
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 3/7/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra một thông điệp cải cách đáng chú ý: yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẩn trương gỡ bỏ công cụ hành chính trong điều hành tăng trưởng tín dụng – cụ thể là chấm dứt việc giao chỉ tiêu (room) tín dụng cho từng ngân hàng thương mại – và thay vào đó là cơ chế thị trường với bộ tiêu chí kiểm soát an toàn tín dụng rõ ràng.
Công cụ hành chính lỗi thời mang tên “room tín dụng”
Suốt từ năm 2011, NHNN đã áp dụng công cụ “hạn mức tín dụng” – tức phân bổ trần tăng trưởng tín dụng hằng năm cho từng ngân hàng thương mại.
Ban đầu, biện pháp này có vai trò quan trọng: kiềm chế lạm phát phi mã trong bối cảnh tín dụng tăng trung bình hơn 33%/năm giai đoạn 2007–2011, đỉnh điểm là 53% vào năm 2007, dẫn đến lạm phát vượt 19% năm 2011.
Song đến nay, bối cảnh đã thay đổi, nhất là khi Việt Nam đang đề nghị các quốc gia công nhận quy chế thị trường và ngành ngân hàng đã có thêm nhiều quy chế quản lý an toàn tín dụng. Cơ chế “room tín dụng” ngày càng thể hiện rõ tính phi thị trường, gây rủi ro phát sinh cơ chế “xin – cho” và nhất là gây ách tắc dòng vốn, tạo méo mó thị trường.
Ngân hàng thương mại, suy cho cùng, cũng là doanh nghiệp. Họ cũng được quyền được phát triển kinh doanh nếu đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vốn đã có.
Mặt khác, không ít doanh nghiệp dù lành mạnh, có kế hoạch sản xuất kinh doanh khả thi vẫn không tiếp cận được vốn vay do ngân hàng… hết room. Nhiều khách hàng cá nhân mua nhà bị phạt hợp đồng vì ngân hàng không giải ngân đúng hạn – không vì rủi ro tín dụng, mà đơn giản vì ngân hàng đã “hết quota”. Một biện pháp hành chính, thay vì phục vụ ổn định kinh tế vĩ mô, lại đang trở thành điểm nghẽn của phục hồi kinh tế và tăng trưởng.
Quyết tâm của Thủ tướng
Yêu cầu của Thủ tướng không đến từ áp lực nhất thời, mà phù hợp với một xu hướng cải cách lớn hơn, đã được xác định trong Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 (Quyết định 986/QĐ-TTg): xây dựng NHNN hiện đại, vận hành theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các chủ thể kinh tế.

Việc duy trì hạn mức tín dụng cho từng ngân hàng không chỉ can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng – vốn cũng là doanh nghiệp – mà còn dễ dẫn đến rủi ro pháp lý. Khi hết room, ngân hàng có thể phải vi phạm cam kết hợp đồng tín dụng với khách hàng, tạo tranh chấp dân sự hoặc gây mất niềm tin trong quan hệ thị trường.
Hơn thế, công cụ hành chính room tín dụng trái với mục tiêu quản trị ngân hàng hiện đại, minh bạch, và an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong khi ngành ngân hàng đã triển khai áp dụng chuẩn Basel 2 cho hàng chục ngân hàng thương mại, và các ngân hàng đã tuân thủ các quy định khắt khe về hệ số an toàn vốn (CAR), giới hạn tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR), thì việc vẫn áp room tín dụng là một hình thức “trói tay” thị trường và kìm hãm sự phát triển của chính hệ thống ngân hàng.
Có đủ công cụ thay thế
Một trong những lo ngại chính khiến NHNN duy trì room tín dụng là rủi ro mất kiểm soát tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện nay có nhiều công cụ thị trường đủ mạnh để thay thế.
Hệ số CAR và Basel 2: Khi ngân hàng muốn mở rộng tín dụng vào lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, họ buộc phải tăng vốn tự có để đảm bảo hệ số CAR – một rào cản thị trường rõ ràng, minh bạch và có hiệu lực pháp lý.
Tỷ lệ dự trữ bắt buộc: NHNN có thể điều chỉnh công cụ này để điều tiết cung tiền gián tiếp – ví dụ, tăng dự trữ bắt buộc lên 5% hoặc 10% sẽ buộc các ngân hàng “giam” bớt tiền ở NHNN, giảm khả năng cho vay quá mức.
Nghiệp vụ thị trường mở (OMO): Qua phát hành tín phiếu hoặc giấy tờ có giá, NHNN có thể “hút tiền” hoặc “bơm tiền” vào hệ thống, linh hoạt và không cần dùng mệnh lệnh hành chính.
Những công cụ này vừa thị trường, vừa minh bạch và phản ánh thực lực tài chính – điều mà hạn mức tín dụng không thể đảm bảo.
Thời điểm chín muồi để cải cách
Thủ tướng yêu cầu NHNN báo cáo phương án gỡ bỏ room tín dụng trong tháng 7/2025 – một mốc thời gian cụ thể thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ. Đây cũng là thời điểm phù hợp để triển khai cải cách:
Nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi sau dịch và tái cấu trúc, cần dòng vốn dồi dào, linh hoạt hơn. Các ngân hàng thương mại Việt Nam đã có nền tảng tốt hơn về quản trị rủi ro và vốn tự có.
Chính phủ đang hướng tới xây dựng nhà nước kiến tạo, thị trường đầy đủ chức năng và hành lang pháp lý hiện đại.
Nếu tiếp tục duy trì cơ chế xin – cho thông qua room tín dụng, mục tiêu hiện đại hóa ngành ngân hàng sẽ gặp khó khăn.
Bỏ hạn mức tín dụng không có nghĩa buông lỏng kiểm soát tín dụng, mà là thay đổi cách kiểm soát: từ hành chính sang thị trường; từ mệnh lệnh sang chuẩn mực; từ xin – cho sang cạnh tranh bình đẳng.
Đây là một cải cách quan trọng, có thể giúp khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế, nâng cao năng lực điều hành chính sách tiền tệ của NHNN và thúc đẩy thị trường tài chính Việt Nam phát triển bền vững hơn.
Khi bỏ room tín dụng, Việt Nam sẽ có thêm một cột mốc cải cách quan trọng trên hành trình hiện đại hóa nền kinh tế kinh tế thị trường mà nhiều năm nay chúng ta phải thuyết phục các quốc gia trên thế giới công nhận.
