Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên ngày càng ra tăng khi nguy cơ xung đột hai miền có khả năng xảy ra bất cứ lúc nào. Trong các diễn biến mới đây, chính quyền của lãnh đạo Kim-Jong-Un đã tuyên bố cắt đường dây nóng, đóng cửa khẩu và đỉnh điểm là chấm dứt thỏa thuận hòa bình với Hàn Quốc. Hôm 12/3, Triều Tiên tiếp tục đe dọa tiến hành thêm các cuộc phóng tên lửa, và tiếp tục việc sản xuất vũ khí hạt nhân.
Trước những động thái này của Bình Nhưỡng, Mỹ và Hàn Quốc đang tiến hành các cuộc tập trân chung trên qui mô hàng đầu thế giới với sự tham gia của hơn 20.000 quân nhân và các loại vũ khí tối tân nhất.
Những căng thẳng trên đây được coi như sự đáp trả của Triều Tiên đối với hàng loạt lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc với vụ thử tên lửa hồi tháng 2. Điều đáng chú ý là lệnh trừng phạt cứng rắn này nhận được sự thông qua từ phía Bắc Kinh tại Hội đồng Bảo an.
Theo tờ GlobalTimes, các quan chức Trung Quốc đã bày tỏ sự ủng hộ hành động của Hội đồng Bảo an và gọi nghị quyết này là "cân bằng". "Đây là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế để đảm bảo hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên cũng như khu vực Đông Bắc Á" (trích lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương).
Đây được coi như một động thái hết sức cứng rắn của chính quyền ông Tập Cận Bình vì trong những lần căng thẳng trước đó, Trung Quốc luôn là nhân tố giúp chính quyền của nhà lãnh đạo Kim-Jong-Un thoát khỏi các lệnh trừng phạt hà khắc. Hôm 11/3, cố vấn an ninh cấp cao của chính quyền tổng thống Obama- Tom Donilon đã kêu gọi Bắc Kinh cùng tham gia những hành động tiếp theo nhằm cô lập Triều Tiên sau khi nước này tuyên bố hủy bỏ hiệp định đình chiến với Hàn Quốc được kí kết năm 1953.
"Tiến thoái lưỡng nan"
Hiện nay, giới truyền thông Trung Quốc cũng đang rộ lên nhiều quan điểm chống lại Triều Tiên. Đáng chú ý, theo tờ Newyork Times, trong một cuộc thảo luận bên lề của cuộc họp Đảng Cộng sản Trung Quốc, một số đại biểu đã đề cập tới việc liệu nên "giữ hay loại bỏ" Triều Tiên, và tranh luận rằng Trung Quốc- với tư các là một cường quốc lớn nên "đối đầu hay đối thoại" với Bình Nhưỡng. Nhiều nhà phân tích nhận định, Trung Quốc đang trong tình thế hết sức "nhạy cảm" trong quan hệ với Triều Tiên.
![]() |
Ảnh New York Times. |
Xét theo một khía cạnh nào đó, sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Triều Tiên sẽ đem lại nhiều bất lợi cho Trung Quốc. Hiện nay, sức mạnh mềm được coi như một trong những ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc, việc tiếp tục đứng về phía Triều Tiên sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh của đất nước hơn 1,3 tỉ dân này, đặc biệt là trong bối cảnh hình ảnh của Trung Quốc bị có phần giảm đi sau những tranh chấp lãnh thổ với các nước nhỏ hơn trong khu vực.
Hơn thế nữa, cả Mỹ và Hàn Quốc hiện tại đều là những đối tác hết sức quan trọng của Trung Quốc xét cả về mặt kinh tế lẫn ngoại giao.
Ngược lại, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng giảm sút đáng kể khi hàng loạt vụ tàu cá và ngư dân của Trung Quốc bị phía công dân Triều Tiên bắt cóc hồi năm ngoái, mối quan hệ thương mại giữa hai nước thực chất vẫn giữ ở mức "cho và nhận".
Nếu Trung Quốc "chịu" hợp tác cùng Mỹ cô lập Triều Tiên, đây sẽ là cơ hội lớn cho cường quốc số 1 và số 2 thế giới hàn gắn những rạn nứt và ngờ vực vốn có.
Xét theo một góc nhìn khác, Trung Quốc cần rất cẩn trọng cân nhắc liệu có nên thực hiện những bước đi cứng rắn hơn trong quan hệ "môi hở răng lạnh" với Triều Tiên. Việc tiếp ủng hộ các biện pháp hà khắc có thể đẩy tới những phản ứng tiêu cực từ phía Bình Nhưỡng, một cuộc chiến tổng lực nếu xảy ra sẽ là một điều hết sức khủng khiếp đối với an ninh của toàn khu vực trong đó có cả Trung Quốc. Trước hết sẽ là một làn sóng di cư lớn đổ về nước này và sau đó có thể là một cuộc khủng hoảng nhân quyền lớn.
Về lâu về dài, Trung Quốc vẫn rất cần gìn giữ được mối quan hệ với Triều Tiên xét cả về an ninh lẫn chính trị. Triều Tiên vỗn dĩ vẫn được coi như một vùng đệm an toàn của Trung Quốc trước quân đội Mỹ đang đóng tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Hơn thế, Bình Nhưỡng vẫn cần thiết đối với Bắc Kinh như một đồng minh truyền thống tại khu vực trước sự quay lại châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, nhất là khi Tổng thống Obama tái đắc cử chiếc ghế Tổng thống lần thứ 2.
Sẽ thật khó cho Bắc Kinh khi phải quyết định chọn lựa giữa ủng hộ hay loại bỏ Triều Tiên. Một giải pháp khôn ngoan hơn cho Trung Quốc là có thể đóng vai trò trung gian hòa giải như nước này vẫn làm. Tuy nhiên, với vị trí mới tại khu vực kèm theo những trách nhiệm không thể phớt lờ, cộng thêm những áp lực từ cả quốc tế lẫn nội bộ, liệu Trung Quốc có kiên trì với vị trí này được lâu dài hay không?
Trần Hà My