Đầu tháng 7, hai người chết tại thành phố Xinxiang, Trung Quốc, sau khi một người phụ nữ đánh rơi điện thoại vào bể phốt công cộng. Theo tờ South China Morning, chồng của người này lao ngay vào để mò song nhanh chóng mất ý thức vì thiếu ôxy. Mẹ chồng, vợ và vài người hàng xóm cũng nhảy xuống cứu song đã quá trễ. Tổng cộng 6 người được đưa lên từ bể phốt song người chồng cùng mẹ qua đời sau đó do ngạt thở.

trộm cắp điện thoại, iPhone

Việc hy sinh cả tính mạng chỉ để cố lấy lại chiếc điện thoại không hiếm song vẫn không được đoái hoài. Tháng 1/2014, tại Chicago, một người đàn ông ngã xuống dòng sông Chicago đang đóng băng để cứu điện thoại. Hai người khác, một nam, một nữ, trông thấy cảnh này và cố gắng cứu sống ông. Tuy nhiên, theo hãng tin địa phương ABC 7, chỉ có một người sống sót. Cũng tại Chicago, một người đàn ông 55 tuổi bị chết trong xe chở rác trong khi đang tìm kiếm chiếc di động mà ông nghĩ là vô tình vứt đi.

Vì sao họ lại mạo hiểm tất cả chỉ vì một thiết bị nhỏ bé? Theo Giáo sư, nhà tâm lý học Bryan Reuther tại trường Indian River State College, giá trị tiền bạc không phải là vấn đề ở đây mà chính vì chúng hình thành nhiều mặt trong cuộc sống của chúng ta. Nhiều người xem nó như sợi dây liên lạc với mọi người hàng ngày.

“Smartphone ngày nay chứa thông tin cá nhân như dữ liệu tài chính, ảnh, danh bạ, tất cả đều quan trọng và có ý nghĩa. Bởi cuộc sống gói gọn trong các thiết bị này, chúng trở thành bộ nhớ, phương tiện liên lạc, giúp chúng ta cảm thấy kết nối hơn với người khác và thế giới xung quanh”, Giáo sư giải thích.

Với quan điểm này, có thể hình dung vì sao các trường hợp kể trên lại làm mọi cách để giải cứu điện thoại, đặc biệt khi họ chưa nhìn thấy nguy hiểm cận kề. Tuy nhiên, không ít trường hợp thực sự là “liều mình như chẳng có” tại những nơi luôn có biển cảnh báo. Theo SFGate.com, một cô bé người California bị tàu hỏa đâm chết sau khi cố nhặt điện thoại lên khỏi đường ray dù còi hú báo động hay một thanh niên trẻ tại New York lao đầu vào tàu điện ngầm vì làm rơi smartphone xuống dưới.

Chết vì sơ suất là một lý do, không ít trường hợp chết vì kẻ cướp. HuffingtonPost thống kê trong năm 2013, nhiều vụ cướp giật điện thoại biến tướng thành giết người khi nạn nhân cố giữ lại thiết bị.

Một cậu bé tuổi teen bị bắn chết hồi tháng 2/2014 vì từ chối giao nộp điện thoại cho tên cướp. Năm ngoái, một thanh niên 26 tuổi cũng chết với lí do tương tự. Mới đây nhất, bé gái 15 tuổi tại California chết sau khi cố giằng lại chiếc iPhone của mình. Cô leo lên thùng xe của bọn cướp nhưng xe cua gấp và hất văng cô bé ra khỏi xe, đập đầu xuống đường và tử vong 2 ngày sau.

Con người ngày càng phụ thuộc vào công nghệ, không có chúng, họ trở nên bối rối, mất kiểm soát và cảm thấy bị bỏ rơi, như thể không tồn tại trong xã hội. Song, từ các trường hợp đau lòng kể trên, bài học rút ra cho bất kỳ ai là dù điện thoại hay món đồ nào khác có đáng giá đến đâu, chúng cũng không đáng để từ bỏ cả tất cả vì nó. Không có gì, kể cả tiền bạc hay thông tin cá nhân, có thể quan trọng bằng cuộc sống của mỗi người.