Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm sáng 3/7, vấn đề kiểm soát giết mổ và an toàn thực phẩm tiếp tục là điểm nóng. Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Thú y, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết thực hiện chỉ đạo của Bộ, lực lượng chuyên ngành đã thường xuyên kiểm tra công tác kiểm soát giết mổ, phòng chống dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, “được thực hiện thường xuyên và liên tục”.

chăn nuôi gia cầm .jpg
Nhập lậu là một trong những nguyên nhân khiến người chăn nuôi lao đao, doanh nghiệp thua lỗ nặng.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ NN&MT Phùng Đức Tiến không đồng tình với cách báo cáo vòng vo, chung chung. Ông thẳng thắn yêu cầu đại diện Cục Chăn nuôi - Thú y làm rõ: “Thường xuyên và liên tục là như thế nào?”

Theo Thứ trưởng, công tác quản lý giết mổ đã lỏng lẻo kéo dài trong nhiều năm. Việc quản lý thuốc thú y, vắc-xin cũng yếu kém, đến nay nhiều nội dung vẫn chỉ nằm trên… giấy.

“Cả nước hiện có 484 cơ sở giết mổ tập trung, 24.600 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Trong khi Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu giám sát tối cao về an toàn thực phẩm, thì thực tế giám sát lại có xu hướng kém đi”, ông Tiến nói và yêu cầu Cục Chăn nuôi - Thú y phải đưa ra kế hoạch hành động cụ thể, không thể tiếp tục né tránh trách nhiệm.

Không thể đẩy hết cho công an

Khi được yêu cầu làm rõ kế hoạch hành động cụ thể để siết chặt kiểm dịch và kiểm soát giết mổ, ông Phạm Kim Đăng cho rằng trách nhiệm chính thuộc về chính quyền địa phương và hệ thống thú y cơ sở. Nơi nào làm nghiêm thì kiểm soát tốt, còn nơi buông lỏng thì để xảy ra vi phạm.

Về giải pháp lâu dài nhằm siết chặt kiểm dịch và kiểm soát giết mổ, đại diện Cục Chăn nuôi - Thú y cho rằng cần tăng cường phối hợp với Bộ Công an, bởi theo quan điểm của Cục, chỉ các cơ quan điều tra mới có đủ thẩm quyền và công cụ để xử lý triệt để các vi phạm. Trong khi đó, lực lượng chuyên ngành hiện vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý.

thứ trưởng Phung Duc Tien 1.jpeg
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến không đồng tình với cách nhìn nhận này. Ông cho rằng, việc xử lý vi phạm không thể chỉ trông chờ vào lực lượng công an, trong khi ngành thú y hoàn toàn có thẩm quyền thực hiện các biện pháp như xử phạt hành chính, thu hồi giấy phép kiểm dịch...

“Không thể đùn đẩy trách nhiệm. Trước hết, ngành mình phải xác định rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong công tác kiểm soát. Những gì pháp luật đã trao quyền thì phải làm cho đến nơi đến chốn”, Thứ trưởng nhấn mạnh. Ông thẳng thắn chỉ rõ: Lỗ hổng trong công tác kiểm dịch và chống buôn lậu nông sản là vấn đề tồn tại nhiều năm nhưng chưa có chuyển biến thực chất.

Thứ trưởng Tiến cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 850 triệu con gia cầm, nhưng nhiều năm qua ngành chăn nuôi liên tục thua lỗ, giá gia cầm rất thấp. Một phần nguyên nhân là do tình trạng buôn lậu tràn lan, trong khi công tác kiểm soát chưa hiệu quả.

Dù Bộ NN&MT đã nhiều lần chỉ đạo siết chặt, song thực tế tại nhiều địa phương vẫn chưa triển khai đầy đủ, chưa đăng ký thực hiện nghiêm túc các quy chế phối hợp. Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” khiến công tác kiểm dịch ở nhiều nơi chỉ mang tính hình thức, không đảm bảo an toàn thực phẩm, làm suy yếu năng lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi trong nước.

“Phải nhìn thẳng vào vấn đề. Nếu không siết chặt từ đầu vào, chúng ta không thể kiểm soát nổi thị trường. Doanh nghiệp, người dân đang trông chờ vào hành động của chúng ta”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Trắng đêm chặn thịt bẩn 'tuồn' vào Sài Gòn

Sau nhiều ngày ra quân, lực lượng này đã phát hiện nhiều trường hợp sai phạm và đã trực tiếp thu giữ và mang đi tiêu hủy theo quy định. Các sản phẩm chủ yếu được thu giữ là thịt gia súc và gia cầm.

Thịt bẩn liên tiếp 'tấn công' thị trường

Tình trạng thịt bẩn thâm nhập vào thị trường TP.HCM ngày càng gia tăng. Chỉ trong vòng hai tuần, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng chục vụ vi phạm với hàng nghìn kg thịt bẩn vận chuyển trái phép vào thành phố.