Từ 10 mục tiêu đột phá
Cuối năm 2022, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch số 374 về việc triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025 của Chính phủ. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng đặt ra của UBND tỉnh Lào Cai nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả của tổ chức, cá nhân và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng; hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, minh bạch hóa các giao dịch thanh toán trong nền kinh tế.

Theo Kế hoạch, UBND tỉnh Lào Cai đặt ra 10 mục tiêu cụ thể gồm: Giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 15 lần GRDP; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân, tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 7.500 điểm; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 10 - 15%/năm; tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%; 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị và 80 - 90% cơ sở giáo dục còn lại trên địa bàn tỉnh chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; trên 60% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; trên 50% số người hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; trên 90% số người nhận trợ cấp thất nghiệp được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Để thực hiện được 10 mục tiêu này, UBND tỉnh Lào Cai đã đề ra và yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh triển khai thực hiện 9 nhiệm vụ, giải pháp chính, cụ thể: Giải pháp về cơ chế chính sách; phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác; triển khai các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển thanh toán điện tử trong thương mại điện tử; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đẩy mạnh thanh toán điện tử trong dịch vụ hành chính công; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động thanh toán; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt; tăng cường phối hợp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong đó, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là một trong những giải pháp góp phần phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể là tỉnh sẽ đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tăng cường kết nối giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán với Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công tích hợp một cửa điện tử của tỉnh nhằm đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện thanh toán điện tử đối với các khoản phí, lệ phí, thanh toán hóa đơn điện, nước, học phí, viện phí. Đồng thời triển khai các giải pháp để hoàn thiện hạ tầng, cơ sở dữ liệu, thúc đẩy thanh toán điện tử trong các chương trình trợ cấp an sinh xã hội, chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp.
Để đẩy mạnh đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, hằng năm, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có giao chỉ tiêu cho các địa phương thực hiện.
Thanh toán dịch vụ công trực tuyến tăng trưởng mạnh
Chỉ sau 1 năm kể từ khi UBND triển khai Kế hoạch, đến thời điểm này, Lào Cai đã hoàn thành các mục tiêu trên, trở thành 1 trong 11 địa phương trên cả nước hoàn thành mục tiêu của Chính phủ đề ra.
Đầu tiên, phải kể đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Theo thông tin từ ngành Giáo dục tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có 610/610 cơ sở giáo dục đã công bố số tài khoản thanh toán chung; có 376/610 cơ sở đã cung cấp giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt như chuyển khoản, thanh toán qua mã Qrcode hoặc chuyển khoản, thanh toán qua website... Theo đó, số tiền giao dịch không dùng tiền mặt tại các cơ sở giáo dục đạt khoảng 4 tỷ đồng.
Còn trong lĩnh vực y tế, theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh, hiện toàn tỉnh có 14/14 bệnh viện đã triển khai cung cấp dịch vụ thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh không dùng tiền mặt bằng một trong các hình thức như chuyển khoản qua ứng dụng Mobile banking, quét mã QR…
Đối với lĩnh vực bảo hiểm xã hội, chi trả trợ cấp an sinh xã hội, hiện nay tỉnh đã đẩy mạnh việc chi trả các chế độ bảo hiểm không dùng tiền mặt. Đến nay có gần 35.000 người nhận các chế độ bảo hiểm xã hội qua tài khoản ATM cá nhân, đạt 72%; có hơn 2.000 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng có tài khoản cá nhân tại các ngân hàng thương mại, đạt 74,35%.
Việc thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công tại Lào Cai chính thức được triển khai từ tháng 6/2022. Đến nay, tỉnh có 607 (đạt 100%) thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Hiện có 157/327 (đạt 48%) thủ tục hành chính có phát sinh giao dịch thanh toán trực tuyến; có 87.996/139.804 (đạt 63%) hồ sơ thủ tục hành chính được thanh toán trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia.
Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh thực hiện 66.591 giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 10,5 tỷ đồng. Riêng các đơn vị tại Trung tâm Phục vụ hành chính công thực hiện 10.692 giao dịch với số tiền là 9,4 tỷ đồng.
Hiện nay ở Lào Cai, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh cũng đã tiên phong trong phát triển thương mại điện tử. Điển hình như 100% hệ thống cửa hàng xăng dầu đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt thông qua mã QRcode hoặc sử dụngBanking bằng thiết bị di động; các hệ thống siêu thị có mặt trên địa bàn tỉnh cũng thực hiện chuyển đổi số từ khâu bán sản phẩm đến chăm sóc khách hàng. Theo thống kê, toàn tỉnh có gần 15.000 điểm chấp nhận thanh toán quét mã QR, 982 thiết bị chấp nhận thẻ (POS)... góp phần thúc đẩy hình thức thanh toán trực tuyến.