Do thị trường đầu thu truyền hình DVB-T2 bị ế ẩm đã kéo theo thị trường anten DVB-T2 cũng bị chậm lại. Khác hẳn với thời điểm cách đây khoảng 1 năm, khi một số doanh nghiệp đã ồ ạt sản xuất anten hoặc đặt hàng sản xuất anten theo nhãn hiệu riêng để bán kèm sản phẩm đầu thu DVB-T2, thời điểm đó anten tiêu thụ khá mạnh.

Tuy nhiên, theo một số nhà kinh doanh anten DVB-T2 thì hiện tại thị trường anten đang tiêu thụ rất chậm. Có những doanh nghiệp cho biết đang bị tồn khoảng vài nghìn bộ anten, không bán được do không bán được đầu thu.

“Khách mua lẻ anten rất ít, chủ yếu bán kèm đầu thu DVB-T2, nhưng đầu thu không bán được nên anten cũng ế theo”, giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh thiết bị truyền hình ở Nam Định cho hay.

Ông Lương Tuấn Dũng, Giám đốc Công ty điện tử viễn thông Dũng Nam cho biết, hi vọng đến sau ngày 1/7/2017, khi ngắt sóng truyền hình analog ở 15 tỉnh thì may ra khả năng tiêu thụ anten, cũng như đầu thu mới có biến động, tuy nhiên cũng không hi vọng nhiều ở thị trường. Công ty Dũng Nam đã đầu tư sản xuất một số loại anten thu sóng DVB-T2, tuy nhiên lượng hàng bị tồn kho không nhiều do công ty này chỉ khi có đơn đặt hàng mới cho nhập IC về sản xuất.

Từ đầu tháng 3, giá bán lẻ anten cũng tăng từ 10-15% do nguyên liệu đầu vào nhập từ Trung Quốc tăng mạnh. Ông Dũng cho hay, từ đầu tháng 4, giá bán lẻ anten cũng tăng ít nhất 10% so với tháng 2 và tháng 3 do giá thành sản phẩm tăng lên. Tuy nhiên, điều mà nhiều doanh nghiệp lo ngại là chi phí đầu vào tăng, nhưng một số doanh nghiệp khác sẽ tự xuống giá để đẩy hàng tồn sẽ tác động đến giá cả anten thị trường.

Khi mới triển khai Đề án Số hóa truyền hình nhu cầu tiêu thụ đầu thu số DVB-T2 tăng trưởng mạnh nên một số doanh nghiệp đã lao vào phát triển sản xuất anten và dây cáp truyền hình. Một số doanh nghiệp như Dũng Nam, Vũ Hồng Minh, Hùng Việt đã nhảy vào sản xuất anten truyền hình. Một số doanh nghiệp khác như LTP Việt Nam thì đặt hàng sản phẩm mang thương hiệu riêng và phân phối trên thị trường.

Với mỗi bộ đầu thu truyền hình sẽ cần kem theo phụ kiện lắp đặt là dây cáp, anten và giắc cắm. Trên thị trường hiện nay, nhiều doanh nghiệp cung cấp đầu thu đã đặt hàng cho thương hiệu của mình gói combo phụ kiện trọn gói để cung cấp cho khách hàng, với mức giá thấp chỉ từ 90.000 - 150.000 đồng một bộ. Đối với dự án mua đầu thu truyền hình số DVB-T2 trang bị cho các hộ nghèo, cận nghèo của Bộ TT&TT cũng yêu cầu phải cung cấp trọn gói cả đầu thu và phụ kiện lắp đặt.

Việc thị trường anten và đầu thu DVB-T2 rơi vào cảnh “yên ắng” lạ thường khác hẳn với dự báo mà một số doanh nghiệp đưa ra hồi tháng 2/2017. Khi đó có nhiều doanh nghiệp kinh doanh truyền hình cho rằng, vào đầu năm ở Việt Nam vẫn còn anten và đầu thu tồn nên giá bán chưa tăng, nhưng chỉ cần khoảng 1 tháng nữa thôi là tất cả các nhà sản xuất và lắp ráp anten, đầu thu sẽ phải tăng giá bán hết. Sẽ không ai có thể giữ được giá bán cũ vì linh kiện nhập khẩu đều tăng giá ở mức khá cao.Việc tăng giá bán anten và đầu thu truyền hình chắc chắn sẽ tác động mạnh tới thị trường, vì tới ngày 1/7/2017 tới đây sẽ tắt sóng truyền hình analog tại 15 tỉnh thuộc giai đoạn 2. Dự kiến số lượng đầu thu truyền hình DVB-T2 và anten sẽ tiêu thụ lên đến hàng triệu bộ.

Bên cạnh đó, việc tăng giá bán đầu thu truyền hình và anten cũng ảnh hưởng rất lớn đến dự án hỗ trợ đầu thu cho các hộ nghèo, cận nghèo mà Bộ TT&TT đang triển khai. Theo tính toán của Cục Tần số Vô tuyến điện, trong số 15 tỉnh sẽ tắt sóngtruyền hình analog đợt 1/7/2017 có gần 590.000 hộ nghèo, cận nghèo, lớn hơn tổng số đầu thu đã hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo của giai đoạn 1 và đợt 1 của giai đoạn 2. Với giá tiền chi hỗ trợ đầu thu, anten và công lắp đặt như năm 2016 trung bình 600.000 đồng/hộ, dự tính nhà nước sẽ chi khoảng 354 tỷ đồng. Tuy nhiên, với việc giá đầu thu và anten đột ngột tăng lên khoảng 10% thì Nhà nước sẽ phải chi vượt thêm tới hơn 35 tỷ đồng cho riêng dự án này.