền đóng cho nhóm
bạn “sành điệu” của mình.
Nghèo tiền, giàu cảm xúc
Trong khi đó, chẳng cần tốn quá nhiều tiền, nhiều teen vẫn có những kì nghỉ Tết
“5 sao” của cảm xúc cùng bạn bè của mình.
Thuỳ Trang (trường P., Hà Nội) kể về kì nghỉ Tết nằm trong danh sách “những
khoảnh khắc không bao giờ quên” của mình Tết năm 2010. “Kế hoạch của chúng tớ
cho đêm giao thừa: ăn lẩu Phùng Hưng; đi xem phim Tết; ra hồ Gươm xem pháo hoa.
Từ hôm 27 ăn tất niên, mỗi người đóng 300K. Tối 30, hẹn nhau lúc 6h30 ở hang lẩu đã đặt trước trên Trúc Bạch. Ăn thả ga cả nhóm mới hết hơn 1 triệu đồng. Sau đó ra rạp Tháng Tám xem phim “Những nụ hôn rực rỡ”, suất chiếu lúc 8h30.
Hơn 22h hết phim, bọn tớ đi bộ chen dần ra Bờ Hồ, kiếm một chỗ ngồi đẹp đẹp, mua cá bò, coca, bim bim, hướng dương… ăn, tám và “bắt lỗi” nhau.
![]() |
Dù bạn đón Tết ở đâu thì bạn cũng sẽ chỉ thật vui và ý nghĩa khi bạn hoàn toàn thoải mái, và được bên cạnh những người bạn yêu quí, với một không khí ấm áp, rộn rã tiếng cười phải không nào? |
Những gì còn khúc mắc, chưa bằng lòng hay muốn góp ý cho nhau trong năm vừa qua
thì tranh thủ lúc này nói cho bằng hết, thật thẳng thắn để đến lúc giao thừa là
không còn gì lấn cấn nữa.
Cảm xúc ấy vừa hồi hộp, và cả lo lắng, vì không biết năm vừa qua mình có làm gì
“thất lễ” quá với bạn bè không, nhưng vui lắm vì ai cũng thật lòng và hết lòng.
Vui nhất là trong nhóm có 2 cặp gà bong, nghe tụi nó “kể xấu yêu” mà cười vỡ
bụng, ngố ngố, iu iu và cũng rất “rồ-man-tíc”. Hết một vòng 8 đứa cũng là đến
giao thừa, cả lũ nắm tay nhau ngắm pháo hoa.
“Chốt hạ” đêm giao thừa là một series clip “chúc Tết kiểu 9X xì-tin” khi cả lũ
vừa là diễn viên, đạo diễn, quay phim diễn lại những “pha kinh điển nhất năm
qua” của mỗi thành viên trong nhóm theo bỏ phiếu của mọi người kèm theo lời chúc
Tết”.
Bữa tiệc giao thừa “5 sao” ấy của
Trang và các bạn hết chưa đến 2 triệu đồng. Số tiền còn lại đến mồng 4 Tết cả
nhóm lại thêm vào để đi chơi và lại có 1 ngày “vui tới bến” không kém gì đêm
giao thừa.
Giao thừa năm nay, Trang và các bạn dự định sẽ làm phần 2 cho series “cấp 3 -
sống là không chờ đợi”, hứa hẹn là còn vui hơn cả phần 1 khi kế hoạch xem phim
được thay đổi bằng màn “karaoke và múa minh hoạ”.
Hay như Đức Việt (trường K.), hai năm nay cứ mồng 3 Tết lại cùng với nhóm bạn
thân 4 người vác ba lô lên đi du lịch. Tết năm ngoái, nhóm của Việt vác ba lô
lên Sapa để “phục” tuyết rơi từ mồng 3- tối 7 Tết. Tuyết thì không thấy, nhưng
đã thấm thía được thế nào là cái lạnh “kim châm buốt da tê tái” của vùng cao,
khi cả lũ phải mua ủng, găng tay trượt tuyết, tất bông dày cộm để chống rét. Vui
nhất là những khi chơi trò “ai là ai” trên đường, vì quá nhiều sương mù nên dù
đứng đối diện nhau mà nhìn vẫn mờ mờ ảo ảo.
Rồi những tối các “cơ thủ” đi kiếm quán bi-a đọ “cơ”, nắm tay nhau chạy thục
mạng xuống dốc vì “sợ ma” khi lang thang ở thị trấn lúc nửa đêm, xì xụp ngồi ăn
đồ nướng, tán phét ở dãy phố ăn uống gần nhà thờ trung tâm…
Cả những “đêm trắng” không ngủ khi 5 đứa chui vào 1 phòng, tắt hết đèn, trùm
chăn kín mít nghe truyện ma để rồi “kêu ré” lên vì “thần hồn nát thần tính” khi
mở cửa thấy… phòng bên cạnh đi chơi về muộn, tưởng là ma… hay những buổi sáng,
lọ mọ dậy sớm đi “thám hiểm” Sapa bằng “căng hải”, vào các bản, tìm đường “độc
đạo” ít người đi để khi kết thúc hành trình là đứng trên đỉnh một ngọn đồi rộng
thênh thang nhìn ra tứ phía, hét thật to, xả bằng hết những ấm ức, lo âu, buồn
bã trong lòng, để sẵn sàng cho một năm mới thật nhiều niềm vui.
Chuyến đi 4 ngày – 5 đêm đó, Việt và các bạn chỉ hết trung bình 1,5 triệu đồng/
người.
Bạn thấy đó, đâu cần phải tiêu tốn thật nhiều tiền thì bạn mới có những kì nghỉ Tết 5 sao, mà bạn hoàn toàn có thể tự tạo ra cho mình những kì nghỉ 5 sao của cảm xúc cơ mà!
Dù bạn đón Tết ở đâu thì bạn cũng sẽ chỉ thật vui và ý nghĩa khi bạn hoàn toàn thoải mái, và được bên cạnh những người bạn yêu quí, với một không khí ấm áp, rộn rã tiếng cười phải không nào?
(Theo HHT)
Bạn nghĩ gì về kỳ nghỉ Tết 5 sao nặng vật chất và kỳ nghỉ Tết “5 sao” của cảm
xúc? Bạn có thể chia sẻ những trải nghiệm về kỳ nghỉ Tết độc đáo và đặc biệt của
mình? Mọi ý kiến xin theo mẫu phản hồi phía dưới hoặc gửi về email
[email protected]! Xin trân trọng cảm ơn!