Là một trong những huyện nghèo của cả nước, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) có trên 37.000 người, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm trên 90%), trình độ dân trí không đồng đều, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, một số phong tục, tập quán không còn phù hợp với nếp sống văn hóa mới chưa được xóa bỏ...
Vượt lên những trở ngại ấy, Đảng bộ, chính quyền địa phương đã nỗ lực đưa Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào nề nếp, tạo nền tảng tinh thần và động lực để khơi dậy các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở.
Huyện chủ trương coi trọng và lấy công tác tuyên truyền làm chính, cùng với triển khai quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của trung ương và của tỉnh quy định các tiêu chuẩn công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, làng bản văn hóa..
Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, Ban Thường vụ Huyện ủy Trạm Tấu cũng đã ban hành Chương trình hành động với mục tiêu tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa mới giai đoạn 2015 - 2020, 2020 - 2025.

Qua quá trình thực hiện đã tạo ra những biến đổi tích cực được ghi nhận rõ nét trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tại Trạm Tấu. Theo đó, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt mức cao; các nghi lễ cưới xin truyền thống được đơn giản hóa, gọn nhẹ và thực hành theo tinh thần tiết kiệm, phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần giảm thiểu các phong tục ép duyên, tảo hôn cũng như tình trạng không đăng ký kết hôn.
Cùng với đó, những yếu tố mê tín như việc cúng ma cho người ốm cũng dần được thay thế bằng việc chủ động khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế hiện đại.
Trên tinh thần những kết quả đã đạt được, năm 2025, huyện Trạm Tấu phấn đấu tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 70%, trong đó trên 75,2% gia đình văn hóa đạt tiêu chí gia đình hạnh phúc. Tỷ lệ hộ gia đình tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề về phòng, chống bạo lực gia đình do UBND các xã, thị trấn tổ chức tại các thôn, tổ dân phố đạt 40%. Tỷ lệ hộ gia đình thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đạt 70%.
Để thực hiện mục tiêu trên, trong thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về gia đình; hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác gia đình bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp theo Kế hoạch số 102 ngày 9/5/2022 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam.
Tăng cường công tác phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó chú trọng nghiên cứu xây dựng, phát triển các loại hình dịch vụ gia đình, tạo điều kiện thuận lợi cho các gia đình được tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản.
Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng, chống bạo lực gia đình theo chủ đề "Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng", góp phần xây dựng gia đình phát triển bền vững, no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
Tăng cường công tác tuyên truyền, đổi mới các hình thức truyền thông về công tác gia đình, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.
Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tuyên truyền lưu động, băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích, tin, bài viết… tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội về giữ gìn truyền thống văn hóa gia đình, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng, chống bạo lực gia đình; tôn vinh sự kết nối và mối liên hệ giữa các thành viên trong gia đình; giáo dục, phòng ngừa tác động tiêu cực ảnh hưởng đến sự phát triển của gia đình, kế thừa và tiếp thu có chọn lọc những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển.
Xây dựng môi trường gia đình văn minh, hạnh phúc, góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân. Tăng cường giáo dục nền nếp, lối sống tích cực, văn minh cho từng thành viên trong gia đình; tập trung vai trò nêu gương của ông bà, cha mẹ cho con cháu.
Nhân rộng mô hình "bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương" nhằm tăng cường sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.