- Trong đề án sửa chữa trình lên Bộ GTVT về phương án thu phí bảo trì đường bộ, Tổng cục Đường bộ VN (Bộ GTVT) đã kiến nghị nên thu phí bảo trì đường bộ trực tiếp từ đầu phương tiện cơ giới đường bộ.

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó tổng Cục trưởng Cục Đường bộ đã có cuộc trao đổi với báo giới.

- Xin ông cho biết Dự thảo quỹ bảo trì đường bộ được soạn thảo đến đâu?

Sau nhiều lần trình dự thảo lấy ý kiến, sau khi Chính phủ chỉ đạo hoàn thiện các phương án thu, chúng tôi đã sửa đổi phương án thu. Theo đó đề xuất thu đối với cả ô tô lẫn mô tô theo cách thu tính qua đầu phương tiện.

- Ông cho biết cụ thể ra sao?

Ô tô tính mức phí từng loại xe, sẽ được thu theo tháng, với chu kỳ thu 1 tháng/lần, hoặc 3 tháng/lần hoặc 6 tháng/lần. Mô tô đề xuất thu thông qua bảo hiểm một năm/ lần

- Vậy mức thu sẽ như thế nào?

Mức thu cụ thể chưa được đề xuất mà mới đưa ra chủ trương trong dự thảo để Bộ GTVT lấy ý kiến đóng góp, hoàn thiện nhằm đưa ra mức thu hợp lý trước khi trình lên Thủ tướng Chính phủ.

Liệu đề án thu phí bảo trì đường bộ qua đầu phương tiện được thông qua thì các trạm thu phí đường bộ có được sắp xếp lại? (Ảnh: Đất Việt).

- Vậy khi tiến hành thu phí qua đầu phương tiện có bỏ các trạm thu phí không?

Hiện nay còn tồn tại ba loại: trạm phí BOT để hoàn vốn cho nhà đầu tư BOT, trạm đã đấu thầu quyền thu phí và một loại khác phục vụ thu nộp ngân sách cho duy tu bảo dưỡng đường bộ.

Do Quỹ bảo trì sẽ không cấp vốn cho các trạm thu phí BOT, nên các trạm này vẫn tồn tại.

Đối với trạm đấu thầu quyền thu phí, hiện có 5 trạm, có thời hạn 5 năm. Do số lượng ít nên cho họ thực hiện hết thời hạn mà mình đã bán sau đó sẽ xóa bỏ.

Các trạm còn lại thu nộp ngân sách nhà nước có khoảng 20 trạm, sẽ sắp xếp chuyển đổi trong lộ trình từ 1,5-3 năm sẽ giải quyết xong.

- Nhưng hiện nay số lượng trạm BOT vẫn nhiều, nếu vẫn duy trì cả các trạm này lẫn thu vào quỹ bảo trì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người dân, mất công bằng?

Hiện còn 5-6 trạm BOT. Trong phương án đầu tư, các trạm này họ vừa thu hoàn vốn đầu tư và thu để quản lý, sửa chữa các công trình BOT này. Các công trình BOT được đầu tư theo tiêu chuẩn kỹ thuật cao nên cần hoàn vốn, vì vậy việc nên duy trì là cần thiết.

- Nhưng nhiều nhà đầu tư BOT chỉ đầu tư xây các tuyến tránh (cho quốc lộ 1) nhưng vẫn thu cả tuyến chính trên quốc lộ 1 khiến dân rất oan?

Đúng là có một số ít trạm thu phí đặt ở vị trí không nằm trên công trình BOT, bộ đang nghiên cứu sắp xếp để tránh thiệt hại cho các phương tiện

- Mới đây có nhiều điều kiện thay đổi theo hướng bất lợi cho nhà đầu tư BOT, như mức thu phí cầu Tào Xuyên (Thanh Hóa) bộ đã yêu cầu hạ từ 2 lần xuống còn 1,5 lần. Vậy bồi thường cho nhà đầu tư thế nào để tiếp tục kêu gọi đầu tư vào hạ tầng khi ngân sách có hạn?

Mức thu phí trạm Tào Xuyên do Bộ GTVT quyết định, Bộ đã có văn bản cùng Bộ Tài chính, đang xem xét giải quyết. Nếu giảm thì sẽ điều chỉnh các nội dung như tăng thời gian cho phù hợp.

Việc điều chỉnh như vậy là cần thiết, nhưng điều chỉnh làm sao để có sự hài hòa giữa quyền lợi nhà nước, người dân và nhà đầu tư.

- Xin  cám ơn ông!

Mức thu phí xe máy 80.000 đồng/năm

Trong đề án sửa chữa trình lên Bộ GTVT, Tổng Cục Đường bộ đã kiến nghị nên thu phí bảo trì đường bộ trực tiếp từ đầu phương tiện cơ giới đường bộ. Theo đó, sẽ thu trực tiếp từ đầu phương tiện theo kilômet xe chạy đối với ôtô các loại, trước mắt thực hiện thu theo tháng, quý hoặc kỳ đăng kiểm; kiểm soát thông qua công tác kiểm tra định kỳ về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Cụ thể, phương tiện là môtô, xe máy, mức thu tính toán một xe/năm là 80.000 đồng đối với xe gắn máy, 100.000 đồng đối với môtô loại 1, 120.000 đồng đối với môtô loại 2, 150.000 đồng đối với môtô loại 3.

Với số môtô, xe máy đang lưu hành đến thời điểm 30-11-2010 là 31.155.154 chiếc, số phí sử dụng đường bộ thu được từ loại phương tiện này đạt khoảng 3.243 tỉ đồng/năm. Trong giai đoạn đầu hình thành quỹ, số thu này dự kiến đạt khoảng 1.600 tỉ đồng/năm. Sau khi trừ chi phí tổ chức thu (dự tính 5%, khoảng 80 tỉ đồng/năm), số tiền quỹ thu được từ đầu phương tiện môtô, xe máy khoảng 1.520 tỉ đồng.

Phương án thu qua đầu phương tiện, nguồn thu của quỹ bảo trì đường bộ đạt khoảng 6.035 tỉ đồng/năm.

Xoá bỏ 3 trạm thu phí đường bộ


Thủ tướng Chính phủ vừa chấp thuận đề xuất của Bộ GTVT về việc xóa bỏ ba trạm thu phí: trạm Việt Trì – quốc lộ 2, trạm Cầu Hồ - quốc lộ 38 và trạm phí Km 58 – quốc lộ 18. Lý do là vì trạm Việt Trì – quốc lộ 2 quá gần (chỉ cách 28km) với trạm đường tránh Vĩnh Yên, còn trạm Km 58 – quốc lộ 18 chỉ cách trạm Phả Lại 34km, trong khi quy định là cách nhau tối thiểu 70km. Trạm Cầu Hồ bị xóa do số thu quá thấp.

Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất của Bộ GTVT về tạm dừng thu phí bốn trạm phí khác là trạm Yên Thành (quốc lộ 7); trạm Hồng Lĩnh (quốc lộ 8); trạm Sóc Sơn (quốc lộ 3); trạm thu phí số 3 (quốc lộ 14).


Gia Văn (ghi)